Đừng nói chuyện du học sinh không trở về, ngay cả nhiều công ty trong nước cũng đang gặp khó khi giữ chân nhân sự cấp cao

28/12/2016 15:09 PM | Xã hội

“Đối với việc tuyển dụng, quốc tịch không còn là vấn đề, quan trọng là khả năng của ứng viên. Chúng tôi không có thống kê riêng nào về chuyện này, việc trúng tuyển không còn phụ thuộc vào quốc gia của bạn”.

Trải nghiệm thú vị, được học hỏi, cọ xát tốt, mức lương cạnh tranh... và nhất là điều kiện hiện thực hoá những ý tưởng, là những lý do khiến ngày càng nhiều bạn trẻ đặt mục tiêu được làm cho các công ty, tập đoàn tại nước ngoài.

Từ việc các bạn trẻ muốn “ra khơi”

Mới đây, ông Lê Quốc Việt, lập trình viên cấp cao của Derivatives R&D công ty Bloomberg London đã có những chia sẻ tại “Dev Việt ra khơi: Cơ hội trong tầm tay”. Đây là sự kiện để các bạn lập trình viên, khởi nghiệp có cơ hội lắng nghe kinh nghiệm tìm cơ hội làm việc cho các công ty công nghệ nước ngoài.

“Amazon, Bloomberg, Facebook, Google, LinkedIn, Microsoft, Uber... là những công ty sẵn sàng đưa người từ các nước khác sang làm việc”, ông Việt liệt kê.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố chuyên môn, để trở thành ứng viên sáng giá, người ứng tuyển phải có năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp tốt và tinh thần làm nhóm. Ở kỹ năng làm nhóm, ông Việt nhấn mạnh, không phải cứ “lấn át, áp đảo người khác” thì sẽ được chú ý hơn mà ngược lại, “Người tuyển dụng luôn chú ý đến việc bạn có lên giọng khi đưa ra ý kiến của mình không, cách bạn thuyết phục người khác lắng nghe như thế nào...”, ông nói.

“Ông đánh giá thế nào về điểm mạnh, yếu của ứng viên Việt Nam so với các nước khác?”, một khán giả đặt câu hỏi.

“Đây không phải là lần đầu tiên tôi được đặt câu hỏi này. Tôi chưa có nhiều cơ hội làm việc với các bạn Việt Nam, nhưng tôi được biết các sản phẩm startup của các bạn khá tốt, gây ấn tượng. Khi chúng tôi tuyển dụng, vấn đề đặt ra không phải là quốc tịch. Chúng tôi không có thống kê nào về việc đấy. Đối với những bạn apply, chúng tôi sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể. Việc bạn đến từ quốc gia nào không quan trọng”, ông Lê Quốc Việt trả lời.

Trong 10 phút Q&A, liên tục những câu hỏi khác được đặt ra xung quanh chuyện “làm thế nào để ra khơi thành công”.

Đến sự dịch chuyển của nhân sự cấp cao

Báo cáo quý I/2016 của En World Group và Navigos Search đã đưa ra nhận định “71% nhân sự trung và cao cấp người Việt muốn chọn Singapore làm điểm đến”.

Tỷ lệ này được Navigos đưa ra sau cuộc khảo sát về nhu cầu dịch chuyển lao động cấp trung – cao cấp người Việt sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. Lý do chính khiến Singapore là điểm đến ưa thích đều liên quan trực tiếp đến các cơ hội việc làm, bao gồm việc phát triển nghề nghiệp của bản thân, mức lương, thưởng cũng cao hơn. Theo ghi nhận, Việt Nam đang có mức lương thấp nhất trong khu vực, đặc biệt có sự chênh lệch lớn với Singapore từ 5 – 6 lần (Báo cáo lương 2016 của JobStreet ).

Như vậy, bên cạnh việc đối mặt với những thách thức trong quá trình thu hút và tuyển dụng nhân tài, nhà tuyển dụng còn phải đối mặt với sự dịch chuyển nhân sự trong nước ra nước ngoài.

Trên thực tế, với sự Thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRA) để tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động, lao động Việt Nam đã có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các thị trường phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội cho thấy, năm 2015 số lượng lao động Việt làm ngoài nước đã tăng 8% so với năm 2014.

Mặt khác, với xu hướng toàn cầu hoá, sự di chuyển của người Việt không dừng lại ở các nước trong cộng đồng AEC mà còn hướng đến những thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng cao hơn, ví dụ là Mỹ, Anh... mà việc hội trường kín người lắng nghe tại Dev Việt ra khơi là một hình ảnh minh hoạ.

Do đó, có thể thấy thị trường lao động tại Việt Nam đang đối mặt với những thử thách mới, đòi hỏi phải ngày một sử dụng nhiều biện pháp hơn để thu hút nhân tài. Trong đó, việc xây dựng hình ảnh công ty trong mắt ứng viên đang ngày một quan trọng hơn, nhất là trước nguy cơ “chảy máu chất xám”.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM