Phó Chủ tịch cấp cao của Xiaomi trả lời câu hỏi: Tại sao các anh bán điện thoại cấu hình tốt cho người Việt mà giá vẫn rẻ?

17/03/2017 09:05 AM | Công nghệ

Cần nhấn mạnh, thành công của Xiaomi đến từ xu hướng TMĐT đang bùng nổ tại thị trường Trung Quốc - nơi mà thói quen mua sắm online của người tiêu dùng đã được hình thành. Còn như tại Việt Nam, giao dịch online chỉ chiếm khoảng 10% của thị trường bán lẻ truyền thống, đủ để thấy Xiaomi buộc phải chuyển mình nếu muốn "làm ăn" tại nước ta.

Trả lời câu hỏi: "Tại sao các anh bán điện thoại cấu hình tốt cho người Việt mà giá vẫn rẻ?" trong buổi họp báo tại TP. HCM vừa qua, ông Wang Xiang - Phó Chủ tịch cấp cao của Xiaomi cho biết:

"Ngay từ những ngày đầu thành lập, tầm nhìn cũng như phương hướng phát triển của Xiaomi đó là ưu tiên trải nghiệm người dùng. Mà muốn người dùng trải nghiệm được thì điện thoại Xiaomi giá trước hết phải rẻ.

Giá rẻ rồi, người dùng trải nghiệm rồi, thì phải giữ chân họ bằng cách kết hợp thêm nhiều công nghệ sáng tạo, nâng cao kĩ thuật sản xuất, và nghĩ ra thêm nhiều ý tưởng kinh doanh. Có như vậy, sản phẩm của Xiaomi tung ra thị trường mới có giá tốt, chất lượng tốt".

Trên thực tế, không riêng gì thị trường Việt Nam, mà tại hầu hết các quốc gia có dấu chân của Xiaomi, công ty này đều thực hiện chung một chiến lược đó là: "Bán smartphone cao cấp với giá bình dân".

Và cũng chính chiến lược này đã đưa Xiaomi lên ngôi vị nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới.

Có thể hiểu chiến lược bán điện thoại cấu hình tốt, nhưng giá vẫn rẻ của Xiaomi như sau.

Giá thành của sản phẩm được xác định bởi nhiều yếu tố như: thương hiệu, marketing, vị thế trên thương trường và điều quan trọng hơn tất cả: quy luật cung cầu.

Ví dụ, nếu bạn muốn để giá sản phẩm của mình với giá cao (như Apple chẳng hạn), sản phẩm đó phải có một điểm độc đáo mà trước đó chưa từng xuất hiện. Sau đó bạn sẽ phải cố gắng bán với giá cao càng nhanh càng tốt, trước khi điểm độc đáo hay công nghệ tiên tiến trong sản phẩm của bạn tràn lan trên thị trường.

Ngoài ra khi thiết lập giá bán cho một sản phẩm, các nhà sản xuất luôn muốn có mức lợi nhuận từ 60-100% giá thành sản xuất. Vì chi phí cho 1 sản phẩm không chỉ là tiền nguyên vật liệu, tiền công, mà còn cả tiền marketing, quảng cáo, định vị thương hiệu, thuê cửa hàng bán lẻ, trả tiền cho nhân viên...

Do đó, nếu một nhà sản xuất không phải mất chi phí cho các dịch vụ trên, bỏ qua khái niệm chuỗi cửa hàng bán lẻ mà thay vào đó là bán hàng trực tuyến, không phải lo lắng về chi phí kho bãi và phân phối, chắc chắn chi phí sẽ giảm. Đó chính là cách làm thế nào Xiaomi bán được điện thoại cao cấp của mình với giá rẻ như vậy!

"Chúng tôi là một công ty TMĐT. Chúng tôi đang sống trên Internet và bán những sản phẩm của mình qua gian hàng trực tuyến. Giá cả chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều vì giá trên TMĐT về cơ bản là chi phí sản xuất và vận chuyển mà thôi", ông Hugo Barra - cựu Phó chủ tịch Xiaomi từng khẳng định.

Nói cách khác, Xiaomi đã tránh xa các mô hình quảng cáo truyền thống và phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội cũng như truyền miệng. Đổi lại, chi phí cho quảng cáo trên mạng xã hội thấp hơn và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, Xiaomi cố gắng cắt giảm chi phí ở mọi giai đoạn. Không giống như các đối thủ lớn thường làm - ngừng sản xuất các model cũ chỉ sau 6 - 8 tháng ra mắt, Xiaomi duy trì sản xuất sản phẩm đó trong 18 - 20 tháng. Xiaomi tin vào định luật Moore: "Chi phí lắp ráp sẽ giảm theo thời gian, nhưng giá của điện thoại sẽ duy trì ổn định trong thời gian dài".

Bên cạnh đó, Xiaomi kiếm tiền không chỉ từ việc sản xuất và bán sản phẩm, mà nó còn đến từ việc bán các ứng dụng, trò chơi và các dịch vụ Internet - một chiến lược mà Xiaomi học hỏi từ người khổng lồ thương mại điện tử Amazon.

Nhưng không phải lúc nào chiến lược này cũng phù hợp

Cần nhấn mạnh, thành công của Xiaomi đến từ xu hướng TMĐT đang bùng nổ tại thị trường Trung Quốc - nơi mà thói quen mua sắm online của người tiêu dùng đã được hình thành.

Còn như tại Việt Nam, giao dịch online chỉ chiếm khoảng 10% của thị trường bán lẻ truyền thống, đủ để thấy Xiaomi buộc phải chuyển mình nếu muốn "làm ăn" tại nước ta.

Minh chứng là ngoài kênh bán hàng online là Lazada, thì trong sự kiện vừa qua, Digiworld - nhà phân phối độc quyền của Xiaomi tại Việt Nam còn tuyên bố triển khai thêm các kênh bán lẻ truyền thống như thegioididong, Mai Nguyen, hay Vin Pro...

Nói cách khác, phép vua phải thua lệ làng. Muốn "chơi" được ở Việt Nam, Xiaomi phải "chơi" theo cách của người Việt Nam.

Và điều này ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới doanh số của Xiaomi trong thời gian đầu, khi mà lợi nhuận trên mỗi sản phẩm của hãng vốn thấp, chiết khấu cũng không cao, dẫn tới tình trạng hệ thống bán lẻ sẽ không mấy "mặn mà" với thương hiệu điện thoại này. Bởi nếu quan sát kĩ các nhà bán lẻ của Xiaomi tại Việt Nam, chúng ta sẽ thấy thiếu đi một số tên tuổi có tiếng, như FPT Shop, CellphoneS, và một loạt các chuỗi bán lẻ cỡ vừa và nhỏ khác.

Diệp Vinh

Cùng chuyên mục
XEM