Fair-use: Điều luật giúp Google giữ được 9 tỷ USD, thắng kiện Oracle dù không nắm bản quyền nào trong tay
“Fair-use” là điều luật tại Mỹ cho phép bạn có thể sử dụng một cách giới hạn nguồn tài nguyên của một tác phẩm khác mà không cần sự cho phép của tác giả và không bị cho là hành động vi phạm bản quyền.
Ngày hôm qua, thẩm phán ở tòa án Northern District (California, Mỹ) đã ra phán quyết rằng việc Google sử dụng các dòng code có bản quyền của Oracle trong hệ điều hành Android là "sử dụng hợp lý" (fair-use), giúp Google thoát khỏi mọi vấn đề về pháp lý.
Trước đó, Oracle đã đâm đơn kiện Google với cáo buộc vi phạm bản quyền trong thời gian dài và đòi 9 tỉ USD tiền bồi thường.
Vậy “fair-use” là gì và vì sao nó giúp Google thắng kiện?
“Fair-use” là điều luật được sử dụng tại Mỹ cho phép bạn sử dụng một cách giới hạn nguồn tài nguyên của một tác phẩm khác mà không cần sự cho phép của tác giả và không bị cho là hành động vi phạm bản quyền.
Trường hợp giữa Google và Oracle kể trên được xem là ví dụ điển hình. Theo phán quyết của tòa án, Google thắng kiện bởi họ sử dụng các dòng code của Oracle hợp pháp dưới quy định về “fair-use”.
Trên thực tế, “fair-use” dựa trên ý tưởng cho rằng công chúng nên được trao quyền tự do sử dụng một phần nguồn tài nguyên đã được đăng ký bản quyền với mục đích làm tư liệu hoặc bình luận.
Những hình thức sử dụng như thế nào được cho là “fair-use” hợp pháp:
Chỉ trích hoặc bình luận: Lấy ví dụ hoặc trích dẫn một tác phẩm với mục đích minh họa hoặc bình luận.
Phóng sự: Lấy ví dụ như tóm tắt ý chính từ một bài diễn văn hay một bài báo sử dụng cho các phóng sự.
Nghiên cứu: Ví dụ, trích dẫn một đoạn ngắn từ một tác phẩm chuyên môn để minh họa hay làm rõ lại quan điểm của tác giả.
Sử dụng cho mục đích giáo dục phi lợi nhuận: Ví dụ, sao chép một phần giới hạn tác phẩm được viết bởi giáo viên để sử dụng việc giảng dạy.
Hình thức nhại lại: Ví dụ như việc hát lại 1 bài hát.
Nhìn chung ngoài những trường hợp kể trên, việc sao chép đều không phải hình thức “fair-use” đúng luật và được coi là hành động vi phạm bản quyền.
Sử dụng với mục đích phi thương mại là “fair-use”
Những vi phạm về bản quyền thường xảy ra khi nó liên quan đến mục đích thương mại. Dĩ nhiên bất cứ ai khi công bố tác phẩm của mình với mục đích thương mại cá nhân đều phản đối kịch liệt “fair-use”.
Ví dụ, việc sử dụng câu thơ “You don't need a weatherman to know which way the wind blows” của ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan trong một bài thơ trên tạp chí văn chương là hợp pháp theo “fair-use” nhưng nếu sử dụng trong một quảng cáo về áo mưa thì lại không hợp pháp.
Lợi ích cho cộng đồng
“Fair-use” mang lại lợi ích cho cộng đồng khi sử dụng những thông tin về báo cáo của người tiêu dùng đem lại cho người dùng cái nhìn chân thực nhất và loại bỏ những thông tin thiếu trung thực.
Điều này cũng đúng với những trích dẫn từ những nhận xét tốt được ghi trong các quyển sách, những bộ phim hay những vở kịch.
Quy tắc cần ghi nhớ khi sử dụng “fair-use”
Có 5 quy tắc cơ bản cần ghi nhớ trước khi quyết định xem liệu có nên sử dụng bản quyền tác phẩm của một ai đó theo quy định về fair-use hay không gồm:
Quy tắc 1: Bạn có tạo ra được một thứ gì đó mới mẻ không hay chỉ đơn giản sao chép nguyên văn?
Câu hỏi cần phải đặt ra ở đây là liệu bạn chỉ sao chép nguyên văn tác phẩm của một người nào đó hay sử dụng nó để giúp tạo ra một thứ hoàn toàn mới mẻ.
Quy tắc 2: Bạn có đang cạnh tranh với tác phẩm mà bạn sao chép hay không?
Nếu không có sự chấp thuận từ tác giả, về cơ bản bạn không thể sử dụng nguồn tài nguyên trong tác phẩm của người khác nếu nó gây ảnh hưởng (hoặc có thể ảnh hưởng) tới thị trường, doanh số bán hàng hay yếu tố kinh doanh nào khác của tác phẩm đó.
Lấy ví dụ, Nick – một vận động viên golf đã viết một cuốn sách dạy về cách chơi golf. Anh này đã sao chép hàng loạt những đoạn văn trong cuốn sách nổi tiếng với nội dung tương tự của Lee Trevino – một trong những tay chơi golf vĩ đại nhất trong lịch sử.
Trong trường hợp này, cuốn sách của Nick là sản phẩm có khả năng cạnh tranh trực tiếp và thậm chí làm suy giảm doanh số tác phẩm của Trevino nên việc sử dụng như vậy không được cho là “fair-use”.
Quy tắc số 3: Nhắc đến tên tác giả không được coi là “fair-use”
Một số người nhầm tưởng rằng họ có thể sử dụng bất kể nguồn tài nguyên nào từ một tác phẩm nếu họ có đề cập tới tên tác giả của tác phẩm đó. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Chỉ có một quyền duy nhất là được hay không được sử dụng sản phẩm trí tuệ mà thôi, vinh danh tác giả không làm thay đổi quyền đó.
Quy tắc số 4: Sử dụng càng nhiều nguồn tài nguyên ở tác phẩm gốc, càng ít được coi là “fair-use”
Càng sử dụng nhiều nguồn tài nguyên từ tác phẩm gốc, thì càng ít được coi là phương thức sử dụng theo quy tắc “fair-use”. Theo quy định chung, không bao giờ được trích dẫn hơn 1 vài đoạn văn liên tiếp từ trong một cuốn sách hoặc bài báo; Cũng không được lấy hơn 1 biểu đồ trong một cuốn sách hoặc bài báo mà không có sự cho phép của tác giả hay trích lại hơn 1 hoặc 2 câu từ một bài thơ.
Dẫu vậy, quy định về số từ được trích dẫn theo đúng luật “fair-use” cũng không rõ ràng. Ví dụ, việc sao chép 200 từ từ một tác phẩm có 300 từ không được xem là hình thức “fair-use” đúng luật. Tuy nhiên, nếu sao chép 2.000 chữ trong một tác phẩm 500.000 chữ lại có thể được xem là sử dụng “fair-use” hợp pháp. Tất cả những điều này còn phụ thuộc vào từng từng huống khác nhau.
Quy tắc số 5: Vai trò của phần nguồn tài nguyên được sử dụng càng quan trọng bao nhiêu, càng ít được xem là hình thức sử dụng “fair-use” bấy nhiêu
Một ví dụ điển hình là tờ báo The Nation có đăng tải bản sao những chia sẻ của Gerald Ford trong cuốn hồi ký của ông trước khi nó được xuất bản. Vấn đề là bài báo này chỉ trích dẫn lại 300 từ được lấy từ trong bản gốc gồm 200.000 từ. Tuy nhiên, tòa án đã phán quyết rằng đây không phải là cách sử dụng theo hình thức “fair-use” hợp pháp.
Lý do được đưa ra là bởi phần nội dung được trích dẫn là “những phần quan trọng… những thứ thú vị nhất của toàn bộ cuốn hồi ký”. Và quan trọng hơn bài báo thậm chí được xuất bản trước khi cuốn hồi ký này được công bố và vì vậy nó làm giảm đáng kể doanh thu.