Băn khoăn về ‘siêu dự án thủy điện’ trên sông Hồng

05/05/2016 12:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Chủ đầu tư đề xuất xây tới sáu nhà máy thủy điện song song với phát triển giao thông thủy trên con sông này.

Tập đoàn Xuân Thành đề xuất siêu dự án 24.500 tỉ đồng trên sông Hồng Thủy điện trên sông Mekong lợi ít, hại nhiều Bộ TN&MT phạt thủy điện Đắk Mi 810 triệu đồng Lúa chết khô, thủy điện vẫn không 'chịu' xả nước

Bộ KH&ĐT vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện (Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất với tổng vốn đầu tư hơn 24.500 tỉ đồng.

Nhiều bộ, ngành ủng hộ

Theo đơn vị đề xuất, dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối hai tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỉ kWh/năm.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ xây dựng sáu đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng sáu nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW (mỗi nhà máy thủy điện khoảng hơn 30 MW); xây dựng bảy cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 24.510 tỉ đồng. Trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.

Nguồn thu chính của dự án gồm phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì - Yên Bái thu từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000-45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên 3.560 đồng/kWh)… Dự án dự kiến hoàn vốn trong 25 năm.

Theo tìm hiểu của PV, dự án nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ, ngành liên quan. Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Bộ TN&MT thống nhất chủ trương cần thiết của dự án và đề nghị bổ sung làm rõ nhu cầu sử dụng đất của dự án để tổng hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đánh giá chi tiết tác động đến tài nguyên nước, thay đổi dòng chảy.


Dự án vận tải thủy và thủy điện trên sông Hồng còn nhiều hệ lụy chưa tính hết. Ảnh: H T Nga.

Dự án vận tải thủy và thủy điện trên sông Hồng còn nhiều hệ lụy chưa tính hết. Ảnh: H T Nga.

Nhưng cũng không ít lo ngại

Tuy đa phần các bộ, ngành ủng hộ chủ trương dự án nhưng một số bộ cũng lưu ý đến đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, Bộ NN&PTNT cho rằng chủ đầu tư mới chỉ gửi báo cáo đề xuất dự án, chưa có các nội dung đánh giá tác động đến hệ thống đê điều cũng như mất cân bằng bùn cát vùng hạ du, mất đất vùng nông nghiệp và nguồn nước…

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng đây là công trình yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt nên việc kết hợp giữa giao thông thủy và thủy điện cần đánh giá tác động kỹ.

Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư mà chủ đầu tư đưa ra chỉ tính sơ bộ. Nếu Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ đầu tư cần rà soát chuẩn xác tổng số vốn và hiệu quả dự án. Bộ Tài chính cũng cho rằng chủ đầu tư sẽ có nguy cơ không bán được điện do không cạnh tranh được về giá.

Bởi theo quy hoạch điện quốc gia, giai đoạn 2020-2030 sẽ thay đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng thủy điện giảm dần, tăng nhiệt điện và năng lượng tái tạo. Giá điện sẽ tiến tới vận hành theo cơ chế cạnh tranh nên không thể có cơ chế hỗ trợ giá điện cho doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng thì cho biết các nhà máy thủy điện của dự án chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2011-2020. Việc kết hợp đa dự án gồm âu tàu, thủy điện sẽ tác động lớn dòng chảy, hệ sinh thái bên bờ sông Hồng, ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi và tiêu thoát lũ…

Chủ đầu tư xin hàng loạt ưu đãi

Theo báo cáo đề xuất, nếu được chấp thuận dự án sẽ triển khai trong sáu năm (2016-2021). Trong đó giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng các công trình nạo vét sông, nâng cấp biển báo hiệu đường thủy, xây dựng hệ thống cảng; thành lập các trạm thu phí hoặc kết hợp với các đơn vị quản lý cảng vụ để khai thác dự án theo hợp đồng.

Về đánh giá tác động vùng ảnh hưởng, có 31 xã nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp do các công trình đập dâng nước, âu tàu và thủy điện. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng 120 ha, trong đó đất nông nghiệp 96 ha.

Đặc biệt, để triển khai dự án, chủ đầu tư đã xin hàng loạt ưu đãi như hỗ trợ giá bán điện; có lộ trình tăng giá điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy; miễn thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trường rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp đến khi hoàn vốn…

Theo TRÀ PHƯƠNG

Cùng chuyên mục
XEM