Đừng chỉ lo cạnh tranh với Grab, giao thông Việt Nam còn chằng chịt vấn đề để các startup Việt giải quyết!

13/06/2018 14:23 PM | Kinh doanh

"Vẫn còn đầy rẫy những câu kêu ca của hành khách. Thị trường còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, hãy tập trung vào đó."

Hội thảo "Startup Việt làm giao thông thông minh, khó hay dễ?" diễn ra tối 12/6 tại Hà Nội có sự góp mặt của đại diện các startup nổi bật trong lĩnh vực giao thông.

Đó là anh Nguyễn Thành Nam (CEO Dichung - giải pháp đi chung xe, đi ghép xe), anh Nguyễn Xuân Trường (CEO Ahamove - ứng dụng kết nối chủ shop cửa hàng online với shipper) và anh Phan Bá Mạnh (CEO Anvui - dự án cung cấp nền tảng quản lý cho nhà xe khách liên tỉnh).

Giao thông Việt Nam còn chằng chịt vấn đề

"Cách vận hành hệ thống giao thông của chúng ta đang không thông minh", anh Phan Bá Mạnh nói. 

CEO Anvui nêu ví dụ một sự lãng phí trong giao thông Việt Nam: "Do cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, phương tiện công cộng không đáp ứng được nên phương tiện cá nhân cao. Mà phương tiện cá nhân tăng thì là một sự lãng phí cực kỳ lớn. Một cái xe đi một ngày mấy tiếng mà để xếp xó mười mấy tiếng. Ở đâu có lãng phí ở đó ít thông minh rồi."

Theo anh Mạnh, chi phí logistics cao ở Việt Nam là lý do gần đầy nhiều tập đoàn lớn liên tục đầu tư vào nước ta: 

"Vì người ta nhìn thấy vấn đề. Chúng ta đang có tốn khoảng 20% GDP mỗi năm dành cho logistics. Giao thông Việt Nam có quá nhiều vấn đề. Chúng ta phải chọn một vấn đề nào đó trong chằng chịt vấn đề để giải quyết."

Anh Nguyễn Thành Nam cho biết: "Những năm gần đây có sự nổi lên của các công ty như Uber, Grab. Nhưng đó chỉ là một ngách nhỏ trong nhu cầu đi lại được online hóa, thông minh hóa." 

Theo CEO Dichung, toàn thị trường giao thông vẫn còn nhiều lĩnh vực khác "chưa thông minh:"

"Nhìn cả hai ngành: vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa, còn rất nhiều công đoạn chưa được online hóa."

Còn theo cách phân chia của anh Nguyễn Bá Mạnh, ngoài phân khúc matching đi ngay (kết nối tài xế và khách đi ngay) mà Grab đang thống lĩnh, thì còn các phân khúc tiềm năng khác như xe không đi ngay (ví dụ xe hợp đồng), hay xe tuyến đi cố định.

"Vẫn còn đầy rẫy những câu kêu la của hành khách: không có chỗ ngồi, chen lấn xô đẩy... Thị trường còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, hãy tập trung vào đó," CEO Anvui nói. 

Làm sao để thắng?

Anh Mạnh nhận định về thị trường ứng dụng gọi xe đi trong thành phố mà Grab đang gần như độc quyền: "Đương nhiên thị trường lớn lên thì doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội. Nhưng không thể thấy người khác ăn khoai vác mai đi đào được. Điều đầu tiên để tham gia vào thị trường chúng ta phải xác định rất rõ. Là thắng bằng phương pháp nào? Lấy cái gì ra để thắng?"

CEO An Vui giải thích về sự thành lập startup của mình: "Khi nhảy vào khởi nghiệp thì tôi thấy phân khúc 1 (matching đi ngay) không có cửa gì để thắng. Tiền không bằng, tất cả mọi thứ mình không bằng."

Theo anh, Anvui được ra đời vì lúc ấy phân khúc xe tuyến chạy cố định chưa được vận hành tối ưu. Các nhà xe liên tỉnh còn thiếu kinh nghiệm quản trị, điều hành. Từ đó, Anvui giúp các nhà xe có một phần mềm quản trị liên kết với nhau gồm: website, phần mềm bán vé, app cho lái phụ xe, app cho hành khách đặt vé...

"Rõ ràng có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực. Cơ hội đó nằm ở rất nhiều các phân khúc khác nhau," anh Mạnh nói.

Đừng chỉ lo cạnh tranh với Grab, giao thông Việt Nam còn chằng chịt vấn đề để các startup Việt giải quyết! - Ảnh 1.

Các khách mời tại hội thảo "Startup Việt làm giao thông thông minh, khó hay dễ?"

Anh Nguyễn Xuân Trường - CEO Ahamove thì nhận định: "Bản chất đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình là thị trường: thị trường truyền thống, bảo thủ, ngại thay đổi. Mình nên tập trung vào những vấn đề của thị trường thay vì tập trung vào đối thủ cạnh tranh."

Trên thực tế, tại Việt Nam đã có nhiều mô hình startup giao thông thông minh đạt được những kết quả nhất định. 

Ahamove - ứng dụng kết nối chủ shop và các shipper đã có quy mô chục nghìn tài xế mỗi tháng, và hàng chục nghìn chủ shop bán hàng online giao hàng qua Ahamove. Theo anh Trường, "nhờ tận dụng công nghệ mà hiện nay một shop có thể quản lý đến 50 shipper." 

Một ví dụ khác là Vexere, giải pháp giúp khách hàng mua vé, tìm hiểu thông tin của các hãng xe khách khác nhau.

Cũng có thể kể đến Giao hàng nhanh: "mạng lưới giao hàng khắp các tỉnh thành, giúp các thùng xe của các xe tải đầy cả chiều đi lẫn chiều về, từ đó giảm lãng phí nguyên liệu, giảm số lượng xe và cuối cùng giá của một đơn hàng, giá logistics giảm xuống," theo anh Nguyễn Xuân Trường. 

Startup Dichung của anh Nguyễn Thành Nam cũng đã tìm ra thị trường ngách là đi chung taxi ra sân bay: "Lúc đầu chỉ tập trung vào đúng một thị trường thôi là Nội Bài. Năm đầu tiên chúng tôi vật vã đúng một thị trường đó. Sau đó dần dần mở rộng ra, từ một hãng taxi thì giờ chúng tôi hợp tác với nhiều hãng khác nhau. Từ 1 sân bay, hiện tại Dichung đã cover được các sân bay trên cả nước. Và đang trong quá trình mở rộng ra vài sân bay trong các nước trong khu vực," anh Nguyễn Thành Nam cho hay. 

Theo anh Phan Bá Mạnh, các startup nên tìm đúng mảng mình mạnh nhất để làm. 

"Không phải doanh nghiệp to là có thể tham gia vào thị trường nhỏ. Cái này các startup hoàn toàn tự tin. Chỉ sợ rằng không tìm đúng cái khúc mà startup mạnh nhất để làm.

Trong thị trường có đối thủ và có cả cơ hội. Làm giao thông thông minh, khó hay dễ là tùy thuộc vào chúng ta," anh Mạnh kết luận. 

Hội thảo "Startup Việt làm giao thông thông minh, khó hay dễ?" nằm trong khuôn khổ cuộc thi AngelHack Hackathon do Innovatube tổ chức. Cuộc thi năm nay với chủ đề giao thông thông minh hướng tới thu hút những thí sinh yêu thích công nghệ tham gia ứng dụng các lĩnh vực công nghệ cao để giải quyết vấn đề giao thông tại Việt Nam.

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM