Tràn lan các kênh livestream nội dung vi phạm bản quyền, Facebook bất lực
Cho phép người dùng tự do chia sẻ video trực tiếp, nhưng Facebook lại chưa đủ khả năng kiểm soát các nội dung đó.
Vấn đề vi phạm bản quyền video trên Facebook đã được đề cập trong nhiều bài viết trước đây. Vấp phải không ít các làn sóng lên án từ những người làm nội dung, mạng xã hội này đã dần có được những động thái giải quyết trường hợp video có vướng mắc về bản quyền.
Bằng cách khóa tài khoản cá nhân, fanpage cũng như xóa hoàn toàn nội dung khỏi mạng xã hội, dù chưa thực sự triệt để nhưng cũng thể hiện được phần nào cố gắng của Facebook trong vấn đề này.
Tuy vậy, khi livestream trên Facebook trở thành xu hướng mới, có vẻ mọi chuyện đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Kể từ khi API livestream được công bố rộng rãi, thay vì chỉ có một cách là sử dụng smartphone để phát hình ảnh trực tiếp từ camera, người dùng lúc này có thể dễ dàng phát bất cứ nội dung gì thông qua PC chỉ với một số bước cực đơn giản.
Từ các hình ảnh của bản thân, phát quá trình chơi game hay một file video bất kỳ nào đó, Facebook không giới hạn nội dung người dùng chia sẻ, hoặc họ không thể giới hạn, cũng chẳng thể kiểm soát nổi vấn đề này.
Một số trang được lập ra để phát trực tiếp bóng đá ngay trên Facebook, bản quyền nội dung thuộc về đài truyền hình quốc tế.
Từ đây, tình trạng các nội dung có yếu tố bản quyền được tự do đưa lên các kênh livestream, nổi bật là phim và các chương trình thể thao thu hút được nhiều người theo dõi. Thông qua ứng dụng streaming bên thứ 3, những kênh live video dạng này sẽ lấy hình ảnh từ một trang mạng khác, sau đó phát lại lên trang hoặc Facebook cá nhân.
Các kênh livestream như vậy chắc chắn vi phạm điều khoản về bản quyền của Facebook và sớm muộn cũng sẽ bị xử lý. Nhưng khác với nội dung video thông thường, video phát trực tiếp trong thời gian ngắn rất khó để kiểm soát.
Từ phía Facebook cũng đã có nhiều đợt "càn quét" những trang hay Facebook cá nhân vi phạm điều khoản bản quyền trên các kênh livestream như vậy, nhưng chỉ có thể gọi đó là hành động "mất bò mới lo làm chuồng". Trực tiếp các video, sử dụng nội dung vi phạm bản quyền, sau khi kết thúc là mục đích đã được hoàn thành. Lúc này Facebook dù có khóa tài khoản cũng không còn quá nhiều ý nghĩa.
So sánh với Twitch.tv, chuyên trang livestream được nhiều người sử dụng nhất hiện nay. Hệ thống bảo vệ bản quyền các nội dung từ âm thanh tới hình ảnh trên trang web này hoạt động vô cùng hiệu quả, bao gồm tính năng report của người xem.
Theo đó, ngay khi một kênh phát nội dung có âm thanh là một bản nhạc vi phạm, ngay lập tức Twitch sẽ tắt hoàn toàn âm thanh từ kênh đó và đưa ra thông báo khi bạn tham gia xem.
Facebook cũng có một hệ thống tương tự, nhưng chỉ hoạt động sau khi quá trình livestream hoàn tất, hệ thống sẽ xử lý video để lưu lại. Nếu phát hiện nội dung vi phạm bản quyền, lúc này video mới bị xóa.
Sự lỏng lẻo trong khâu quản lý nội dung từ phía Facebook đã tiếp tay cho các hành động vi phạm bản quyền trên kênh livestream, dẫn tới không ít thiệt hại về kinh tế cho những người làm nội dung trên internet, các hãng phim hay kể cả là đài truyền hình lớn.