Giá vé máy bay sẽ tăng ra sao?

21/08/2017 09:29 AM | Kinh doanh

Sau khi lộ trình tăng giá dịch vụ tại sân bay được công bố (từ 1/10), một số đại lý đã đòi tăng giá vé máy bay, có đại lý tăng giá thêm khoảng 500 nghìn đồng/vé. Trong khi đó, cơ quan chức năng hàng không cho hay, giá vé có tăng nhưng chỉ vài chục nghìn đồng/vé, đồng thời cảnh báo khách cần tránh bị các đại lý lợi dụng tăng giá.

Tăng tối đa 30 nghìn đồng/khách

Bộ GTVT vừa quyết định tăng giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không (các mức giá này đã được duy trì 5 năm) để bù đắp chi phí đầu tư hệ thống sân bay, nâng cao chất lượng dịch vụ… Theo đó, trong khung giờ bình thường, mức giá cất, hạ cánh áp dụng trong giai đoạn từ 1/10/2017 - 30/6/2018 được điều chỉnh tăng 5% so với quy định hiện hành. Từ ngày 1/7/2018, sẽ tăng thêm 10%. Mức giá thu trong khung giờ cao điểm, sẽ bằng 115% giờ bình thường trong khi đó, tại khung giờ thấp điểm, con số này chỉ còn 85%.

Cũng từ 1/10 tới, giá dịch vụ hàng không với từng hành khách cũng biến động. Theo đó, giá dịch vụ hành khách bay chuyến quốc tế cơ bản giữ nguyên. Với các chuyến bay quốc nội, giá phục vụ hành khách sẽ được điều chỉnh tăng theo 4 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1 (từ 1/10/2017 đến hết 31/12/2017), mức thu áp dụng cho sân bay nhóm A là 75.000 đồng/khách, nhóm B là 70.000 đồng/khách (tăng khoảng 7% so với hiện hành); nhóm C giữ nguyên như hiện nay là 60.000 đồng/khách. Giai đoạn cuối (sau 30/6/2018), mức giá cao nhất áp tại cảng hàng không nhóm A là 100.000 đồng/khách, nhóm B là 80.000 đồng/khách và nhóm C là 60.000 đồng/khách.

Ngoài ra, từ 1/10 tới, giá dịch vụ soi chiếu an ninh hàng không được áp mức 2 USD/khách quốc tế (mức hiện nay 1,5 USD); với khách bay quốc nội, từ 1/10/2017 đến hết 31/12/2017, mức giá mới sẽ là 11.818 đồng/khách so với mức giá hiện hành là 9.090 đồng.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, lâu nay các hãng hàng không hưởng lợi lớn từ việc sử dụng hạ tầng, dịch vụ giá rẻ được đầu tư bằng ngân sách. Và việc thay đổi giá nhằm phân phối lợi nhuận giữa các bên.

Theo đó, với mức giá hàng không mới, Vietnam Airlines sẽ phải tăng chi phí 87,75 tỷ đồng, Vietjet Air 55,41 tỷ đồng và Jetstar Pacific Airlines là 18,38 tỷ đồng. Nếu toàn bộ chi phí tăng thêm này (161,53 tỷ đồng), các hãng “phân bổ” vào giá vé, chi phí cho một vé sẽ chỉ tăng 4.531 đồng. Giá phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách quốc nội bình quân của 1 hành khách tăng 25.854 đồng. Như vậy, tổng chi phí hành khách phải trả thêm cho 1 vé tàu bay là 30.385 đồng.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, sau khi điều chỉnh các dịch vụ, các hãng hàng không phải tính toán lại, cơ cấu lại dải giá vé máy bay cho phù hợp nhưng vẫn không được vượt trần giá vé hiện hành để hạn chế ảnh hưởng đến khách.

Cần tỉnh táo trước chiêu làm giá của đại lý

Dù chưa chính thức áp dụng nhưng từ vài tháng nay, nhiều đại lý thông báo với khách tại quầy, thậm chí công khai trên internet việc tăng giá vé và đề nghị khách mua vé sớm để tránh tăng giá. Mức tăng giá các đại lý công bố dao động ở mức 100 nghìn đồng/vé bay phổ thông, giá rẻ; vé hạng thương gia có đại lý “dọa” tăng đến 500 nghìn đồng.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 20/8, các hãng hàng không cho hay chưa ban hành kế hoạch tăng giá vé. Đại diện Vietjet cho hay, vé được cấu thành của tất cả các loại thuế, phí sân bay. Do đó, khi thuế, phí tăng, giá vé sẽ đương nhiên tăng. “Các hãng khi tăng giá vé chẳng qua là chỉ thu hộ cho nhà chức năng. Hãng khuyến khích hành khách nên mua vé trực tiếp qua mạng tránh mua ở những đại lý vé không chính thức của hãng để không bị mua vé với giá cao so với quy định của hãng”, đại diện Vietjet cho hay.

Đại diện Jetstar Pacific cũng cho rằng “tăng cái này thì dẫn đến tăng cái khác” đúng theo nguyên tắc thị trường. “Với cách bán vé như hiện nay của hãng, việc phí hàng không tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mức giá vé bán ra của hãng. Cụ thể, Jetstar Pacific đang bán 12 -13 mức giá, từ thấp đến cao cho mỗi chuyến bay. Trong đó sẽ có những giá vé bán dưới giá thành và có những giá vé bán trên giá thành. Việc tăng phí này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến giá vé nhưng không nhiều, hãng có thể chỉ điều chỉnh giá vé bình quân lên một chút. Trong đó dải vé rẻ có thể sẽ bị điều chỉnh số lượng bán ít đi”- vị này nói.

Với việc "thổi" giá của các đại lý, các hãng hàng không cho hay sẽ tăng cường kiểm tra. Tuy nhiên, kiểm soát việc thoả thuận giữa đại lý, nhất là đại lý nhỏ lẻ rất khó khăn. Đại diện một hãng hàng không bật mí: "Trong giá vé, phí hàng không được tách bạch và thể hiện trên hệ thống bán vé của các hãng và mức này chỉ tăng tối đa như Bộ GTVT phê duyệt. Nếu đại lý "thổi" giá, khách hàng kiểm tra sẽ biết ngay". Ngoài ra, khách hàng cần kiểm tra kỹ lưỡng loại vé mình đặt bởi tình trạng đại lý đặt vé hạn chế điều kiện bay (không thể đổi giờ bay, hành lý ký gửi hạn chế… ) nhưng lại bán cho khách với giá vé có nhiều điều kiện mở và giá cao đang rất phổ biến.

Theo Sỹ Lực

Cùng chuyên mục
XEM