Dù giới chuyên gia dự đoán bi quan thì đây là lý do để tin Chính phủ vẫn sẽ 'vững tay chèo' với mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Dù VEPR, MarketIntello có nhận định kinh tế không thể đạt mức tăng trưởng mục tiêu, Chính phủ vẫn cương quyết con số 6,7% phải đeo đuổi bằng được, phải thực hiện bằng được
Bức tranh kinh tế không mấy khả quan với mức tăng trưởng 5,1% quý I - thấp nhất trong 3 năm - làm một số người nghi ngại về mục tiêu 6,7%. Những nghi ngại đó lại được dấy lên khi mà nó trở thành dự đoán của các báo cáo kinh tế có uy tín tại thời điểm hiện tại.
Thế nhưng phía Chính phủ – những người đang trực tiếp thực hiện mục tiêu 6,7% lại không bi quan như vậy. Bằng chứng cho điều này là trong khoảng gần chục phút trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 4/5, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã đứng lên đăng đàn với báo chí về một mục tiêu mới cho 3 quý tới, cùng với những giải pháp để mục tiêu đó trở thành hiện thực. Ngắn gọn, súc tích nhưng mạnh mẽ như cách mà Chính phủ kiến tạo đã gây ấn tượng trong suốt thời gian qua. Có lẽ chúng ta nên hướng tầm mắt đến những điều lạc quan.
Những nhận định làm 'màu xám' của giới chuyên gia
Giới làm khoa học có vẻ như vẫn luôn có cái nhìn khắt khe hơn so với bình thường.
Nếu từng có cơ hội đi khắp các hội thảo công bố báo cáo kinh tế quý I vừa qua, người tham gia sẽ được nghe nhiều vị như Nguyễn Đức Thành, Võ Trí Thành, Đinh Tuấn Minh… nhận định nhiều, nói cũng nhiều, nhưng tựu chung lại, họ đều có một thông điệp rằng: “Mục tiêu 6,7% năm nay sẽ thất thủ”!!!
Cụ thể, hôm 10/4 là ngày diễn ra của buổi công bố báo của Viên Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Ở đây, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã cho rằng tăng trưởng năm 2017 sẽ rất khó mà đạt được.
VEPR dự đoán kinh tế Việt Nam quý II sẽ tăng trưởng 5,7%, quý III tăng 6,5%, quý IV tăng 6,6% và qua đó cả năm chỉ tăng 6,1%. Mức tăng dự đoán kém tới 6 điểm phần trăm so với mục tiêu của Quốc hội.
Cũng chỉ một tuần sau, Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello, với những phân tích của chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng ra báo cáo riêng của mình.
Tất cả các mức dự đoán tăng trưởng ở 3 quý tới đều được MarketIntello hạ thấp xuống so với dự đoán cũ của công ty này: Quý II tăng trưởng 5,35%, quý III tăng trưởng 5,8% và cả năm 2017 sẽ là mức tăng trưởng 6,1%.
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều các báo cáo, các nhận định chuyên gia đã đưa ra kịch bản tăng trưởng không mấy sáng sủa cho Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây mới là những đánh giá từ con mắt của giới khoa học, trong khi tăng trưởng sẽ diễn biến ra sao thì phụ thuộc hoàn toàn vào những người thực hiện nó.
Nhưng Chính phủ vẫn sẽ 'vững tay chèo lái'!
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, bỏ qua những dự đoán thận trọng của giới chuyên gia, Chính phủ khẳng định rằng mục tiêu 6,7% sẽ được theo đến cùng, phải được thực hiện đến cùng, bởi lẽ đây chính là chìa khóa để cả nền kinh tế Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng bền vững đã được đặt ra.
“Việc đạt được mục tiêu này sẽ đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế đạt được sự cân đối vĩ mô, kể cả trong các vấn đề về đảm bảo Ngân sách Nhà nước, đảm bảo nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, đảm bảo về mặt việc làm, đời sống người dân", Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ 2016 – 2021, do chúng ta đã có một năm đầu tiên tăng trưởng không mong đợi (2016) nên với năm 2017 này, tăng trưởng mức 6,7% sẽ là điều tiên quyết giúp các năm tiếp theo trong cả giai đoạn đạt mức tăng trưởng bền vững, giúp cả nhiệm kỳ 2016 – 2020 đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7%.
(MarketIntello không công bố dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào quý IV/2017)
Nói như vậy để thấy dù rằng có nhiều thông tin dự đoán không mấy lạc quan, Chính phủ hiện tại vẫn rất cương quyết với những gì mình đã vạch ra. Một cách tự tin và cụ thể, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt thẳng một mục tiêu mới cho 3 quý tới: Quý II tăng trưởng 6,26%, quý III tăng 7,29%, quý IV tăng 7,49%. Qua đó, trung bình 3 quý còn lại sẽ tăng 7,1%, giúp mục tiêu 6,7% thành hiện thực.
So với những dự đoán của VEPR hay MarketIntello ở trên, mức mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt ra cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải sự viễn vông mà trái lại, điều này đã chứng minh những quyết tâm sẽ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn mà Chính phủ kiến tạo chắc chắn sẽ thực hiện trong 3 quý tới.
Và đây là những lý lẽ của Chính phủ
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã giao trọng trách cho hàng loạt Bộ, ngành. Cụ thể:
Trước hết, Bộ Công Thương sẽ được giao nhiệm vụ tăng cường khai thác thêm dầu thô (1 triệu tấn dầu). Còn nhớ, quý I sản lượng khai thác dầu thô giảm tới 14% và đây chính là một phần nguyên nhân làm tăng trưởng quý I thấp, bởi lẽ theo lời ông Mai Tiến Dũng thì "đây là lĩnh vực rất quan trọng, đảm bảo cho tăng trưởng của cả nền kinh tế".
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này được yêu cầu cùng với Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm theo từng tháng, từng quý và cả năm 2017 để xem sản phẩm nào, lĩnh vực nào có dư địa tốt để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, đồng thời phải dự báo tình hình tăng trưởng cho từng ngành, từng sản phẩm.
Còn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ này thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tái cấu trúc ngành, sản phẩm để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế thấp nhất hậu quả của thiên tai, với mục tiêu đạt phương án tăng trưởng cao nhất có thể.