Dù khóc thương cho bác xe ôm truyền thống, chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế những kẻ hủy diệt như Grab sớm hay muộn cũng xuất hiện

07/03/2017 14:45 PM | Kinh tế vĩ mô

"Làn sóng công nghệ đang cổ vũ những thứ mới mẻ và đào thải những thứ cũ kỹ, qua đó làm thay đổi bộ mặt thế giới với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết". Câu chuyện của Grab quy tụ hàng nghìn lái xe tại nhà thi đấu Nguyễn Du vì thế cũng dường như chẳng có gì lạ

Mới đây, một “đại hội võ lâm” quy tụ vài nghìn anh em lái xe, với hàng nghìn những chiếc áo đồng phục và mũ bảo hiểm màu xanh lá cây của Grab tại nhà thi đấu Nguyễn Du, Thành phố Hồ Chí Minh chính là minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định trên.

Được biết đến như một ứng dụng điện thoại để gọi xe (ô tô, xe máy hay gọi người vận chuyển), Grab dường như đang làm rất tốt công việc mà vốn trước đây dành cho các anh tài xế taxi đi ngoài đường, cho các bác xe ôm đứng chờ khách đầu ngõ hay cho cậu sinh viên đi làm shipper vào thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập.

Dù khóc thương cho bác xe ôm truyền thống, chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế những kẻ hủy diệt như Grab sớm hay muộn cũng xuất hiện - Ảnh 1.

"Anh tài" Grab có khắp mọi nơi

Giờ đây, ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục bóng áo xanh ghi dòng chữ Grab đứng chờ khách ở mỗi ngã tư hay đi trên mỗi nẻo đường của 2 thành phố lớn. Người ta ước tính số lượng tài xế, lái xe và người làm dịch vụ vận chuyển mà ứng dụng này đang cộng tác cùng phải lên đến hàng nghìn là ít.

Giữa sự phát triển đó của Grab, người ta đâu đó nghe được lời kêu cứu của những người làm xe ôm truyền thống: "Ế khách là chuyện bình thường rồi. Trước đây ngày nào cũng kiếm trung bình được vài ba trăm, chứ giờ chạy một ngày được hơn 100.000 đồng là mừng lắm rồi! Xe ôm tụi tui sắp hết thời rồi”

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra ở đây rằng liệu có phải rằng Grab đang đi quá nhanh, để rồi đại diện đến từ thế giới công nghệ này đã đang tước đi cơ hội mưu sinh của hàng triệu người đã mưu sinh bằng công việc chở khách, chở hàng từ hàng chục năm trước khi Grab ra đời như: tài xế taxi truyền thống, xe ôm truyền thống hay những shipper kiếm đơn hàng theo kiểu cũ.

Thế nhưng, các lý thuyết kinh tế thì dường như không nghĩ như vậy. Có một thuật ngữ trong kinh tế mang tên Creative Destruction (Sự hủy diệt mang tính sáng tạo), được Joseph Schumpeter đặt ra vào năm 1942.

Theo thuật ngữ này thì "quá trình biến đổi công nghiệp, liên tục cách mạng hóa cơ cấu kinh tế từ bên trong, liên tục phá hủy cái cũ, liên tục tạo ra cái mới".

Hiểu đơn giản là trong tiến trình phát triển của sự vật, sự việc sẽ luôn có việc một cái gì đó mới mẻ ra đời giết chết một cái cũ. Nhờ có sự "hủy diệt sáng tạo" này mà sự vật, sự việc đó sẽ tiến triển tích cực và nhanh chóng hơn.

Trong thế giới kinh doanh, thực ra câu chuyện như Grab được tạo ra, giống như một đại diện từ thế giới công nghệ mới sinh ra và cướp mất những công việc truyền thống không phải là gì hiếm gặp.

Chúng ta đã từng nghe đến thời kỳ mà công nghệ nhắn tin qua máy nhắn tin (pager) ở đỉnh cao. Thử hỏi vào lúc đó có mấy ai nghĩ đến ngày nó sẽ hoàn toàn biến mất và được thay thế bởi chiếc điện thoại di động, vừa có chức năng thoại vừa có thể nhắn tin tức thời.

Chúng ta từng nhờ đến Yahoo như một công cụ để tìm kiếm thông tin và để kết nối con người với con người tuyệt vời nhất thời điểm 10 năm trước.

Vào lúc đó mấy ai nghĩ rằng Yahoo rồi sẽ chẳng là gì so với Google trong chuyện tìm kiếm thông tin trên internet hay sẽ chẳng là gì so với Facebook trong việc đóng vai trò là công cụ làm con người gần nhau hơn.

Ngược lại, ở thời điểm này khi đã có Google và Facebook, nghĩ lại về Yahoo, dám cá là sẽ có đến hơn 90% số người được hỏi tỏ ra không quá ngạc nhiên nếu họ được thông báo ngày tàn của công cụ chat kinh điển này.

Còn rất, rất nhiều ví dụ tương tự như vậy trong thế giới kinh doanh nữa. Chưa nói đến yếu tố chủ quan là sự chậm đổi mới của thương hiệu cũ, không thể phủ nhận rằng trong một cách hiểu nào đó, sự lụi tàn của những thứ cũ kỹ là cần thiết để qua đó những công nghệ mới có quyền tồn tại ở thời kỳ đương thời. Đó là sự hủy diệt của những thứ cũ kỹ, những nó cần thiết, bởi lẽ nó tạo ra sự sáng tạo

Hãy chấp nhận cái chết của Yahoo vì nếu công cụ chat “xấu xí” này còn thống trị, chúng ta đâu thể kết nối với nhau bằng những công nghệ tối tân nhất hiện có của Facebook. Hãy chấp nhận cái chết của Kodak, vì nếu máy ảnh phim vẫn thống trị, làm sao chúng ta có công nghệ kỹ thuật số để chụp ảnh. Hãy chấp nhận cái chết của Motorola, Nokia, vì nếu điện thoại 12 nút hay điện thoại nắp gập còn thống trị, làm sao chúng ta có cơ hội sử dụng Iphone ?

Và như thế, hãy cứ chấp nhận sự ra đời của những ứng dụng gọi xe kiểu mới như Grab, hay Uber như một “sự hủy diệt tạo ra sáng tạo”, thay vì khóc thương cho taxi, xe ôm truyền thống.

Và thực tế, nếu đúng theo lý thuyết này thì cũng sẽ chẳng có ai chịu thiệt thòi trong “sự hủy diệt tạo ra sáng tạo” cả.

Nếu như những người taxi truyền thống, xe ôm truyền thống kia cũng chịu khó làm mới mình trong dòng chảy công nghệ, ví thử như chịu tham gia làm tài xế của Grab, Uber, học cách sử dụng ứng dụng và trở thành những tài xe, xe ôm thời đại mới, họ cũng sẽ là những người cưỡi trên con sóng công nghệ chứ không phải là người bị con sóng dìm xuống.

Với nhóm bảo thủ – những người lái taxi, xe ôm từ ngày xưa mà vẫn muốn giữ chữ “truyền thống” cho danh xưng mình – thì lý thuyết “sự hủy diệt sáng tạo” dường như không có kết luận gì cụ thể. Có thể, trong tương lai gần, đất sống của những con người này vẫn còn.

Những người già có lẽ vẫn sẽ quen với cung cách gọi xe ôm hay taxi truyền thống. Một anh xe ôm được một gia đình neo người thuê để đưa đón con cái họ vào các khung giờ cố định mỗi ngày sẽ vẫn được thuê. Một anh shipper “ruột” của một shop thời trang đến giao hàng cho khách vào những khung giờ cố định trong ngày vẫn sẽ có đất sống.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên và có sự hỗ trợ lập luận từ “sự hủy diệt mang tính sáng tạo”, sớm hay muộn thì công nghệ mới sẽ thay thế những con người này bằng một cách nào đó. Tốt hơn hết, mỗi người hãy cố gắng thay đổi để tích hợp với thế giới công nghệ đang thay đổi như vũ bão này.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM