Tăng nhập máy móc vào Việt Nam, Hàn Quốc đang hiện thực hóa chiến lược xoay trục đầu tư

04/10/2017 18:08 PM | Kinh tế vĩ mô

8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu gần 21 tỷ USD, cao hơn cả năm 2016. Bên cạnh nhập khẩu bán thành phẩm để gia công, Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị từ Hàn Quốc tăng đột biến, phù hợp với bối cảnh vốn FDI từ Hàn đang chảy mạnh vào Việt Nam.

Số liệu thống kê của Hải Quan Việt Nam cho thấy, 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc hơn 30 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc thấp hơn giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng xét về cán cân thương mại, Việt Nam đang nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc.

Tăng nhập không chỉ bởi “phận gia công”

Chi tiết số liệu cho thấy, 3 nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 có giá trị lớn nhất gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện. Chỉ tính riêng 3 nhóm sản phẩm này, giá trị nhập khẩu đạt 19,3 tỷ USD, chiếm đến 64,3% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Việt Nam đang gia công điện thoại và các sản phẩm điện tử, máy vi tính … cho các nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam trở thành “công xưởng” gia công cho Samsung. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các nhóm điện thoại và các sản phẩm điện tử, máy vi tính… tăng; lượng nhập khẩu 2 nhóm hàng hóa nói trên từ Hàn Quốc và các quốc gia cũng tăng.

Nhưng bên cạnh là xưởng gia công lớn của Hàn Quốc, Việt Nam còn là thị trường tiêu thụ tiềm năng của các doanh nghiệp Hàn. FTA Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ cuối năm 2015.

Với quy mô dân số 94 triệu dân, dân số vẫn còn trẻ, Việt Nam đã là thị trường tiêu thụ lớn của các nhà sản xuất điện thoại, sản phẩm điện tử, máy vi tính, các nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc. Tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa từ Hàn đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện năm 2014 chỉ từ lần lượt 27% và hơn 20% lên 37% và 38% vào tháng 8/2017.

Ngoài ra, cũng ở nhóm hàng tiêu dùng, Việt Nam tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc các sản phẩm như: hàng thủy tin và các sản phẩm thủy tinh (tăng 92,7%); hàng điện gia dụng (tăng 33,5%); đá quý, kim loại quý và trang sức (tăng 56,6%); hóa mỹ phẩm (tăng 23,7%); bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc (tăng 72%); hàng rau quả (tăng 65%). 6 nhóm hàng nói, 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu gần 200 triệu USD từ Hàn Quốc.

Bẻ hướng đầu tư vào Việt Nam, tăng nhập khẩu máy móc, đầu vào

Nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng được xem là nguyên nhân chính yếu đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia nhập siêu vào Việt Nam lớn nhất, vượt qua cả Trung Quốc.

Tăng nhập máy móc vào Việt Nam, Hàn Quốc đang hiện thực hóa chiến lược xoay trục đầu tư - Ảnh 1.

Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 7,7 tỷ USD máy móc thiết bị, dụng cụ, tăng 112,4% so với cùng kỳ năm ngoái; chiếm tỷ trọng 32% tổng giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị đến từ các thị trường; bằng ¼ tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc.

Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị từ Hàn Quốc chỉ đạt 3,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 14,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc, và chiếm 14% tổng giá trị máy móc thiết bị đã nhập khẩu từ các thị trường.

Cùng với số liệu nhập khẩu máy móc tăng từ Hàn Quốc tăng mạnh, vốn FDI đăng ký đầu tư từ Hàn Quốc cũng tăng. 8 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam hơn 6 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới là 2,2 tỷ USD, vốn đăng ký tăng thêm 3,3 tỷ USD, góp vốn mua cổ phần là gần 533 triệu USD. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hiện thực hóa chiến lược mở rộng đầu tư tại Việt Nam bằng việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

Hơn nữa, ngoài máy móc thiết bị, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu các đầu vào phục vụ sản xuất như sắt thép, kim loại, chất dẻo nguyên liệu, xăng dầu các loại, hóa chất.

Giới phân tích đánh giá, với làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục nhập siêu lớn từ Hàn Quốc trong thời gian tới, đặc biệt là nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; các đầu vào phục vụ cho sản xuất, gia công, xuất khẩu.

Theo Hồng Quân

Cùng chuyên mục
XEM