Nghịch lý vận tải: Đường càng rộng thì càng kẹt xe. Muốn hết kẹt? Phải thu phí!
Có lẽ trong lúc kẹt xe ai cũng đều nghĩ: “Tại sao lại không mở đường rộng hơn để giảm kẹt?”. Điều này nghe hoàn toàn có lý, đường rộng hơn sẽ có nhiều chỗ cho phương tiện di chuyển, và lúc đó sẽ không còn kẹt xe nữa. Nhưng tiếc rằng mọi chuyện lại không đơn giản như thế.
Nghịch lý quy hoạch đô thị: Xây thêm đường sẽ không giảm kẹt xe
Qua nhiều thập kỷ dữ liệu vận tải ở Hoa Kỳ, các nhà quy hoạch đã nhận ra rằng việc mở rộng và xây dựng đường sẽ không cải thiện tình trạng kẹt xe. Đơn cử như kế hoạch mở rộng đường cao tốc Los Angeles I-405 vào năm 2014, dự án này tốn hơn 1 tỷ USD và 5 năm để hoàn thiện. “Nhưng dữ liệu sau đó cho thấy tốc độ trung bình hiện tại trên I-405 còn thấp hơn lúc trước”, theo Matthew Turner, nhà kinh tế học của Đại Học Brown, Mỹ.
Ông Turner khẳng định rằng nguyên nhân của hiện tượng khó hiểu trên thực ra rất đơn giản - nâng đường và mở đường sẽ thúc đẩy nhu cầu di chuyển của người dân, họ sẽ bắt đầu đi lại nhiều hơn và xa hơn lúc trước, và điều đó sẽ làm kẹt xe ngày một nghiêm trọng hơn. Ông Turner và ông Gilles Duranton, người đồng nghiệp tại Đại Học Pennsylvania gọi đây là Nghịch lý của vận tải: Gia tăng sức chứa của đường sẽ đồng thời thúc đẩy mật độ giao thông.
Nghịch lý trên gần như áp dụng tại mọi quốc gia bởi vì tài xế không phải trả phí để sử dụng đường. Nếu bạn cung cấp tài nguyên có giá trị một cách miễn phí, điều này sẽ khiến nhu cầu sử dụng chúng ngay lập tức trở nên cao hơn.
Thêm vào đó, hai nhà kinh tế học Matthew Turner và Gilles Duranton còn đưa ra giả thuyết: “Sức chứa của đường càng cao thì khoảng cách di chuyển trên đường đó sẽ tăng theo tỷ lệ thuận”. Nếu chính phủ tăng 10% sức chứa của một con đường, ngay sau đó số khoảng cách di chuyển trên cũng sẽ tăng lên 10%. Nghe có vẻ phi lý nhưng dữ liệu thống kê giữa năm 1983 và 2003 trên hệ thống quốc lộ tại Mỹ hoàn toàn trùng khớp với giả thuyết trên.
Đồng thời, giả thuyết “Nhiều đường sẽ không giảm kẹt xe” còn được ủng hộ bởi các dữ liệu từ Nhật, Tây Ban Nha và Anh. Hàng loạt dữ liệu cho thấy một khi chính phủ gia tăng sức chứa của đường, khoảng cách di chuyển cũng đồng thời tăng lên.
Tại Trung Quốc, chính phủ đã mạnh tay đầu tư nâng cấp hệ thống đường cao tốc từ 16.300 km vào năm 2000 lên tới 70.000 km vào năm 2010, nhưng thời gian di chuyển trung bình tại Bắc Kinh vào năm 2013 cũng tăng từ 1 giờ 30 phút lên 1 giờ 55 phút so với năm 2012.
Để cho độc giả dễ hiểu, mọi người hãy cân nhắc một ví dụ sau: Có một cửa hàng bán món đồ này rẻ hơn 10 USD so với cửa hàng gần nhà bạn, nhưng cửa hàng đó lại cách xa 10 cây số. Nếu bạn biết rằng đường từ nhà bạn đến chỗ mua rẻ kia luôn bị kẹt xe và bạn sẽ tốn hơn 1 giờ mới đến nơi, bạn sẽ chấp nhận mua tại cửa hàng gần nhà. Tuy nhiên, nếu đường đi mua rất thông thoáng và có thể chạy nhanh chóng, rất có thể bạn sẽ quyết định đi mua cho bằng được.
Turner và Duranton còn nhận ra rằng việc sử dụng dịch vụ giao thông công cộng sẽ khó lòng cải thiện hoàn toàn được nạn kẹt xe. Cho dù một bộ phận người dân từ bỏ sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển bằng xe bus hoặc tàu hỏa, số diện tích đường tiết kiệm được sẽ nhanh chóng bị “bù đắp” bằng nhu cầu di chuyển mới của các thành phần còn lại.
Vậy, làm thế nào để giải quyết dứt điểm nạn kẹt xe?
Chỉ có một phương án đã được áp dụng và giảm kẹt xe thành công, đó chính là thu phí đường bộ.
"Thu phí đường bộ đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ thu một mức phí nhất định trên các phương tiện di chuyển vào giờ cao điểm”, Turner cho hay. Vào giờ cao điểm, việc sử dụng tất cả các phương tiện vận chuyển từ cá nhân đến công cộng đều có mức giá cao hơn so với các thời gian khác trong ngày. Hiện một số thành phố lớn như London, Stockholm, Singapore và Milan đã áp dụng mô hình này và thu lại được nhiều kết quả tích cực.
Như tại trung tâm London, nhiều khu vực được đánh dấu “Khu vực trung tâm” – “Thu phí đường bộ” với hệ thống camera an ninh theo dõi sẽ có mức phí 11,5 bảng Anh một ngày trên mỗi phương tiện di chuyển trong khu vực từ 07:00 đến 18:00, Thứ Hai đến Thứ Sáu.
Người dân khi nhận thức được chi phí đường bộ sẽ tự cắt giảm nhu cầu di chuyển của chính mình, hoặc chuyển sang di chuyển vào thời gian ít cao điểm hơn, làm giảm hẳn tỷ lệ kẹt xe.
Tuy nhiên, mô hình trên cũng nhận được không ít chỉ trích vì tính quyết liệt của nó. Dư luận và một bộ phận người dân không đồng tình vì chính sách thu phí này cực kỳ bất lợi cho người nghèo, những người không có khả năng chi trả phí đường bộ.
Nhưng phí đường bộ hiện cũng đang được rất nhiều nước áp dụng và đưa vào trong giá xăng dầu, chỉ có điều mọi người thường không quan tâm nhiều đến nó. Nhà kinh tế Turner cho hay, "Phí sử dụng đường bộ sẽ gây rất nhiều phiền toái và có thể gặp phản đối khi mới đưa vào áp dụng, nhưng nó sẽ là phương án duy nhất thay đổi được hành vi của người dân và dẫn đến chấm dứt nạn kẹt xe."