Elon Musk ‘rút tiền ngân sách’ từ Mỹ để thống trị ngành xe điện như thế nào?
Doanh thu của Tesla trong 10 năm tới có thể lên đến hơn 700 tỷ USD nhờ chiến lược cực kỳ toan tính của Elon Musk.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay Tesla đang chiến thắng trong cuộc đua xe điện ở Mỹ với mạng lưới trạm sạc được xây dựng nhanh hơn, rẻ hơn và có quy mô hoàn thiện hơn so với đối thủ.
Nhờ đó, ông chủ Elon Musk của hãng đã thu được hàng triệu USD tiền ngân sách trong quỹ hỗ trợ phát triển ngành xe điện.
Trong các dự án đấu thầu xây dựng trạm sạc, Tesla đã đưa ra mức giá chỉ bằng một nửa chi phí xây dựng của các đối thủ, qua đó thống trị gián tiếp ngành xe điện cũng như sử dụng tiền ngân sách để xây mạng lưới trạm sạc của riêng mình.
Theo WSJ, hãng Tesla nhiều khả năng sẽ thống trị mảng trạm sạc trên toàn nước Mỹ nhờ nguồn tiền ngân sách liên bang.
Dù chính quyền Washington không mong muốn thế độc quyền nằm trong tay Elon Musk và một nhóm các đối thủ làm ô tô cũng đã đầu tư đến 1 tỷ USD xây dựng mạng lưới trạm sạc, nhưng thế vẫn là chưa đủ.
Hiện Tesla đang là công ty có mạng lưới trạm sạc phủ sóng nhiều nhất ở Mỹ do đã đi trước suốt 10 năm trong việc phát triển xe điện.
Thị trường hàng tỷ USD
Không riêng gì liên bang Mỹ, vô số chính quyền các bang của nước này đã đổ bình quân 5 tỷ USD cho chương trình xây trạm sạc nhanh với quy mô lớn.
Đây là ngân sách nằm trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng được chính quyền Washington thông qua vào năm 2021 với thời hạn 5 năm. Đó là chưa kể tiền ngân sách riêng hàng tỷ USD của các tiểu bang.
Với ngành xe điện, việc xây dựng mạng ưới trạm sạc là vô cùng quan trọng khi công nghệ hiện nay chưa cho phép phương tiện này có thể di chuyển thuận tiện với quãng đường xa như ô tô xăng dầu.
Do đó, vô số các hãng xe đã đổ tiền vào đây, nhưng cho đến nay trên toàn nước Mỹ mới chỉ có 33.400 trạm sạc nhanh. Trong đó, khoảng 3/5 là thuộc mạng lưới trạm sạc của Tesla.
Với lợi thế đi trước 10 năm xây dựng những trạm sạc của mình, Tesla có thể sạc xe điện nhanh hơn và với giá thành xây dựng thấp hơn 70% so với các đối thủ.
Mặc dù hãng đã cho phép các sản phẩm đối thủ sử dụng mạng lưới trạm sạc của mình nhằm hưởng nguồn ngân sách liên bang nhưng với đà tận dụng như hiện nay, nhiều khả năng Elon Musk sẽ thống trị yếu tố chủ chốt này của toàn ngành xe điện.
Số liệu của EVAdoption cho thấy Tesla đã thắng thầu 18% số dự án được cấp vốn từ ngân sách liên bang, cao hơn bất kỳ hãng xe điện nào trên toàn quốc.
Như vậy Elon Musk đã kiếm được 8,5 triệu USD hợp đồng xây dựng từ gói 77 triệu USD ngân sách hỗ trợ xây dựng trạm sạc của Mỹ.
Bình quân mỗi dự án đấu thầu, Tesla đưa ra mức giá 392.000 USD so với trung bình 795.000 USD của các đối thủ. Ví dụ như ở Maine, chi phí xây dựng phần cứng các trạm sạc của Tesla chỉ vào khoảng 17.000 USD so với 130.000 USD của đối thủ.
Nguyên nhân rất lớn đến từ việc Tesla tự sản xuất được các trạm sạc của mình trong khi đối thủ sẽ phải lắp ráp hoặc mua lại linh kiện.
Ngoài ra, kinh nghiệm nhiều năm đi trước khiến họ thành thạo hơn trong các khoản xin giấy phép, vận chuyển và lắp ráp.
“Họ xây trạm sạc nhanh như chớp vậy”, CEO Loẻn McDonald của Evadoption thừa nhận về Tesla.
Trong khi các hãng đối thủ thường chỉ tuân thủ mức tối thiểu 4 trụ sạc theo quy định liên bang thì Tesla thường xây dựng 8-12 trụ sạc nhờ có chi phí rẻ hơn, đồng thời quan điểm chiến lược của Elon Musk là càng nhiều trạm sạc càng tốt để phủ sóng mạng lưới toàn quốc.
Theo WSJ, mặc dù hiện mạng lưới trạm sạc chỉ mang tính chất công cụ marketing cho sản phẩm nhà Tesla nhưng về dài hạn, đây sẽ là yếu tố chủ chốt của Elon Musk để thống trị ngành xe điện toàn quốc.
Nghiên cứu của Piper Sandler cho thấy doanh thu từ các trạm sạc nhanh của Tesla có thể đạt 885 triệu USD vào năm 2024 và lên đến 10 tỷ USD trong thập niên tới. Tại thời điểm đó, tổng doanh số của Tesla có thể lên đến hơn 700 tỷ USD nhờ sự thống trị trong ngành xe điện.
Những kẻ ăn theo
Bên cạnh đó, tờ WSJ nhận định những trạm xăng dầu truyền thống hay các cơ sở siêu thị tiện lợi, điểm dừng ô tô cũng sẽ bám theo Tesla để hưởng lợi phần nào.
Trước đây những địa điểm này thường dùng trạm xăng làm điểm thu hút để kinh doanh các dịch vụ đi kèm như ăn uống, siêu thị, sửa xe, nhà nghỉ...
Thậm chí đây mới là mảng đem lại doanh thu chính cho các công ty vận hành trạm xăng chứ không phải bán nhiên liệu.
Với xu thế dịch chuyển sang xây dựng trạm sạc xe điện, những địa điểm này sẽ có lợi thế chuyển đổi hơn so với các hãng ô tô mới tiếp cận thị trường.
Việc sở hữu những địa điểm thuận lợi gần đường cao tốc sau hàng thập niên thu mua sẽ khiến các hãng kinh doanh trạm xăng dầu truyền thống có nhiều ưu thế hơn khi chuyển đổi.
“Họ có ưu thế lớn về bất động sản”, CEO David Jankowsky của hãng xây dựng trạm sạc Francis Energy thừa nhận.
Mặc dù vậy, việc phủ sóng trạm sạc trên toàn nước Mỹ cũng không phải điều dễ dàng do còn liên quan đến kỹ thuật, giấy phép xây dựng và đặc biệt là khả năng cung ứng điện.
Tại nhiều vùng thôn quê hẻo lánh của Mỹ, việc đấu nối các đường dây điện và đảm bảo khả năng cung ứng là điều không đơn giản do thị trường này được tự do hóa và vận hành bởi các hãng tư nhân, vốn chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
Hiện nay ngoài Tesla, nhiều hãng vận hành trạm sạc đều đang phải đối mặt với các thách thức như hỏng hóc thiết bị, chi phí bảo trì gia tăng, tranh chấp tiền điện với hãng tư nhân cung ứng và đặc biệt là việc xe điện chưa phổ biến rộng rãi bằng ô tô xăng.
Không dừng lại đó, khả năng cung ứng điện cũng là vấn đề, nhất là trong mùa hè cao điểm. Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn xây dựng 500.000 trạm sạc vào năm 2030 từ mức 145.000 hiện nay.
Tuy nhiên với việc vô số xe điện đều cần sạc ở mạng lưới này thì lượng điện tiêu tốn sẽ cao hơn rất nhiều, đè nặng lên hệ thống cung ứng vốn đã quá tải hiện nay.
Rất rõ ràng, Elon Musk đang sở hữu quân bài chủ chốt để thống trị độc quyền ngành xe điện và dù chính phủ Mỹ không hề thích điều này nhưng vẫn phải bơm tiền để Tesla mở rộng mạng lưới trạm sạc của họ.
*Nguồn: WSJ