Dù có thiếu bạn tri kỷ cũng đừng dại làm bạn với cấp dưới!
Nếu anh muốn nhảy việc, anh có nói chuyện này với một người vừa là bạn vừa là cấp trên của anh không?
Bạn muốn làm bạn với cấp dưới của mình không? Làm bạn với những người hàng ngày làm việc cùng nhau không phải là lựa chọn tốt. Tuy điều này mang lại lòng trung thành và cảm giác an toàn cho bạn, nhưng một khi phiền muộn xuất hiện, bạn có thể mất đi thứ quý giá hơn. Đó là quyền lực và sự kính nể.
Tình bạn thể hiện một mối quan hệ trong sáng, thuần khiết, phát triển tự nhiên, không phân biệt đẳng cấp chức vụ. Tình bạn chỉ có sự thẳng thắn, chân thành trong tư tưởng và tình cảm, có thể kiểm soát được sự thân sơ. Còn giữa cấp trên và cấp dưới, vừa có sự phân biệt chức vụ cao thấp, lại vừa có những mưu tính lợi ích riêng. Một bên coi trọng hiệu quả và lợi ích, một bên nặng vấn đề lương thưởng. Vai trò và mối quan hệ đã đẩy họ thành người có bộ mặt khác nhau. Nếu cứ gộp mối quan hệ 2 tầng làm một, chắc chắn bạn sẽ rơi vào hoàn cảnh khó xử, việc đơn giản cũng trở thành phức tạp, khó giải quyết.
Có trưởng phòng của một công ty kỹ thuật từng giải bày với vẻ khó hiểu:
- Hiện giờ tôi đang bị buộc phải trả giá cho thứ tính cảm “anh em” đó. Nhân viên coi mệnh lệnh của tôi là một lời “đề nghị”, không ai có thái độ buộc phải thực hiện. Tôi không còn cách nào trở về vị trí lãnh đạo để đưa ra mệnh lệnh và hối thúc họ. Đôi khi, tôi còn cảm thấy hổ thẹn vì trở mặt, trách mắng cấp dưới. Chẳng lẽ lãnh đạo và nhân viên thực sự không thể trở thành bạn sao?
Hiện A đang là trưởng phòng, trong số nhân viên của A, có một nhân viên kỹ thuật dưới quyền từng là bạn đồng môn. A nhận ra rằng có nhiều chuyện trước đây hai người vẫn thường xuyên trao đổi, bàn luận với nhau, nhưng đến nay bạn lại không nói với mình nữa. Nghĩ đến mối quan hệ đồng môn bao năm, A hỏi cậu ta vì sao lại như vậy. Người bạn thẳng thắn nói: Ví dụ như nếu anh muốn nhảy việc, anh có nói chuyện này với một người vừa là bạn vừa là cấp trên của anh không?
Ở chốn công sở, nhất là trong một bộ phận hoặc ngành nghề đặc biệt, có quan hệ nhân sự căng thẳng, mối quan hệ càng đơn giản càng có lợi. Không nên để những mối quan hệ chồng chéo, đan xen nhau, nếu không bạn sẽ không thể gánh vác nổi khi có rạn nứt xuất hiện.
Nếu nhân viên quá thân cận với cấp trên thì họ cũng có thể trở thành người không được đồng nghiệp trong phòng chào đón.
Hồi trước, tôi có làm ở một công ty quảng cáo. Lúc đó, có một nhân viên mới vào công ty nhưng rất tùy tiện ra vào phòng làm việc của trưởng phòng. Dường như anh ta có mối quan hệ không bình thường với người quản lý. Hơn nữa, anh ta rất ít khi chủ động chào hỏi người khác. Từ khi xuất hiện tình trạng này, các nhân viên bắt đầu lén lút bàn tán và nhắc nhở nhau:
- Này, từ sau chúng ta làm việc hay nói chuyện, phải chú ý hơn một chút.
- Anh ta là người được trưởng phòng cử xuống giám sát chúng ta đấy. Ôi, thật không ngờ, ông ta lại là người như thế.
Mọi người bàn tán xôn xao như vậy. Chuyện xảy ra sau đó thì bạn biết rồi đấy. Dù chỉ là nhân viên bình thường, họ cũng thích đơm đặt, đoán mò rồi còn thường xuyên đưa ra những lời bình luận không đáng tin cậy, nhưng có sức sát thương cấp trên cực lớn.
Anh ta luôn là người được sếp tin tưởng, được dùng xe của sếp để đi công chuyện, được làm chủ xị cho hội nghị các phòng ban, được quyền phân công nhiệm vụ, nghe báo cáo… Không ai biết rõ giới hạn quyền lực của anh ta, nhưng một điều chắc chắn, anh ta là người bạn luôn theo sát sếp, nên phải giữ khoảng cách với anh ta.
Vậy nếu bạn đang lãnh đạo một công ty hoặc bộ phận, trước hết, bạn luôn phải nhớ:
Thứ nhất, nếu bạn cần một trợ lý, quyết không được coi anh ta là bạn của mình. Mối quan hệ quá thân thiết của hai người không những làm hại anh ta mà còn hủy hoại hình tượng của bạn.
Thứ hai, nếu cấp trên của bạn thường xuyên mời riêng bạn đi uống cà phê. Nếu việc này đã bị đồng nghiệp phát hiện, bạn hãy nhanh chóng chấm dứt mối quan hệ này. Khi cần thiết bạn có thể từ chức.
* Nội dung trích trong cuốn “Thuật tẩy não” của tác giả Cao Đức.