Ga ngầm Metro đầu tiên được hoàn thành ở Sài Gòn: Ngỡ như “thiên đường” dưới lòng đất, thiết kế theo kiến trúc của Nhà hát Thành phố
Toàn bộ các hoạ tiết, màu sắc tường, ánh sáng,… của nhà ga ngầm đầu tiên vừa hoàn thành của tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên được thiết kế theo lối kiến trúc của Nhà hát Thành phố. Đây là điểm nhấn đặc biệt của các nhà ga ngầm, mỗi nhà ga sẽ mang một kiến trúc riêng của theo từng địa danh.
Mới đây, tầng B1 ga Nhà hát Thành phố (quận 1) thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên (Metro số 1) cơ bản đã hoàn thiện. Đây là hạng mục đầu tiên của dự án nhà ga ngầm thuộc tuyến Metro được hoàn thành và hoàn thành trước tiến độ gần 100 ngày so với kế hoạch ban đầu của nhà thầu.
Và đặc biệt hơn khi một phần của nhà ga ngầm Metro được hoàn thiện trước dịp lễ 30/4/2020, mang dấu ấn to lớn trong việc phát triển đô thị của TP. HCM. Để có được những thành quả hơn mong đợi ấy, toàn bộ công nhân, kỹ sư, thiết kế,… của Việt Nam và Nhật Bản đã nỗ lực thi công xuyên mùa dịch Covid-19, để có thể đón người dân vào tham quan trong dịp lễ 30/4 tới đây.
Phía trên mặt đất của ga ngầm Nhà hát TP được cải tạo thành vườn hoa.
Có cơ hội bước vào bên trong nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố, điều đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là sự choáng ngợp.
Một kỹ sư trong Ban quản lý đường sắt đô thị cũng giới thiệu về công trình đặc biệt này đó là toàn bộ kiến trúc bên trong nhà ga ngầm này đều theo kiểu kiến trúc của Nhà hát Thành phố đang hiện hữu. Những gam màu trên tường, ánh sáng, hoạ tiết trang trí,… đều mang hơi hướng của nhà hát.
Có 5 vị trí có thể tiếp cận đi xuống nhà ga ngầm Nhà hát TP.
Anh kỹ sư này cũng chia sẻ thêm, tất cả 3 nhà ga ngầm của tuyến Metro số 1 cũng sẽ được thiết kế theo kiến trúc của từng địa danh, như ga Nhà hát TP thì kiến trúc theo Nhà hát TP, ga Bến Thành thì kiến trúc theo chợ Bến Thành, ga Ba Son cũng vậy.
Tất cả 3 nhà ga ngầm đều theo kiến trúc của từng địa danh để khi người dân đi tàu sẽ cảm nhận được mình đang ở nhà ga nào.
Ga ngầm Nhà hát TP hiện có 5 vị trí có thể tiếp cận đi xuống, gồm đoạn trước cửa Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, khu vực đường Lê Lợi, khu vực Sài Gòn Square và khách sạn Rex - tất cả đều là những vị trí xung quanh Nhà hát TP.
Không gian của nhà ga Nhà hát TP được thiết kế khá rộng từ khu vực bán vé, đi dạo tham quan, đi tàu,… với chiều dài 190m, rộng 26m.
Cầu thang đi xuống tầng 1 nhà ga ngầm.
Toàn bộ ga ngầm gồm 4 tầng, riêng tầng B1 đã hoàn thiện cơ bản, 3 tầng còn lại đang xây dựng. Tầng 1 là nơi đặt các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách.
Từ tầng B1 này hành khách sẽ di chuyển thông tới tầng B2 và B4, cả 2 tầng này là sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách. Còn tầng B3 được thiết kế để trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, phòng cơ điện (hệ thống bơm nước thải), các ống thông gió của nhà ga.
Khách xuống tầng 1 sẽ vào khu mua vé.
Việc đi lại giữa các tầng khi đi tàu được thiết kế thuận tiện cho hành khách, đặc biệt có vạch kẻ nổi bật dành người khiếm thị. Ngoài ra còn có thang máy, thang cuốn và thang bộ kết nối giữa các tầng. Đặc biệt lối đi cho khách tham quan nhà ga khá rộng rãi (khoảng 6 mét), người dân có thể thoải mái đi dạo dưới không gian như một sân khấu hiện đại giữa lòng đất trung tâm Sài Gòn.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM chia sẻ, sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai tăng tốc thi công các hạng mục tiếp theo của dự án như: lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu ... trên toàn tuyến và lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, đảm bảo hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm 2020, hướng tới mục tiêu phấn đấu đưa dự án vào vận hành và tiến tới vận hành khai thác cuối năm 2021.
Sau khi mua vé, khách sẽ đi qua cổng kiểm soát vé lần nữa.
Quầy thông tin dành cho khách hàng.
Thông tin và hình ảnh về tuyến Metro.
Hành lang được ngăn cách bằng kính cường lực.
Hệ thống PCCC và điện đã được lắp đặt.
Những ô cửa được lắp bảng điện tử.
Vạch kẻ vàng dẫn lối vào thang máy đi các tầng dành cho người khiếm thị.
Không gian, gam màu,... được thiết kế giống như kiến trúc của Nhà hát Thành phố.
Không gian rộng rãi cho khách đi lại.
Mọi chi tiết của tầng ngầm B1 đã hoàn thành.
Thiết bị được nhập từ Nhật Bản.
Cầu thang cuốn đi từ tầng 1 xuống tầng 2.
Kỹ sư Nhật Bản nhìn lại tay vịn cầu thang bộ sau khi đã hoàn thành.
Tầng 2 của nhà ga ngầm đang được xây dựng.
Đường hầm tàu chạy.