Tập phim "Sex and the City" này thực sự đã khiến tôi tỉnh ngộ: Đây chính là lý do con gái tôi lúc nào cũng cáu bẳn với bố mẹ!
Mong rằng mọi bậc cha mẹ đều nhận ra bài học giống tôi!
Tôi năm nay hơn 50 tuổi, có con gái 26 tuổi. Con tôi sau khi tốt nghiệp đại học xin được công việc tốt tại một doanh nghiệp nước ngoài. Lương của cháu hiện hơn 30 triệu đồng/tháng. Nhiều người thường khen tôi tốt số, có con vừa xinh vừa giỏi nhưng không ai biết rằng, gia đình tôi nhiều lúc rất ngột ngạt. Vợ chồng tôi và con gái hay mâu thuẫn, cáu bẳn với nhau. Cứ nói chuyện được dăm câu là lại cãi vã.
Nhà ở Hà Nội nhưng mấy tháng trước, con tôi đã thuê nhà ra ở riêng chứ không muốn ở chung với bố mẹ.
Tôi thường cảm thấy con gái mình láo, "đủ lông đủ cánh là bay đi", nhưng khi tình cờ ngồi xem một tập phim "Sex and the City" với người cháu họ, tôi chợt tỉnh ngộ và nhận ra bản chất vấn đề. Tôi vẫn nhờ đó là một tập phim có tên "Quyền của phụ nữ về giày". Nhân vật Carrie đến tham dự một bữa tiệc tại nhà một cặp đôi đã kết hôn và có con là Kyra và Chuck.
Cặp đôi này bắt khách phải bỏ giày dép bên ngoài vì sợ bụi bẩn ảnh hưởng đến con mình. Carrie đã bỏ đôi guốc đắt tiền gần 500 USD bên ngoài và bị một người khách lấy mất. Chủ bữa tiệc là Kyra không hề cảm thấy áy náy với Carrie, chỉ nói bâng quơ sẽ là tìm giúp sau.
Khi Carrie quay lại và hỏi về đôi guốc, Kyra tỏ ý sẽ đền nhưng khi nghe đến mức ra thì "giở mặt", chỉ trích việc Carrie chi quá nhiều tiền cho giày dép là "vô trách nhiệm" và "nông cạn". Kyra vốn tự hào vì đã "ổn định" với gia đình và con cái, ngầm áp đặt suy nghĩ rằng những ai không chọn con đường giống mình – đặc biệt là những người chưa có gia đình hoặc con cái như Carrie – đều sống một cuộc đời ít ý nghĩa hơn.
Sự việc khiến Carrie cảm thấy bị coi thường và giá trị cá nhân của mình bị đánh giá thấp chỉ vì lối sống khác biệt.
Khi xem đến đó, tôi đã thấy rất bức xúc cho Carrie. Tôi còn quay ra bảo với cháu mình: "Cái cô Kyra kia xấu tính quá" nhưng rồi tôi giật mình nhận ra: Tôi chính là một người xấu tính với Kyra, và Carrie trong đời thật chính là con gái tôi!
Nhìn nhận lại, không ít lần tôi mắng mỏ thậm tệ con vì không chịu sớm lấy chồng mà suốt ngày đi chơi, đi du lịch với bạn bè. Tôi luôn cho rằng, phụ nữ là phải ổn định sớm. Có công việc đàng hoàng rồi, bố mẹ còn đang khỏe mạnh thì phải tranh thủ lấy chồng đẻ con, bố mẹ còn phụ giúp được cho.
Cứ mỗi lần thấy con định đi đâu chơi là tôi lại chì chiết. Khi con giải thích "muốn trải nghiệm thế giới nhiều hơn, muốn tích lũy kiến thức sống", tôi lại bực mình và cho là "con gái con lứa viển vông". Có lẽ con gái tôi đã rất áp lực khi bị mẹ bắt ép, mắng mỏ vì không chịu sống theo hướng mẹ mong muốn. Chính vì vậy mà con trở nên cáu bẳn, không muốn nói chuyện với mẹ rồi chuyển ra ngoài.
Giống như nhân vật Kyra kia, tôi đã coi hạnh phúc của mình là chuẩn mực duy nhất và bác bỏ mọi con đường khác, mọi mong muốn khác của con.
Sau khi xem tập phim, tôi đã thực sự nhận ra bài học. Nếu cha mẹ muốn con cái hạnh phúc, mối quan hệ gia đình đầm ấm thì hãy nhớ lấy lời tôi:
Thứ nhất, hãy tôn trọng lựa chọn của con cái. Không phải đứa trẻ nào cũng sẽ chọn một con đường giống cha mẹ, và điều đó không có nghĩa là chúng sai. Hãy để trẻ được sống với ước mơ và mục tiêu của riêng mình.
Thứ hai, ngừng áp đặt hạnh phúc theo khuôn mẫu. Mỗi người có định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Có người thấy vui khi có gia đình, có người tìm thấy ý nghĩa trong sự nghiệp hoặc tự do cá nhân. Chúng ta không nên áp đặt một con đường duy nhất.
Thứ ba, hãy hỗ trợ thay vì kiểm soát. Vai trò của cha mẹ là hướng dẫn và hỗ trợ, không phải ép buộc. Hãy là người đồng hành để con cái tự tìm ra con đường của mình.
Thứ tư, trân trọng giá trị cá nhân. Đừng đánh giá người khác – kể cả con mình – dựa trên tiêu chuẩn của bố mẹ. Giá trị cá nhân đến từ việc sống đúng với bản thân, không phải từ việc làm hài lòng người khác.
Mong rằng mọi cha mẹ hãy nhìn nhận và rút ra được bài học như tôi.