Đừng vội xót thương bác xe ôm cả ngày không có khách, 'nạn nhân' mất việc tiếp theo có thể chính là bạn đấy!

24/11/2016 09:15 AM | Xã hội

Khái niệm "Thất nghiệp do công nghệ" (Technology Unemployment) đã được giáo sư Lord Keynes phát triển từ thập niên 30 trước sự bùng nổ của máy móc thiết bị, khiến năng suất tăng lên nhưng cũng làm nhu cầu lao động đi xuống.

Thế giới hiện nay dường như đang quan tâm quá nhiều đến Donald Trump, Brexit, giá dầu... mà quên đi mất một yếu tố vô cùng quan trọng đang làm thay đổi toàn bộ thị trường lao động cũng như nền kinh tế toàn cầu. Đó là công nghệ.

Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, nguy cơ thất nghiệp, mất việc làm, giảm thu nhập của nhiều lao động cũng như ngành nghề đang ngày một tăng. Trên thực tế, từ “Thất nghiệp do công nghệ” (Technology Unemployment) đã được giáo sư Lord Keynes phát triển từ thập niên 30 trước sự bùng nổ của máy móc thiết bị, khiến năng suất tăng lên nhưng cũng làm nhu cầu lao động đi xuống.

Vấn đề lao động bị ảnh hưởng bởi công nghệ đã manh nha từ trước thế kỷ 18 nhưng không được tranh luận nhiều do kỹ thuật thời đó còn thấp và chưa ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Tuy nhiên, vấn đề này đã khác khi hàng loạt những cuộc cách mạng khoa học diễn ra làm thay đổi toàn ngành công nghiệp.

Những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy từ sau Thế chiến thứ II, năng suất lao động và tỷ lệ lao động có việc làm đang ngày càng tăng trưởng lệch nhau. Bên cạnh đó, dù tổng GDP của Mỹ tăng mạnh như thu nhập bình quân của người dân lại chỉ tăng nhẹ, trong khi bất bình đẳng xã hội lại ngày một gia tăng.

Thêm vào đó, các nghiên cứu chỉ ra không phải những nghề thu nhập thấp dễ bị ảnh hướng nhất mà thay vào đó chính tầng lớp thu nhập bậc trung mới là đối tượng bị tác động tiêu cực nhiều nhất bởi công nghệ.

Nghiên cứu của trường đại học MIT-Mỹ trong khoảng 1980-2005 cho thấy tỷ lệ lao động có việc làm và mức lướng theo giờ của những công việc dòi hỏi kỹ thuật bậc trung là chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi những nghề đòi hỏi kỹ thuật cực cao hoặc không cần nhiều kinh nghiệm lại chịu ít ảnh hưởng hơn.

Chính yếu tố này tạo ra một hiệu ứng là nhiều nghề tưởng chừng như sẽ không bị đào thải bởi công nghệ thì nay lại phải ngậm ngùi lùi dần vào dĩ vãng.

Tiếc thương nghề cũ

Việt Nam là quốc gia nổi tiếng với lực lượng lao động giá rẻ dồi dào nhưng giờ đây yếu tố này đang mất dần sức hút với những nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động của ngành dệt may và da giày Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ của khoa học công nghệ. Đặc biệt, khoảng 86% số lao động ngành này của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ tự động hóa.

Tồi tệ hơn, nhiều nghiên cứu cho thấy những kỹ thuật mới như công nghệ sản xuất không dùng máy khâu (Stichless Technology) có thể giảm 25-35% thời gian vận hành cũng như chi phí nhân công. Trong khi đó, nhiều dự đoán thậm chí cho thấy chi phí sử dụng máy khâu tự động sẽ rẻ hơn gấp 4 lần so với lao động thủ công năm 2020.

Rõ ràng, mảng lao động trong các nhà máy dệt may, lắp ráp hay những nghề dễ dàng bị thay thế bởi máy móc, tự động tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Thêm vào đó, nhiều ngành nghề khác cũng sẽ chịu chung số phận do đà phát triển của khoa học kỹ thuật. Những công nghệ tiến tiến trong ngành dệt may, da giày sẽ khiến các nghề thủ công như may áo dài, đóng giày dần mai một.

Việc phát triển của những ứng dụng taxi khiến chi phí đi lại rẻ hơn trước, khiến nghề xe ôm giờ không còn được như trước. Trong khi đó sự phổ biến của điện thoại thông minh với tính năng chụp ảnh đang khiến những người chụp ảnh dạo giờ đây mất khách.


Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Không dừng lại ở đó, hàng loạt những ngành nghề thủ công, truyền thống ngày nay cũng bị ảnh hưởng khi năng suất được nâng cao hơn trước và máy móc hiện đã có thể thay thế được những thao tác tỉ mỉ cần sự tinh xảo từ các nghệ nhân.

Trong khi đó, phong trào làm startup, khởi nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới đặc biệt phát triển trong thời gian gần đây. Do vậy, rất nhiều những ứng dụng hay dịch vụ công nghệ mới nhắm đến các nghề phổ thông của Việt Nam như bán lẻ hay giáo dục, qua đó càng làm giảm nhu cầu lao động tại các ngành truyền thống.

Giờ đây, những ngành nghề gắn liền với ký ức của nhiều người Việt Nam đang dần mai một. Có lẽ trong tương lai, những nghề như xe ôm hay chụp ảnh dạo sẽ chỉ còn nằm trên các bức ảnh tư liệu hoặc trong tâm trí của những người cao tuổi.

Giới trẻ và "nghề sang chảnh" cũng không tránh khỏi số phận

Tuy nhiên, không chỉ những ngành truyền thống có thể dễ dàng thay thế bởi máy móc, chính những công việc đòi hỏi kỹ thuật, trình độ và sức trẻ ngày nay cũng đang dễ dàng bị tác động từ cuộc cách mạng công nghệ.

Hãy nhìn vào ngành tài chính ngân hàng như một ví dụ. Thống kê cho thấy 11 ngân hàng lớn nhất Phương Tây đã sa thải hơn 10% tổng số nhân viên trong năm 2015 do sự bùng nổ của công nghệ tài chính.

Trong khi đó, số liệu của CB Insights cho thấy đầu tư vào startup mảng tài chính ngân hàng trên toàn cầu năm 2015 đạt 6,9 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2014.

Khảo sát của PwC cũng cho kết quả 83% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính truyền thống lo sợ hoạt động kinh doanh của mình sẽ bị các công ty công nghệ tài chính ảnh hưởng. Thậm chí tỷ lệ này lên tới 95% khi khảo sát với các ngân hàng.

Tác giả của cuốn sách “Ngân hàng điện tử - Digital bank”, ông Chris Skinner thậm chí dự đoán người tiêu dùng sẽ không còn dùng thẻ tín dụng trong 10 năm tới khi thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến phát triển. Trong khi đó, các chi nhánh ngân hàng sẽ dần trở thành phòng trưng bày sản phẩm do người tiêu dùng đã có thể dùng dịch vụ qua Internet.

Vì vậy, hàng trăm nghìn nhân viên ngân hàng trên toàn thế giới với trình độ cao, có sức trẻ cũng sẽ phải đối mặt nguy cơ thất nghiệp trước cách mạng công nghệ.

Thậm chí, những công việc khó nhằn như tư vấn tài chính, bảo hiểm, phân tích cũng đang ngày càng dùng nhiều công nghệ hơn. Ông Skinner dự đoán rất có thể những công nghệ như trí thông minh nhân tạo sẽ dựa trên các trang mạng xã hội, lịch sử thanh toán, mua sắm của người tiêu dùng để thay thế nhân viên con người ra quyết định tư vấn tài chính cho khách hàng.

Ngoài ngân hàng, những ngành cần trình độ cao khác như giáo dục, phân tích số liệu cũng sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng khi công nghệ ngày nay có thể thay thế một phần hoặc hoàn toàn những nghiệp vụ khó khăn với hiệu suất cao hơn con người.

Hàng loạt những startup phát triển ứng dụng học trực tuyến, những kho sách điện tử, các chương trình tính toán tự động... đang ngày càng phát triển và xu thế bị sa thải trong những ngành này chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nếu bạn là một nhân viên văn phòng, chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với những ứng dụng văn bản, tính toán, đồ họa, phiên dịch... Đây là những công nghệ mà chỉ mới 10 năm trước đây thôi còn không thực sự phổ biến. Theo bạn, những công nghệ này sẽ phát triển đến mức nào trong 10 năm sau và liệu công ty có cần bạn làm những nghiệp vụ mà họ có thể tự động hóa hay không?

Thậm chí, nhiều người còn nói đùa rằng trong tương lai các nhân viên văn phòng sẽ chủ yếu chịu trách nhiệm đi nhậu và quan hệ, còn hầu hết các nghiệp vụ chuyên môn đã được tự động hóa hoặc giúp đỡ phần lớn bởi công nghệ.

Tất nhiên, nhiều ngành nghề hiện nay vẫn còn là rào cản quá lớn với công nghệ tự động như bác sĩ, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ... nhưng rõ ràng những lao động trong các ngành này ngày càng dùng nhiều công nghệ hơn và việc bị tự động hóa thay thế chỉ còn là sớm hay muộn.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM