Có nên duy trì game online trong trường học?
Sau nhiều ý kiến dư luận phản ứng về cuộc thi “Chinh phục vũ môn” liên quan đến game online cùng tên, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo tạm dừng, tiến hành rà soát các vấn đề liên quan đến cuộc thi này. Sau sự kiện trên, nhiều ý kiến chỉ trích, song cũng không ít người ủng hộ.
Vì sao “Chinh phục vũ môn” bị tạm dừng?
Cuộc thi “Chinh phục vũ môn” với hình thức thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức tổng hợp dành cho học sinh THCS do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi xướng và chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015 đến nay. Cuộc thi được tổ chức với mục đích ban đầu là tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh, giúp các em nắm chắc kiến thức về văn hóa, xã hội và kỹ năng sống. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ GDĐT, cuộc thi còn một số tồn tại, bất cập như thành phần tham gia thi chưa phù hợp; công tác tuyên truyền, tổ chức điều hành cuộc thi chưa tốt đã gây ra sự lo ngại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của các em học sinh. Hạn chế và “tai hại” theo như bức xúc dư luận thời gian qua là game gần giống với “Cờ tỉ phú” của Mỹ. Trong đó có những tính năng khác như phòng học, phòng nghiên cứu, cửa hàng mua sắm. Muốn nâng cấp, hoặc tiến hóa các vật phẩm trang bị để dễ dàng chiến thắng thì người chơi phải dùng thẻ nạp tiền...
Có nên duy trì game giáo dục?
Sau những lùm xùm liên quan đến game “Chinh phục vũ môn”, nhiều phụ huynh đã rất quan tâm. Một số phụ huynh lo lắng về việc game có yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào. “Con tôi đang là học sinh lớp 5, do thường xuyên kiểm soát việc dùng máy tính của cháu nên tôi phát hiện cháu chơi game “Chinh phục vũ môn” trên máy tính với lịch sử khá dày trên trình duyệt web” (trích tâm thư của phụ huynh Trần Trọng An - Lao Động ngày 9.12). Trong bức tâm thư, anh An cũng tỏ ra nghi ngại về độ an toàn, “độ sạch” của game và lo ngại nếu bị “cài đặt” game online vào trí não (game có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu, về dài.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Lan Hương (36 tuổi, trú tại 203 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã trực tiếp đến gặp thầy giáo chủ nhiệm của con để hỏi thông tin và bản chất của trò này. Đồng thời tôi cũng tự mình kiểm chứng và đăng ký một tài khoản để thử chơi xem. Bản chất những câu hỏi cũng có nhiều câu gắn với kiến thức con học. Hiện nay một số loại game làm cho học sinh chìm đắm trong thế giới ảo, chính vì vậy khi nhắc đến game vô hình trung nhiều phụ huynh ác cảm, lo lắng và không an tâm khi con chơi game. Việc đưa một trò game thuần Việt vào trường học, đồng thời lồng ghép vào các kiến thức trên lớp là một ý kiến sáng tạo nhằm tăng hứng thú cho các em học sinh”.
Cùng quan điểm, anh Hoàng Long (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Những câu hỏi trong trò ‘Chinh phục vũ môn’ dựa trên nền tảng kiến thức học sinh cấp 2 đang và đã học, game này không mang tính bạo lực như một số game hiện nay”. Đồng cảm với những chia sẻ của phụ huynh, thầy Nguyễn Hữu Danh (giáo viên Trường THCS Xuân Diệu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay: “Mục đích chính của game ‘Chinh phục vũ môn’ là một sân chơi thuần Việt, miễn phí cho người chơi. Qua các câu hỏi trong game giúp người chơi - học sinh đó vừa học, vừa có thể giải trí. Đặc biệt là cấp 2, nhiều em thích khám phá và thể hiện khả năng hiểu biết của mình về lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây cũng là một cách để các em làm quen với nó, chính vì vậy, mình thấy nó thực sự hữu ích nếu có định hướng đúng ngay từ đầu”.
Hiện nay, trên mạng Internet đang thịnh hành rất nhiều game mang tính bạo lực và thiếu sự kiểm soát, gây nghiện cho học sinh, trong khi lại quá thiếu những trò chơi mang tính thuần Việt, kích thích sự học hỏi, khám phá và phục vụ cho quá trình học tập. Theo thầy Trần Huy Công - Hiệu trưởng Trường THCS Lam Kiều (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh): “Ngay cái tên gọi ‘Chinh phục vũ môn’ cũng đã khiến nhiều phụ huynh hiểu nhầm giống như các trò chơi game online hiện nay. Nhưng nó khác nhau hoàn toàn, hơn nữa game ‘Chinh phục vũ môn’ là học sinh tự nguyện đăng ký. Mặt khác, nhiều phụ huynh vẫn còn ác cảm với từ game, nghĩ đến game online người ta nghĩ ngay đến những trò bạo lực, gây nghiện mà bỏ bê việc học; nhiều trò chơi hiện nay cuốn đi rất nhiều tiền bạc, thậm chí nhiều học sinh đã rơi vào vòng lao lý chỉ vì thiếu tiền chơi game”. Thầy Công phân tích thêm, hiện nay Bộ GDĐT cũng thay đổi phương án thi, chuyển sang hình thức trắc nghiệm, chính vì vậy đây cũng là một hình thức để các em làm quen dần với dạng thi trắc nghiệm, đặc biệt là cách phản ứng nhanh trước các câu hỏi. Tuy nhiên việc quản lý thời gian sử dụng và biên soạn nội dung rất quan trọng để việc học trở nên thật sự hiệu quả hơn. Ngoài ra, lượng câu hỏi trong các phần thi cũng được phân bố đều 30% dành cho các môn khoa học tự nhiên; 30% dành cho khoa học xã hội, 40% hiểu biết chung. Bởi vậy nếu học sinh tình nguyện đăng ký tham gia sân chơi này, các em cũng sẽ có bổ sung khả năng hiểu biết của mình đặc biệt là kiến thức hiểu biết chung.
Có thể thấy, việc Bộ GDĐT tạm dừng cuộc thi, mà theo bộ này là “còn tồn tại, bất cập” là chính xác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận mặt tích cực của các game giáo dục... “Chinh phục vũ môn” nếu sửa được những “tồn tại, bất cập” như đã nêu thì vẫn là bổ ích.