Bộ Kế hoạch Đầu tư: Dự án tỷ đô trên sông Hồng "chắc chắn tác động đến môi trường"
Tuy nhiên, ảnh hưởng như thế nào, trong quá trình thực hiện như nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện, các âu tàu phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết...
Đó là thông tin được ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra chiều ngày 5/5.
Trả lời câu hỏi: Vừa qua, doanh nghiệp Xuân Thiện tại Ninh Bình có đề xuất xây dựng các công trình, 6 thủy điện trên sông Hồng khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ và các bộ, ngành về vấn đề này?
Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Tự cho hay: Dự án này ở bước rất sơ khai, mới chỉ là đề xuất ban đầu.
Tuy nhiên, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ KH&ĐT đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Mặc dù một số ý kiến có sự đồng thuận khá cao của các bộ, ngành, địa phương, nhưng đây mới chỉ là ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án.
Đánh giá về tác động của dự án tới môi trường, ông Tự nói: "Chúng tôi nhận thấy dự án chắc chắn có tác động đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào, trong quá trình thực hiện như nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện, các âu tàu… phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định báo cáo này".
Hiện tại, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã bước đầu báo cáo Chính phủ. Dự án này kéo dài từ Lào Cai suốt dọc sông như vậy, ảnh hưởng khá nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng.
"Đặc biệt, cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… Tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ", ông Tự nói.
Cũng theo ông Tự, muốn đầu tư dự án, còn phải qua ít nhất 2 bước nữa. Trước hết là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án.
Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư.
"Với các nhà đầu tư, chúng ta rất khuyến khích các đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là anh được lựa chọn làm nhà đầu tư. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Nghị định 15 về PPP", ông Tự khẳng định.
Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng.
Chủ đầu tư là Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.
Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng…
Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.
Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á nêu trên dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định).
Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thuỷ điện cấp II kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm.
Mặc dù chỉ là ý tưởng nhưng dự án đang gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về tính khả thi, hiệu quả kinh tế, tác động môi trường...