Được “ưu ái” đầu tư nhưng phí vận tải đường bộ Việt Nam vẫn đắt đỏ hàng đầu khu vực

05/10/2017 11:04 AM | Kinh tế vĩ mô

Chiếm 73% trong tổng chi đầu tư cho ngành giao thông của Chính phủ nhưng chi phí đường bộ Việt Nam thể hiện bằng thời gian đi lại (2h/100km) cao thứ hai trong khu vực (chỉ sau Indonesia), đã gây cản trở về năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Quá “ưu ái” cho đường bộ, lãng quên đường thuỷ và đường sắt

Trong báo cáo về chi đầu tư công cho giao thông do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, một loạt những bất cập trong việc phát triển giao thông hạ tầng đã được chỉ ra.

Số liệu được thống kê cho thấy, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã không ngừng tăng chi tiêu công cho ngành giao thông, từ 1 tỷ USD năm 2002 đến trên 5 tỷ USD năm 2012.

Toàn bộ ngành giao thông chiếm tới 30% tổng chi đầu tư của Chính phủ; 8,5% chi ngân sách nhà nước, khoảng 3,1% GDP. Trong đó đường bộ vẫn tiếp tục chiếm phần lớn, bằng 88% chi tiêu công trong ngành giao thông.

Tuy nhiên theo chuyên gia giao thông của WB, việc phân bổ ngân sách giữa các phương thức vận tải vẫn ưu ái nhiều cho lĩnh vực đường bộ gây thiệt thòi cho các phương thức khác hiệu quả kinh tế hơn và ít thâm dụng vốn hơn.

Nếu chưa tính đến nguồn trái phiếu Chính phủ thì ngân sách trung ương đã tập trung tới 73% cho đường bộ, tiếp theo là đường biển (13,5%). Phần còn lại phân bổ cho giao thông đường thuỷ, đường sắt (hơn 10%).

Trong 10 năm qua, từ 2005 - 2014, chiều dài đường bộ đã tăng thêm 30%, tỷ lệ đường trải mặt tăng từ 19 - 50%. Chuyên gia nhóm nghiên cứu báo cáo cho biết, tuy chiều dài đường tăng song mạng lưới đường cao tốc chính của quốc gia còn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và phát triển thương mại.

Một điểm đáng lưu ý WB chỉ ra đó là mặc dù vận tải đường bộ là phương thức vận tải quan trọng nhất tính theo khối lượng vận chuyển, chiếm trên 90% lượng hành khách và 70% lượng hàng hoá trong giai đoạn 2009 – 2012 nhưng đây cũng là phương thức vận tải hàng hoá nội địa đắt đỏ nhất.

Dù mức chi đầu tư lớn song chi phí vận tải đường bộ ở Việt Nam lại thuộc cao nhất khu vực. Trung bình phải mất tới 2 giờ để di chuyển được 100km khi đi ở hệ thống đường bộ ở Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với nhiều nước trong khu vực kể cả Trung Quốc và các nước lân cận. Mật độ đường cao tốc của Việt Nam (km/1000 dân) cũng còn thấp so với Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Chi phí giao thông đường bộ, thể hiện bằng thời gian đi lại (2h/100km) cao thứ hai trong khu vực (chỉ sau Indonesia), đã gây cản trở về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Bên cạnh đó, mật độ cao tốc thấp hơn so với hầu hết các nước láng giềng.

Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Trong khi đó, vận tải đường biển và đường thuỷ nội địa có mức chi phí vận tải thấp nhất và có hiệu suất cao nhất theo tỷ lệ chi ngân sách trên khối lượng vận chuyển thì chưa được đầu tư một cách xứng đáng.

“Ngành giao thông sẽ hưởng lợi nếu tăng đầu tư và duy tu bảo dưỡng hai lĩnh vực này, đặc biệt là dọc các khu vực duyên ải, khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, chuyên gia WB đưa ra khuyến nghị.

Chăm xây mới đường, ít duy tu bảo dưỡng

Trong khi chiều dài mạng lưới đường bộ tăng lên và đơn giá duy tu bảo dưỡng tăng lên thì tỷ lệ chi cho duy tu bảo dưỡng đường lại giảm từ 65% năm 2009 xuống còn 41% năm 2013.

Việc duy tu bảo dưỡng đường bộ ở VN chưa được đảm bảo so chi đầu tư. Đó là một trong những bật cập tiếp theo được ra tại báo cáo về chi tiêu công ngành giao thông.

Nếu tỷ lệ duy tu bảo dưỡng trên tổng chi tiêu đường bộ trung bình là 30% tại các nước OECD năm 2011, 37% tại Indonesia năm 2009, 35% tại Malaysia năm 2013, trong khi đó tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ là 10% năm 2012.

Ngân sách chi duy tu bảo dưỡng thực tế chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu và thậm chí còn thấp hơn khi mức chi duy tu bảo dưỡng trên một km đường vốn đã cao nay lại tăng lên 68% trong giai đoạn từ năm 2009 – 2013.

Theo báo cáo, tình trạng thiếu kinh phí bảo dưỡng diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt đối với các tuyến đường cấp huyện, xã vì không có kinh phí phân bổ cụ thể cho các cấp đường này.

Ước tính của WB cho thấy, nhìn chung phí sửa chữa cao hơn 6 lần duy tu bảo dưỡng sau 3 năm lãng quên và 18 lần sau 5 năm. Đây là vấn đề lớn cần được quan tâm để bảo tồn tài sản đường bộ trong dài hạn, vì đường bộ là tài sản công rất quan trọng.

“Nếu không được bảo dưỡng thường xuyên, đường sẽ nhanh chóng bị hư hỏng, khiến cho lợi ích dài hạn của việc cải tạo đường bộ khó có thể được hiện thực hoá đối với phát triển”, chuyên gia WB cảnh báo.

Trong số các khuyến nghị đưa ra cho ngành giao thông, báo cáo đánh giá chi tiêu công năm 2017 cho rằng cần chuyển trọng tâm từ chi đầu tư sang các hoạt động duy tu bảo dưỡng tài sản, đảm bảo cân đối về mặt kinh tế - xã hội và bễn vững, bố trí chi duy tu bảo dưỡng theo thông lệ quốc tế đồng thời giảm chi phí giao thông đường bộ.

Đồng thời tăng gấp ba chi tiêu công và tăng gấp đối chi duy tu bảo dưỡng cho vận tải thuỷ nội địa. Khuyên nghị này dựa trên thực tế là ngân sách thường xuyên phân bổ cho ngành lần lượt đáp ứng khoảng 30% và 50% chi đầu tư và nhu cầu duy tu bảo dưỡng, trong khi mức duy tu bảo dưỡng lại rất thấp so với ngành khác.

Theo N Mạnh

Cùng chuyên mục
XEM