“Giải cứu” Hòn ngọc Viễn Đông khỏi khói bụi, kẹt xe, trì trệ

20/11/2017 19:12 PM | Xã hội

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội về Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các ĐBQH đồng tình với dự thảo Nghị quyết theo hướng tháo gỡ khó khăn cho thành phố về nguồn lực đầu tư, phát triển.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, Nghị quyết nếu được thông qua sẽ là chiến thắng của tất cả chúng ta chứ không chỉ riêng TP.HCM, đó là chiến thắng của sự vượt lên bản ngã, vượt lên khỏi tư duy cục bộ.

Theo ông Nhân, TP.HCM đóng góp 21% GDP cho cả nước và 28% cho NSNN, nhưng tỷ lệ giữ lại cho thành phố lại thấp nhất cả nước. Điều này không tương xứng với vai trò đầu tàu kinh tế của thành phố năng động bậc nhất cả nước.

“Mặc dù trách nhiệm sẻ chia cho cả nước là thể hiện nghĩa tình của thành phố với cả nước, nhưng vẫn chưa công bằng cho người dân thành phố nếu so với những đóng góp của thành phố cho cả nước, nếu không đã không có câu chuyện Quốc hội phải bàn hôm nay”, ĐB Phạm Trọng Nhân nói.

Việc có một cơ chế đặc thù cho TP.HCM là một đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay, tạo nguồn năng lượng mới cho thành phố phát triển.

Theo ĐB Nhân, Quốc hội cần mạnh dạn bấm nút thông qua, không nên quá lo lắng vì Nghị quyết thí điểm có thời hạn 5 năm, sau 5 năm Quốc hội sẽ có quyền điều chỉnh. Hơn nữa, với đề án này, TP.HCM chỉ xin cơ chế chứ không xin tiền, thể hiện vai trò của một thành phố đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Hòn ngọc Viễn Đông vẫn ngập mình trong khói bụi, kẹt xe, nếu không mạnh dạn thì sẽ mãi không có sự đột phá cho thành phố. Năm 1890, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, để hơn 100 năm sau chúng ta ngồi tại thủ đô Hà Nội để bàn về cơ chế cho thành phố. Tuy 63 tỉnh thành của cả nước có địa giới hành chính rạch ròi, nhưng tấm lòng và tình cảm dành cho thành phố, tôi tin là không có sự ngăn cách rạch ròi nào”, Đại biểu Nhân phát biểu.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đã giảm sút liên tục. Cụ thể, từ năm 2011-2015, kinh tế thành phố đã không thể tăng trưởng trên 10%, nếu không có chính sách đặc thù sẽ chỉ còn hơn 6% vào năm 2020. Với vai trò đầu tàu của thành phố, việc ban hành cơ chế đặc thù là cần thiết không chỉ đối với TP.HCM mà còn đối với cà nước.

Theo ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn nổi trội về mọi mặt, có mức tăng trưởng vượt bậc, là địa phương được giao nhiều đề án thí điểm nhất từ trước đến nay, trong đó có nhiều thí điểm mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên những năm gần đây sự vượt trội ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí còn tụt hậu so với cả nước.

“Do vậy, cần thiết phải ban hành Nghị quyết, phân cấp phân quyền mạnh hơn cho HĐND thành phố. Nghị quyết hoàn toàn không nằm ngoài luật và không làm ảnh hưởng đến DN và người dân, ngược lại còn là động lực phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN. Tinh thần Nghị quyết không chỉ dành cho TP.HCM mà còn vì sự phát triển chung của cả nước, để TP.HCM xứng đáng là đầu tàu để kéo các toa tàu”, ĐB Dương Minh Tuấn nói.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến tỏ ra băn khoăn về đề án thí điểm này. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng việc Quốc hội cứ ban hành các Nghị quyết trái với pháp luật thì việc ban hành luật sẽ như thế nào? Theo Đại biểu Hương, Quốc hội cần thảo luận kỹ trước khi bấm nút thông qua, cụ thể là cần tránh tạo cơ chế không minh bạch, cơ chế xin cho, tránh để người dân phải chịu chi phí quá đắt đỏ tại TP.HCM, và cũng tránh để mất nguồn thu cho NSNN.

Tuy nhiên, việc ban hành Nghị quyết mới chỉ là bước khởi đầu, việc thực hiện Nghị quyết như thế nào mới là quan trọng, do đó rất cần sự đánh giá về hiệu quả của đề án trong thời gian thực hiện.

Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), cần quy định trần mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học mà HĐND thành phố có thể xét duyệt, nếu không sẽ dẫn đến chảy máu chất xám ở 62 tỉnh thành còn lại. Nên có sự phân biệt việc thu hút nhân tài giữa nhân tài trong nước và nhân tài ngoài nước.

Theo Nguyễn Tuân

Cùng chuyên mục
XEM