Đừng đòi hỏi chúng tôi sáng tạo, các nhà giáo dục đã giết chết nó ở trường rồi
Chưa bao giờ chúng ta cần những con người sáng tạo bùng nổ hơn lúc này. Đã đến lúc cần xóa tan định kiến sáng tạo là thứ gì đó to tát và thần bí - tất cả chúng ta đều có thể tự tin sáng tạo.
Bất cứ khi nào tôi nghe thấy cụm từ “ngành công nghiệp sáng tạo”, tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên. Tôi tự hỏi mình, có ngành nghề nào mà lại không cần sáng tạo chứ? Nếu không thì làm sao chúng sống sót được? Sao bây giờ chúng còn chưa vào bảo tàng làm cảnh, cạnh con chim tuyệt chủng Dodo? Thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt tới mức bất cứ doanh nghiệp nào không có sức sáng tạo sẽ cầm chắc cái chết.
“Sáng tạo hay là chết” không chỉ là một câu slogan, nó là một chân lý quan trọng. Sáng tạo là lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ nhất mà một doanh nghiệp có thể sở hữu. Các công ty cần tràn ngập các ý tưởng mới và lối suy nghĩ không theo đường mòn. Nhưng có một vấn đề, thật khó để kiếm được những con người biết tư duy khác biệt như thế.
Chúng ta cần phải làm hai việc để giải quyết vấn đề này. Đầu tiên, mọi người cần phải giải thiêng quan niệm được giới Hollywood tuyên truyền rằng những nghệ sĩ sáng tạo sinh ra đã khác người bình thường – và sáng tạo là thứ gì đó thần bí, khó nắm bắt và không thể truyền dạy được.
Ta đang không bàn về thứ nghệ thuật cao cấp, mà là chuyện trao quyền cho mọi người phát huy trí tưởng tượng của mình. Không phải ai cũng có thể là Mozart, nhưng ai cũng có thể hát. Tôi tin rằng ai sinh ra cũng có năng lực sáng tạo, nhưng trường học đã chôn vùi nó qua những bài học về văn chương và toán.
Vẫn có những lớp học mỹ thuật, nhưng thứ mà các thầy cô thực sự dạy chỉ là sự vâng lời.
Trẻ nhỏ lúc nào cũng có nhiều ý tưởng. Nhưng cái giây phút mà chúng bước chân vào cổng trường, chúng bắt đầu mất tự do khám phá, tự do mạo hiểm và tự do trải nghiệm.
Chúng ta dành quãng đời tươi đẹp nhất của mình để được học những kĩ năng vượt qua các kì thi giả tạo. Chúng ta học được cách thể hiện những gì mà thầy cô mong muốn. Tới lúc chúng ta bắt đầu đi làm, ta được thiết chế để phục tùng. Ta dành của ngày trong các cuộc học và ca ngợi lối tư duy “ra khỏi bên ngoài chiếc hộp”. Nhưng thực tế là phần lớn ta vẫn tự giam mình bên trong.
Sự thật đau buồn là các ngôi trường chưa từng được thiết kế để sản sinh ra sự sáng tạo. Sự thật này không phải ai cũng biết, nhưng hệ thống giáo dục ở nhiều nước trên thế giới được xây dựng dựa trên mô hình nước Phổ thế kỉ 19. Trẻ em được dạy để tuân lệnh, không phải để phản biện hay tư duy sáng tạo. Đó là lý sao tại sao bạn phải đứng lên khi cô giáo bước vào lớp. Đó là lý do tại từ Mỹ đến Trung Quốc, trẻ em đều mặc đồng phục.
Hệ thống này hoạt động rất hiệu quả với những người công nhân, dành cả ngày trong các nhà máy, đứng cạnh các dây chuyền sản xuất để làm ra những thứ như động cơ ô tô. Nhưng trong thế giới hiện đại, lối làm việc này đã “hết đát”. Chúng ta phải coi công cuộc phát triển sự sáng tạo như một nhu cầu bức thiết.
Tôi cho rằng một lý do mà hầu hết các sáng tạo ngày nay bắt nguồn từ thung lũng Silicon là bởi vì cư dân của nó là những đứa trẻ đã vùng mình khỏi cái lưới kẹt. Với bản tính bất tuân luật lệ trong mình, chúng thách thức, mạo hiểm và chẳng thèm quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình. Như một quảng cáo trước đây của Apple từng nói: “Đây là những con người điên rồ!” Chúng ta cần nhiều hơn những kẻ phá luật và dám bác bỏ những tín điều.
Từ trước đến giờ, những người sáng tạo đã không có kết cục tốt lắm trên nấc thang lãnh đạo. Điều này cần thay đổi. Chúng ta cần các lãnh đạo sáng tạo hơn – những người vừa giỏi kinh doanh vừa dám tư duy khác biệt. Họ cần có khả năng sử dụng cả não trái lẫn não phải.
Quan trọng nhất là những con người sáng tạo trong đội ngũ quản trị. Chỉ khi họ bắt đầu tạo ra sự thay đổi trong các hội đồng quản trị, thì giới kinh doanh mới có thể trở nên sáng tạo hơn – mang lại cho thế giới những ý tưởng lớn lao, táo bạo và thú vị hơn.
Ai biết được, sự dịch chuyển này thậm chí còn có thể là bình minh của một kỉ nguyên mới: thời đại sáng tạo cho loài người. Chúng ta đều biết nó cần thiết tới mức nào, hơn bao giờ hết.
*Tác giả bài viết, Tham Khai Meng, là đồng chủ tịch và giám đốc sáng tạo toàn cầu của công ty Ogilvy & Mather.