Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu

11/04/2016 08:31 AM | Kinh doanh

Mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc rất quyết liệt, nhưng tình trạng hàng giả, hàng lậu vẫn ngày càng gia tăng với mức độ và thủ đoạn tinh vi hơn.

Cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu luôn là vấn đề nóng. Bởi hàng gian, hàng giả, hàng lậu không chỉ nguy hại cho nền kinh tế của đất nước mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Là doanh nghiệp được nhượng quyền thương hiệu mỹ phẩm Etude Hous của Hàn Quốc, thế nhưng lãnh đạo Công ty TNHH thương mại Mỹ phẩm Etude Hous Việt Nam không ngờ rằng hiện nay trên thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp lại được bày bán ở rất nhiều khu chợ của TP HCM. Sản phẩm trông không khác gì sản phẩm của công ty, nhưng độ sắc sảo của vỏ bao bì thì không bằng, còn chất lượng thì không thể nào đảm bảo được. Nghi ngờ đây là sản phẩm giả và hàng nhập lậu từ Trung Quốc, công ty đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng cung ứng Công ty Etude Hous Việt Nam cho biết, công ty đã gửi đơn lên các cấp chính quyền để điều tra làm rõ sự việc. Tuy nhiên, cấp chính quyền cho biết đây là điều rất là khó, do nhập khẩu song song, không phải cơ quan quản lý, thanh tra nào cũng có thể giải quyết vấn đề đó một cách triệt để.

Một chuyên gia về luật cho biết, theo quy định, ngoài doanh nghiệp được nhượng quyền thương hiệu nhập sản phẩm từ nước ngoài, vẫn có một số cá nhân khác được phép nhập sản phẩm cùng loại song song bằng nhiều đường. Do đó thật giả lẫn lộn, có khi sản phẩm được chế ngay trong nước bằng nhiều thứ hóa chất độc hại nhưng lại được bán với giá cao.

Vì vậy, thiệt hại nhất vẫn là người tiêu dùng, còn doanh nghiệp làm ăn chân chính lại bị ảnh hưởng rất nhiều từ hàng nhái, hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước than rằng, nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt thì tình trạng doanh nghiệp phá sản vì không chống đỡ được với hàng lậu, hàng nhái, hàng giả thời gian tới không phải là con số nhỏ.

Theo ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn Phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, việc đấu tranh với loại tội phạm này rất phức tạp. Vì vậy cần phải có chính sách phù hợp cho lực lượng chống buôn lậu, chống hàng gian, hàng giả và khen thường kịp thời, bảo vệ những người tố giác tội phạm. Ngoài ra, hiện nay, khung hình phạt xử lý hàng giả, hàng lậu còn quá yếu, quá thấp; mức xử phạt như vậy không đủ sức răn đe. Đặc biệt, muốn chống hàng giả, hàng lậu triệt để thì cần phải làm quyết liệt tận gốc, tức là từ cơ sở phường, xã.

“Cấp cơ sở là rất quan trọng. Không thể nói hàng gian, hàng giả tự mọc cánh vào trong nội địa. Phải xác định nó ở đâu. Trước hết là chính quyền cơ sở ở đó đã làm hết sức chưa. Nếu hết sức rồi mà vẫn để tình trạng đấy thì phải báo cáo với cấp trên để tăng cường phối hợp, tăng cường các biện pháp khác, để chúng ta ngăn chặn. Tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa, tránh tình trạng không ai chịu trách nhiệm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, sở dĩ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu còn rất nhiều đất sống bởi lẽ rất ít vụ người tiêu dùng khiếu nại được nơi bán, hay nơi sản xuất là hàng giả, hàng nhái. Trong khi không có cơ sở kinh doanh nào lại thừa nhận mình buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Ngoài ra, việc giám định một sản phẩm nghi là hàng giả phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng. Còn người tiêu dùng khiếu nại không thành công bởi nhiều lý do, chẳng hạn, như: Không có chứng từ giao dịch, người kinh doanh không đến hoặc cố tình trốn tránh, không thực hiện hành vi bồi thường.

Việc đưa ra tòa án xử thì lại càng hiếm hoi bởi không người tiêu dùng nào muốn dính dáng đến pháp luật. Vả lại khi đưa ra tòa, người tiêu dùng phải nộp án phí, trong khi theo qui định của Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng thì không phải nộp án phí. Tòa cũng không xử theo thủ tục đơn giản về vụ việc dân sự nên xử lý dây dưa kéo dài… Do ít có vụ việc về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng được đưa ra xét xử tại tòa án nên người dân lại càng ít thông tin về vấn đề này.

Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cho rằng, cần phải tăng cường các biện pháp giúp người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng thật:

“ Phải tăng cường xử phạt, cần có sự vào cuộc của những doanh nghiệp chống hàng giả như làm tem chống giả và nhiều công cụ nữa để giúp người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng thật. Hiện nay có nhiều sản phẩm hàng giả và hàng thật để cạnh nhau nhưng chuyên viên của doanh nghiệp đó không phân biệt hàng giả, hàng thật thì làm sao người tiêu dùng phân biệt được”, ông Phong quan ngại.

Cũng theo ông Phong, chính người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm và cân nhắc kỹ khi mua sản phẩm, đồng thời phải thực hiện trách nhiệm của mình đối với hành vi tiêu dùng. Tức là, khi phát hiện hàng giả, hàng lậu cần phải thông báo với các cơ quan chức năng để xử lý. Có như thế mới bảo vệ được quyền lợi chung của xã hội, của nền kinh tế nước nhà và quyền lợi của chính mình.

Theo Cao Thoa

Cùng chuyên mục
XEM