Giáo sư Phan Văn Trường chỉ ra 4 trường hợp khởi nghiệp dễ thành công, cách thứ 4 thậm chí khả thi và rủi ro rất nhỏ

19/04/2019 08:26 AM | Kinh doanh

Giáo sư Trường tổng kết lại những trường hợp khởi nghiệp thành công thường thuộc về những dạng sau đây.

"Vì khởi nghiệp giống như bóng đá ở chỗ bóng sút thì nhiều những bàn thắng lại chẳng được bao nhiêu, hàng nghìn cuộc khởi nghiệp thì chỉ vài cuộc thành công. Nhưng thế thôi cũng đủ là lý do để khuyến khích người ta khởi nghiệp. Đâu phải vì số bàn thắng ít mà chúng ta không chơi bóng đá!", Giáo sư Phan Văn Trường lý giải về niềm đam mê của người khởi nghiệp.

Kinh nghiệm từ làm các tập đoàn đa quốc gia trong hơn 40 năm cũng như từng tiếp xúc nhiều doanh nghiệp, Giáo sư Trường tổng kết lại những trường hợp khởi nghiệp thành công thường thuộc về những dạng sau đây:

Khởi nghiệp khi đã lớn tuổi

Một hiện tượng ít ai nói tới là khởi nghiệp khi đã lớn tuổi. Giáo sư Trường cho biết ông có nhiều người quen ở tuổi trung niên, thậm chí gần 50 tuổi mới khởi nghiệp và đã thành công. Theo ông xác xuất thành công cao có lẽ do chính những thất bại khi còn trẻ đã tránh cho họ lặp lại những lỗi lầm. Và họ cũng có sẵn vốn - một điều kiện không dễ.

Dựa vào doanh nghiệp lớn

Trường hợp thứ nhì dễ thành công là những nhóm trẻ hỗ trợ cho một doanh nghiệp đã lớn mạnh có thêm sản phẩm trên một thị phần chưa hoặc ít được khai phá, hoặc giúp họ tăng thêm hiệu năng, lấy thêm khách hàng. 

Đa số những nhóm viết các ứng dụng cho iPhone và trở nên giàu có là những người đã vịn vào một thị trường sẵn có, một nhu cầu hiển nhiên. Những ứng dụng được Apple cho phép gắn vào iPhone đã giúp cho đời sống của người sử dụng vui hơn, khỏe hơn, lý thú hơn, ngọt ngào hơn. Nó đã giúp cho máy điện thoại thông minh tăng số lượng chức năng hữu ích. 

Chiếu theo ví dụ này, mô hình mà giáo sư Trường khuyên các bạn trẻ nên theo là nếu đang may mắn làm việc cho các công ty viễn thông hay những doanh nghiệp chuyên về phân phối hàng hóa chẳng hạn, các bạn hãy thuyết phục chính công ty của mình cho phép thiết lập những nhóm làm việc riêng biệt để nghĩ tới những mô hình truyền thông hay phân phối hiệu quả hơn. Tóm lại, bạn khởi nghiệp ngay chính trong công ty của mình, với sự hỗ trợ của những phương tiện sẵn có. 

Nếu khởi nghiệp ở ngoài công ty thì bạn lấy đâu ra những phương tiện này? Tạo giá trị mới cho chính doanh nghiệp của mình là vịn vào một sức mạnh sẵn có, một thị trường đã vững để tạo thêm giá trị, đôi khi nếu may mắn thì bạn còn có thể tạo nên hẳn một phân khúc mới trong thị trường. Công ty của bạn sẽ sinh lợi cùng với sự thành công của bạn. Xác suất thành công của kiểu khởi nghiệp này rất cao.

Giáo sư Phan Văn Trường chỉ ra 4 trường hợp khởi nghiệp dễ thành công, cách thứ 4 thậm chí khả thi và rủi ro rất nhỏ - Ảnh 1.

Đón đầu khuynh hướng mới của xã hội tiêu dùng

Trường hợp khởi nghiệp thành công thứ ba vị giáo sư từng chứng kiến là sự đón đầu những khuynh hướng mới của xã hội tiêu dùng. Xã hội biến đổi không ngừng. Ai ai trong cuộc sống cũng muốn đi nhanh hơn, được thoải mái tiện nghi hơn, vui hơn, an toàn hơn. 

Những công ty cổ điển đã thành công phần lớn thường ở lại trên những thắng lợi của họ, hay ít nhất họ không vội vàng đổi mới. Nhờ đó, chính những công ty này đã tặng cho người khởi nghiệp một khe hở. Nếu khéo khai thác khe hở thì việc khởi nghiệp sẽ thành công. Những minh chứng thì vô số – bạn nào hiếu kỳ nên tìm lại lịch sử của Kodak, IBM (thời 1970) hay Nokia. Kodak và IBM là hai doanh nghiệp hùng mạnh nhất thế giới vào thời kỳ đó, khi Apple và Microsoft chưa sinh ra... 

Vậy mà chính IBM đã tặng cho Microsoft một khe hở: Vào đầu những năm 1970, IBM đã mở cuộc đấu thầu về việc viết một phần mềm – thứ sẽ trở thành Windows sau này, rồi giúp Microsoft chiếm hàng đầu thế giới. Còn Nokia chẳng có tội tình gì, chỉ chậm chân ỷ lại sức mạnh mình sẵn có mà cũng đủ mở một khe hở cho Apple... 

Nếu bạn làm bất cứ điều gì có khả năng giúp khách quan cho một doanh nghiệp đổi mới, bạn sẽ thành công trong việc khởi nghiệp của mình. Một trong những lý do thành công, không phải chỉ là dựa vào sự thành công của người khác, mà chính là vì những doanh nghiệp lớn đã đầu tư sẵn việc khảo sát thị trường, chọn những hướng đi đúng, xây dựng triết lý kinh doanh đúng. Mình theo họ là mình đã có được ngay khi bắt đầu khởi nghiệp những mục tiêu đúng, những mực chuẩn đúng, do đó mình đã nằm ngay trong quỹ đạo của sự thành công.

Khởi nghiệp trên ý tưởng cũ

Trường hợp kinh điển và sớm thành công nhất là khởi nghiệp trên những ý tưởng cũ! Cũ ở đây nghĩa là “có người đã làm, đã thành công”. Vậy, tại sao lại đi bắt chước? Lý do là vì xã hội vẫn tăng trưởng, dân số vẫn tăng, thu nhập của người Việt Nam đang bắt kịp những xã hội trung bình tại những quốc gia lân cận, nhu cầu tiêu thụ bùng nổ, và nhất là hiện tượng đô thị hóa đang tăng tốc. 

Từng nấy thứ tăng trưởng cùng nhau thì chỉ vài năm nữa thành phố sẽ thiếu siêu thị, thiếu xe hơi để đi, thiếu máy bay để chở khách du lịch, thiếu quán cà phê để ngồi, thiếu bánh mì và thiếu cả trứng để ăn sáng... nếu như không có sự đầu tư mới từ những cá nhân muốn khởi nghiệp: Khởi nghiệp trên những ý tưởng cũ là thế, vịn vào tăng trưởng để tăng cường thêm những kiểu sinh hoạt đã được chứng minh là khả thi! Kiểu khởi nghiệp này chứa phần rủi ro rất nhỏ, do bạn sẽ tính được trước vốn và có thể dự kiến lợi nhuận.

Một ý tưởng phụ cho cách nhìn cũ này là làm mới những cái cũ. Ta làm theo ý tưởng cũ thì đã đành, nhưng ta sẽ điều chỉnh theo đúng thời trang, đúng khát vọng của những thế hệ mới trưởng thành. Những nhãn hiệu như “The Coffee Bean” hay “Starbucks” là gì nếu không phải là một chuỗi tiệm cà phê đơn thuần? 

Nhưng  hai thương hiệu này đã sáng chế ra một phong cách tiêu thụ mới với những thức uống mới. Không thể nào phủ nhận rằng ý tưởng sáng tạo khá nhỏ hẹp khi chỉ vỏn vẹn có chuyện mở tiệm cà phê. Rõ ràng chẳng cần ý tưởng cao siêu gì lắm để khởi nghiệp. 

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM