Dự án tỷ đô “chặt khúc” sông Hồng: Có đáng mạo hiểm đánh đổi?
“Có nên hy sinh sông Hồng – con sông huyết mạch, nguồn sống của vựa lúa miền Bắc để đổi lấy dự án tỷ đô, trong khi hệ lụy nhãn tiền tác động tới môi trường có thể nhìn thấy?”.
Câu hỏi này được Giáo sư – Viện sĩ Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực nêu lên khi chia sẻ với Infonet về tính khả thi của dự án tỷ đô dọc sông Hồng đang gây xôn xao dư luận.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng. Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành, do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT), đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.
Chia sẻ góc nhìn về dự án tỷ đô dọc sông Hồng của bầu Thụy, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long –Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho rằng, đã có nhiều bài học đắt giá khi cho phép xây dựng ồ ạt các nhà máy thủy điện, như tại vùng đồng bằng song Cửu Long khiến môi trường bị hủy hoại, hàng triệu người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng…
Chưa kể với dự án này, việc xây dựng 5-7 nhà máy điện công suất vài trăm MW không có tác động gì nhiều tới cân bằng nguồn điện của Việt Nam, trong khi chúng ta hoàn toàn có phương án thay thế tốt hơn.
“Những rắc rối mà nó gây ra còn lớn hơn lợi ích trước mắt, đặc biệt cả vùng đồng bằng Bắc bộ rộng lớn sống “nhờ” cả vào sông Hồng” – ông Trần Đình Long nêu quan điểm.
Theo ông Long, sông Hồng là huyết mạch sống chính của cả vùng đồng bằng sông Hồng rộng lớn, vì thế khi nghiên cứu tính khả thi dự án phải rất lưu ý tới đặc điểm này.
Thêm nữa, tất cả các đập thủy điện khi xây dựng ít nhiều sẽ có những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh.
Chưa kể việc xây dựng, nạo vét dòng sông sẽ khiến lòng sông Hồng bị tụt xuống, khi đó nước biển sẽ xâm lấn và xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra ở các tỉnh, vùng đồng bằng trũng phía dưới như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình….
Vị chuyên gia tiếp lời, “muốn triển khai dự án này phải có nghiên cứu, báo cáo chi tiết tác động môi trường, hiệu quả kinh tế… chứ không thể cứ nói muốn xây là xây, rồi lại ngụy biện hoặc chọn phát triển thủy điện, hoặc chọn môi trường, giống như câu chuyện cá chết đồng loạt ở miền Trung vừa qua”. Ở khía cạnh này, ông Long nhấn mạnh, trách nhiệm nặng nề của các cơ quan quản lý Nhà nước khi thẩm định hồ sơ của dự án.
“Báo cáo thẩm định dự án này phải nêu ra toàn diện và tính toán cả tới những tác động về môi trường, sinh thái, sản xuất nông nghiệp, thuỷ lợi, rồi ảnh hưởng tới khu vực hạ du … Báo cáo phải được làm “tử tế” chứ không thể qua loạ. Làm không đến nơi đến chốn, cái lợi chúng ta có được từ dự án rất ít mà tác hại và hệ lụy của nó cho thế hệ sau gánh chịu lại quá lớn” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực lưu ý.
Riêng về hình thức đầu tư của dự án là BOO, Giáo sư Trần Đình Long cũng cho rằng, “quá mạo hiểm”. Theo phân tích của Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực thì, hình thức đầu tư BOO là xây dựng, sở hữu và vận hành vĩnh viễn. Đặc thù những dự án có lien quan tới dân sinh, môi trường sinh thái, vị chuyên gia này cho rằng, phải rất hạn chế thậm chí không nên cho phép đầu tư theo hình thức này.
Với tham vọng của dự án tỷ đô được công ty con của bầu Thụy “vẽ” ra nhằm tạo thành tuyến đường xuyên Á, tăng khả năng giao thương hàng hóa với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Giáo sư Trần Đình Long cũng đặt câu hỏi về “vùng trũng” của giao thương đường thủy khi việc kiểm soát buôn lậu hàng hóa khi vận chuyển qua đường thủy cao và khó đối phó hơn nhiều so với đường sắt, đường bộ…
“Giao thương với Trung Quốc phải tính tới nhiều phương án như đường sắt, đường bộ, chứ đường thủy cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Chưa kể nếu phát sinh tình trạng buôn lậu hàng hóa liệu có ngăn chặn nổi? Chúng ta xây dựng dự án này nhằm khai thác thủy điện nhưng có đáng đánh đổi, “chặt khúc” cả một dòng sông lớn, huyết mạch của cả một vùng, hy sinh vựa lúa để đánh đổi lấy dự án tỷ đô của một doanh nghiệp tư nhân, thì có đáng đánh đổi hay không?”- Giáo sư Long đăt câu hỏi.