Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng vì sao “ông lớn” Starbucks chỉ mở thêm 6 cửa hàng trong năm 2020?

15/12/2020 09:59 AM | Kinh doanh

Trong năm 2020, Starbucks mới mở được 6 cửa hàng. Bên cạnh đó, kế hoạch mở 2 cửa hàng tại Nha Trang đang bị dừng lại. Để đối phó với dịch bệnh và phù hợp hơn với đặc thù của thị trường, Starbucks Việt Nam thậm chí còn phải xin công ty mẹ ‘đặc cách’ đồng ý cho họ mở một concept mới đầu tiên tại châu Á.

Concept cửa hàng mới của Starbucks Việt Nam tại Golden Mansion - Quận Phú Nhuận, TP. HCM.
Concept cửa hàng mới của Starbucks Việt Nam tại Golden Mansion - Quận Phú Nhuận, TP. HCM.

Trong năm nay, ở bất cứ cuộc đối thoại nào với giới truyền thông, bà Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam đều luôn ca ngợi không ngớt lời về việc ‘Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 như thế nào’. Sau khi so sánh với các nước láng giềng tại châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản, thì với Starbucks, Việt Nam quả là thiên đường. Rất ít cửa hàng Starbucks bị đóng cửa kể từ đầu năm. Thậm chí ở những thời điểm cả xã hội bị lock-down, chỉ Hà Nội cấm bán mang đi, còn tại TP. HCM, các cửa hàng F&B vẫn được phép bán mang đi.

Thế nên, về cơ bản thì các hoạt động kinh doanh bán hàng của Starbucks tại Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Họ chỉ bị hao hụt phần doanh thu từ du khách nước ngoài và các chuyên gia quốc tế - do 2 phân khúc khách hàng này vẫn chưa thể trở lại Việt Nam vì Covid-19. Mặc dù Starbucks có thêm một lượng khách người giàu, trung lưu Việt Nam không thể thường xuyên đi nước ngoài như trước kia, song chắc chắn là không thể bù lại được. Năm 2019, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế.

Và, mặc dù Starbucks không chia sẻ chính xác tỷ lệ khách quốc tế và chuyên gia nước ngoài trong cơ cấu phân khúc khách hàng của mình, nhưng theo quan sát của chúng tôi, con số sẽ không thấp. Nhất là với lượng lớn cửa hàng tập trung ở các khu vực trung tâm tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM - đặc biệt nữa là các cửa hàng tọa lạc ở các khách sạn hạng sang từ 4 đến 5 sao của họ

Có những nơi, thậm chí khách hàng liên quan đến yếu tố ngoại còn là khách hàng chủ lực của Starbucks, như ở Đà Nẵng và Nha Trang. Nguyên do khiến Starbucks hoãn kế hoạch ra mắt 2 cửa hàng tại Nha Trang trong năm 2020 là bởi lượng khách du lịch quốc tế vẫn chưa quay lại thành phố này.

Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng vì sao “ông lớn” Starbucks chỉ mở thêm 6 cửa hàng trong năm 2020? - Ảnh 1.

Status đăng tuyển nhân viên cho cửa hàng tại Nha Trang dự kiến mở cửa trong mùa hè trên fanpage của Starbucks Việt Nam đầu năm 2020.

"Starbucks không bao giờ ngừng phát triển, nhưng nhanh hay chậm thì tùy thuộc vào độ hồi phục của thị trường và nền kinh tế. Trong năm 2020, thật ra Starbucks đã có kế hoạch mở khá nhiều cửa hàng, nhưng với tình trạng Covid-19 như thế này, không ai dám chắc là mình có thể làm hết hoặc 50% kế hoạch đã đề ra. Có những đơn vị chỉ cầm cự và tồn tại, chứ không làm thêm gì trong năm 2020, nhưng Starbucks không thế.

Theo kế hoạch trước Covid-19, lúc này Starbucks đã có 2 cửa hàng tại Nha Trang. Tất nhiên, kế hoạch đã bị ‘thay đổi’, vì ngoài chuyện bị trở ngại bởi giãn cách xã hội, còn là tiềm năng khách du lịch đến Nha Trang không nhiều như trước. Chắc chắn, nếu mở tại Nha Trang thời điểm này, cơ hội kinh doanh sẽ không như trước kia. Còn nếu để khách du lịch quay lại như trước kia thì khi nào? Không ai có thể trả lời lúc này. Tuy nhiên, vào cuối năm, chúng tôi sẽ mở thêm cửa hàng", bà Patricia Marques đã giải thích cụ thể như thế trong buổi phỏng vấn với chúng tôi ở tháng 6/2020.

Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng vì sao “ông lớn” Starbucks chỉ mở thêm 6 cửa hàng trong năm 2020? - Ảnh 2.

Bà Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam

Thế nên, sở dĩ Starbucks chỉ mở có 6 cửa hàng kể từ đầu năm, nguyên nhân chính không phải bởi vì khó khăn trong việc xây dựng cửa hàng hay ‘ngăn sông cách chợ’ bởi lock-down, mà bởi lượng khách du lịch và chuyên gia nước ngoài chưa thể quay trở lại Việt Nam. 

Mặt khác, Covid-19 không những tác động lên tốc độ mở rộng thị trường của Starbucks Việt Nam mà còn ở concept cửa hàng. Covid-19 khiến nhiều thương hiệu F&B tại Việt Nam nhận ra rằng: đầu tư lớn để mở cửa hàng sẽ gánh chịu rất nhiều rủi ro về cả mặt logistics lẫn doanh thu. Do không ai đoán được khi nào thì Covid-19 quay lại và với cường độ yếu mạnh ra sao, nên tốt nhất là nên đầu tư nhẹ - ít tiền và quy mô nhỏ, xây nhanh – đưa vào vận hành nhanh, rủi ro ít.

Về tài lực, Starbucks không hề thiếu, song họ vẫn muốn giảm thiểu rủi ro xuống ở mức thấp nhất. Và đây có thể là nguyên do khiến Starbucks quyết định ra mắt một concept cửa hàng kiểu mới tại Việt Nam trong năm nay - ở tòa nhà Golden Mansion thuộc Quận Phú Nhuận – TP. HCM.

Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng vì sao “ông lớn” Starbucks chỉ mở thêm 6 cửa hàng trong năm 2020? - Ảnh 3.

Cửa hàng Starbucks trong tòa nhà Golden Mansion vừa khai trương giữa tháng 11/2020.

Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng vì sao “ông lớn” Starbucks chỉ mở thêm 6 cửa hàng trong năm 2020? - Ảnh 4.

Không gian cửa hàng này khá khác biệt với concept bình thường trước đó.

Theo bà Chi Nguyễn – Giám đốc PR-Marketing của Starbucks Việt Nam, thoạt trông cửa hàng mới này tại tòa nhà Golden Mansion chẳng khác gì các cửa hàng Starbucks khác ở Việt Nam, nhưng thật ra nó có rất nhiều khác biệt, về cả diện tích, menu và trải nghiệm khách hàng. Diện tích mặt bằng này khá nhỏ, nên nếu Starbucks thiết kế quầy bar như bình thường đã chiếm 1/2 diện tích cửa hàng và chẳng còn bao nhiêu chỗ cho khách hàng ngồi uống nước. Một vài cửa hàng trước đó của Starbucks tại Việt Nam đã lâm vào hoàn cảnh này.

Ngoài quầy bar đã được thu gọn đi nhiều lần, menu của cửa hàng Starbucks tại Golden Mansion cũng được thu gọn, ví dụ như chỉ còn 2 size cơ bản. Cửa hàng nhỏ tương đương với nhà kho không thể lớn, nếu bán đủ size như cửa hàng bình thường, nhà kho có thể không đủ chỗ chứa vật tư. Cửa hàng này cũng tăng cường thêm ghế ngồi cho khách ở không gian mở bên ngoài cửa hàng. Nói chung, mô hình mới này vừa tối ưu được không gian vừa rất thuận lợi cho việc bán hàng take-away.

"Chúng tôi đã thuyết phục rất lâu mới được Tập đoàn đồng ý cho phép mở concept này tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, mô hình kinh doanh này được Starbucks triển khai tại châu Á. Nhiều khách hàng Việt Nam đã quen với văn hóa thưởng thức của Starbucks có thể không thích mô hình này vì trải nghiệm khách hàng không tốt bằng mô hình bình thường trước đó, song concept này lại rất phù hợp tại Việt Nam, nơi số lượng mặt bằng trung bình và nhỏ chiếm đa số.

Trong vài năm tới, Starbucks sẽ nhân rộng nhiều hơn mô hình cửa hàng nhỏ này tại Việt Nam. Tôi đang rất hy vọng vào sự thành công của vaccin chống virus Corona trong năm nay. Nếu mọi chuyện đều tốt và đại dịch Covid-19 nhanh chấm dứt, năm 2021 sẽ là năm rất bận rộn với Starbucks Việt Nam; mặc dù tôi không thể nói cụ thể về lượng cửa hàng mà chúng tôi sẽ mở", Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam khẳng định.

Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng vì sao “ông lớn” Starbucks chỉ mở thêm 6 cửa hàng trong năm 2020? - Ảnh 5.

Cà phê Starbucks Reserve Vietnam Da Lat sẽ bán trong một số cửa hàng của Starbucks trên thế giới.

Ngoài giới thiệu về concept cửa hàng mới, Starbucks cũng vừa giới thiệu thêm sản phẩm cà phê Starbucks Reserve Vietnam Da Lat trong vụ mùa thứ 4. Lần gần nhất mà Starbucks giới thiệu dòng cà phê đến từ Việt Nam với toàn cầu là cách đây 2 năm.

"Không phải năm nào chúng tôi cũng thể có được cà phê Starbucks Reserve Vietnam Da Lat, bởi điều này phụ thuộc vào chất lượng mùa vụ năm đó. Cà phê Starbucks Reserve Vietnam Da Lat được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, số lượng ít nhưng chất lượng tuyệt hảo với những hương vị độc đáo riêng biệt. Năm này cà phê Starbucks Reserve Vietnam Da Lat mang đến mùi hương của lá nguyệt quế Hy Lạp xen lẫn hương vị kẹo bơ, chocolate và gia vị. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào có sự trở lại của cà phê Starbucks Reserve Vietnam Da Lat trong năm nay", bà Patricia Marques cho hay.

Hiện Starbucks có khoảng 30.000 cửa hàng trên toàn thế giới và là nhà rang – bán lẻ hàng đầu trong ngành cà phê đặc sản thế giới. Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2013 và tính đến tháng 12/2020, họ có 67 cửa hàng ở 4 tỉnh thành Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM