Đừng ảo tưởng vào top Google là bán được nhiều hàng khi kinh doanh online

17/03/2017 09:23 AM | Công nghệ

Một website lên top Google cao chưa chắc đã bán được nhiều hàng. Làm SEO không phải điều kiện sống còn của website mà cần phải có sự kết hợp của quảng cáo, PR, marketing để kéo khách hàng vào xem, đồng thời tối ưu trải nghiệm để khách đặt hàng thuận lợi.

Theo khảo sát về kết quả kinh doanh 2016 của nền tảng bán hàng online Bizweb trên 5000 chủ website khách hàng, có gần 40% số người tham gia khảo sát cho hay website mang lại hiệu quả tốt và họ tập trung đầu tư cho kênh bán hàng này.

Tuy nhiên, trên thực tế lại có không ít người kinh doanh thắc mắc giữa lúc người khác bán hàng trên website rất hiệu quả còn họ thì ngược lại.

Liên quan đến vấn đề này, CEO Bizweb Trần Trọng Tuyến cho rằng một website có cơ hội được khách hàng ghé thăm từ nhiều nguồn khác nhau như từ công cụ tìm kiếm, quảng cáo trang đích trực tiếp website... Không phải ngẫu nhiên mà một website lại có nhiều lượt truy cập, đặc biệt trong khi thương trường online như chiến trường với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.

Đó phải là sự đầu tư đúng mực và có chiến lược, bài bản. Theo khảo sát của Bizweb, trong số những shop đánh giá website mang lại hiệu quả tốt, có tới hơn 85% shop đầu tư làm SEO và cập nhật thông tin liên tục cho website, trong đó 39,6% là tự làm, 24,9% thuê dịch vụ SEO và 21,1% có nhân viên phụ trách riêng.

Ngược lại, với những shop đánh giá website bình thường hoặc không hiệu quả thì tỷ lệ này rất thấp. Ngân sách đầu tư cho tiếp thị của nhóm đánh giá hiệu quả website tốt trung bình ở mức 25 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, liệu có phải lên top Google đã là website tốt? Đối với người kinh doanh, điều quan trọng nhất đó chính là doanh thu. Dù cho là làm thương hiệu đi chăng nữa thì doanh thu vẫn là đích cuối cùng.

Một chuyên gia SEO cho hay một website lên top cao chưa chắc đã bán được nhiều hàng và ngược lại. SEO là điều kiện cộng hưởng quan trọng chứ không phải điều kiện sống còn của website. Đi đôi với website phải là quảng cáo, PR, marketing để kéo khách hàng vào xem và tối ưu trải nghiệm dẫn đến hành vi đặt hàng.

Nhiều chủ cửa hàng lầm tưởng rằng SEO lên top được đồng nghĩa với việc bán hàng tốt, trong khi họ lại chưa coi trọng yếu tố cốt lõi đó là nội dung website và trải nghiệm UI-UX (giao diện người dùng - trải nghiệm người dùng) trên wesite.

Hiếm khi khách hàng nghĩ đến việc đặt hàng trên một website khi họ chưa nắm được đầy đủ thông tin về sản phẩm, về cửa hàng cùng sự đảm bảo. Và điều quan trọng nữa đó là trải nghiệm trên website có tốt, khách hàng mới thích thú lướt web mua hàng.

Tính riêng trải nghiệm tại trang thanh toán, theo thống kê của Baymard, tỷ lệ rời bỏ giỏ hàng trung bình ở mức 68,53%, tức là cứ 100 khách hàng truy cập lại có gần 70 người bỏ dở việc thanh toán.

Do đó, đừng bao giờ coi nhẹ trải nghiệm của khách hàng ở trang này bằng cách tối ưu quá trình đặt hàng, thanh toán bằng quy trình càng đơn giản, dễ dàng càng tốt.

Có không ít website cho phép khách hàng mua nhiều sản phẩm trên một đơn hàng nhưng không cho hủy từng mặt hàng, khách chỉ có cách hủy toàn bộ đơn hàng và nhập lại. Riêng trải nghiệm tồi tệ này đã làm gia tăng tỷ rời bỏ giỏ hàng và không hoàn tất thanh toán đơn hàng.

Đã đầu tư làm website nhưng có không ít chủ website không dành tâm trí và nguồn lực để chăm chút, phát triển. Vì thế cần học hỏi thêm những kiến thức, kỹ năng để vận hành tốt nhất website của mình, ngoài ra có thể tham khảo những trang web Việt cung cấp kiến thức về làm web như blog.bizweb.vn, congdongisocial.com…

Theo Phan Minh

Cùng chuyên mục
XEM