Giá đất nông nghiệp TP.HCM dự kiến cao nhất 10 triệu đồng/m2, gấp hơn 30 lần bảng giá trước đây
Theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, đất nông nghiệp dự kiến thấp nhất 380.000 đồng/m2, cao nhất gần 10 triệu đồng/m2.
Mới đây, Sở Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM có báo cáo tổng hợp thông tin lý giải những thắc mắc của dư luận xoay quanh bảng giá điều chỉnh đang lấy ý kiến.
Theo đó, Quyết định số 02/2020 của UBND TP.HCM có 4.008 tuyến đường, bảng giá đất sau điều chỉnh thành 4.565 tuyến đường, tăng thêm 557 tuyến.
Về giá đất, theo số liệu tổng hợp thì giá đất dự kiến tại dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh có tăng so với bảng giá đất tại Quyết định số 02/2020 ngày 16/01/2020 của UBND TP khoảng 7 lần. Tuy nhiên, bảng giá cũ khi sử dụng phải nhân với hệ số K là 3,5, do đó, thực tế dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần so với trước.
Đối với đất nông nghiệp, theo Quyết định 02, mỗi m2 đất tại các quận huyện có giá 86.400-300.000 đồng tuỳ từng vị trí và loại đất (đất trồng lúa, trồng cây lâu năm, đất làm muối, đất nuôi trồng thuỷ sản...)
Còn theo bảng giá điều chỉnh, giá đất nông nghiệp dự kiến thấp nhất 380.000 đồng/m2, cao nhất gần 10 triệu đồng/m2.
Cụ thể, tại TP Thủ Đức, giá đất tại Bảng giá đất điều chỉnh tăng từ 4,5-6,7 triệu đồng/m2, tức tăng 20,3-30,6 lần mức cũ.
Tại 8 quận còn lại (quận 12, 7, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú), giá đất tại bảng giá điều chỉnh từ 5,5-9,9 triệu đồng/m2, tăng 33-35 lần so với trước đây.
Tại huyện Cần Giờ, giá đất điều chỉnh dự kiến tăng lên mức 380.000 đồng đến 2 triệu đồng, gấp 3,6-11,9 lần so với trước đó.
Tại huyện Nhà Bè, giá đất nông nghiệp sau điều chỉnh lên mức 1,5-3,6 triệu đồng/m2, gấp 11,3-15,7 lần so với trước.
Ở huyện Củ Chi, mỗi m2 đất nông nghiệp dự kiến có giá thấp nhất 850.000 đồng, cao nhất 2,88 triệu đồng. Mức giá mới tăng 6,4-12,5 lần so với mức cũ.
Tại huyện Hóc Môn, đất nông nghiệp dự kiến được điều chỉnh lên mức 1,5-3,6 triệu đồng/m2, tăng 11,3-15,7 lần trước đây.
Còn tại huyện Bình Chánh, mỗi m2 đất nông nghiệp dự kiến dao động 1,4-3,6 triệu đồng, tăng 10,5-15,7 lần so với trước.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khi sở hữu đất nông nghiệp và muốn chuyển mục đích sang đất ở, người dân phải nộp tiền sử dụng đất là khoảng chênh lệch giữa giá đất của mục đích sử dụng đất sau (đất ở) trừ đi giá đất của mục đích sử dụng đất trước (đất nông nghiệp). Với Bảng giá đất điều chỉnh, giá đất nông nghiệp có tỷ lệ tăng bình quân cao hơn (11-14 lần) so với tỷ lệ tăng giá của đất ở (4-5 lần), do đó, số tiền người dân phải nộp sẽ giảm dần.
Bên cạnh đó, Sở phủ định ý kiến cho rằng bảng giá đất mới tác động đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản theo hướng giá đất cao khiến chi phí đầu vào bất động sản cao, thúc đẩy giá bán các sản phẩm bất động sản tăng.
Sở lập luận việc điều chỉnh bảng giá đất không gây ảnh hưởng do tiền sử dụng đất các dự án được xác định bằng phương pháp thặng dư. Do đó, kết quả xác định giá trị quyền sử dụng đất dù cao hay thấp hơn giá đất tại bảng giá đất cũng không phải điều chỉnh theo giá tại bảng giá đất.
Ngoài ra, theo Sở này, giá đất nông nghiệp tại bảng giá đất sau điều chỉnh tăng so với trước đây làm cho khoảng cách chênh lệch địa tô hài hòa hơn so với thực tế. Việc này dẫn đến các khoản được trừ minh bạch, công khai, công bằng và hợp lý hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS khi thực hiện nghĩa vụ tài chính.