PGS Đại học Ngoại Thương: Du học sinh Việt Nam – Đừng quan trọng việc đi hay về!

24/12/2016 14:18 PM | Kinh doanh

“Quan điểm của tôi là chúng ta không nên quan trọng chuyện người ta có về nước hay không”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH Ngoại Thương bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi về việc nỗi lo “ chảy máu chất xám ” của Việt Nam khi ngày càng nhiều du học sinh ở lại nước ngoài sau khi tốt nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh cho biết không nên quan trọng hoá chuyện này.

Ví von chuyện về nước của du học sinh giống như chuyện hàng hoá Việt Nam phải tiêu dùng ở Việt Nam, PGS. Ánh đặt ra câu hỏi hàng hoá này được tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu ra nước ngoài thì tạo “thanh thế” tốt hơn. Nếu đã là xuất khẩu tốt hơn, thì tại sao cứ phải đặt ra vấn đề “buộc người ta phải trở về” mà phải hướng đến việc “đi, việc ở lại”.

“Hàng hoá xuất khẩu được thì mới là hàng tốt, không xuất khẩu được tồn đọng trong nước khác nào trai gái không gả được. Con không gả được, hàng không xuất khẩu được thì là thành công hay thất bại?”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh cho biết.

Do đó, vị PGS này đặt vấn đề sao không hướng đến thành công mà cứ hướng đến thất bại? Bà cho rằng việc đi hay về không quan trọng, quan trọng là làm thế nào để cái tên Việt Nam được toả sáng. Còn nếu “về” mà không làm nên thương hiệu Việt Nam thì rõ ràng là sự thất bại.

Hiện với việc người Việt định cư nhiều hơn, làm việc ở những vị trí quan trọng hơn, theo quan điểm của bà, đang là một tín hiệu tốt cho thấy khả năng, chất lượng làm việc của người Việt Nam đáp ứng được yêu cầu trong môi trường làm việc quốc tế. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tăng về nội lực.

“Có hai loại chỉ số kinh tế để tính thành tựu kinh tế của đất nước, là GDP và GNP. GDP thì người ta nói nhiều rồi, ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến GNP”, PGS. Nguyễn Hoàng Ánh nói.

GNP là “tổng sản lượng quốc gia” hay “tổng sản phẩm quốc gia” là một chỉ tiêu kinh tế đánh giá sự phát triển kinh tế của một đất nước. Nó được tính là tổng giá trị bằng tiền của các sản phẩm cuối cùng và dịch vụ mà công dân của một nước làm ra trong một khoảng thời gian nào đó, thông thường là một năm tài chính, không kể làm ra ở trong hay ngoài nước.

Như vậy, với việc người Việt lao động trên thế giới cũng góp phần làm tăng GNP Việt Nam. GNP tăng đồng nghĩa với việc Việt Nam đã đóng góp nhiều hơn cho thế giới, PGS cho biết.

“Tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng cùng một người, khi làm việc ở Việt Nam thì năng suất lao động chỉ bằng 1/15 năng suất của người Thái, 1/25 năng suất ở Singapore. Chúng ta nên giữ họ ở đây để làm ra 1 đồng hay để họ sang Thái Lan, Singapore để làm ra 15 hay 25 đồng rồi qua đó GNP sẽ tăng lên?”, PGS đặt vấn đề.

Do đó, vị PGS này cho rằng nên tư duy cởi mở hơn. Chuyện chảy máu chất xám nếu xét tầm vĩ mô thì dù “chảy” đi đâu cũng là phụng sự nhân loại, phụng sự toàn cầu. Hơn nữa, bởi con người có gốc có cội, họ vẫn sẽ hướng về “nhà” khi có cơ hội, như là câu chuyện cuối mà bà chia sẻ.

“Cách đây hơn 4 năm, trong một hội thảo ở Châu Âu tôi gặp một nghiên cứu viên người Trung Quốc. Anh có kiến thức rất sâu, tiếng Anh lại trôi chảy, phát âm chuẩn, không giống nhiều đồng nghiệp người Trung Quốc khác. Hỏi ra mới biết anh đã đi du học ở Mỹ từ đại học đến tiến sỹ, sau đấy làm ở Viện nghiên cứu tại Chicago, lên đến vị trí trưởng dự án. Tôi hỏi tiếp lý do anh về nước làm việc thì nhận được câu trả lời là do đãi ngộ tốt, hơn nữa, anh vui vẻ nói ‘Tôi là người Trung Quốc mà’”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh kể.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM