Đồng nghiệp suốt ngày khoe lối sống thông minh, biết làm "tiền đẻ ra tiền" nên mua nhà ở tuổi 26: Sự thực ngã ngửa sau cú điện thoại
Bên cạnh sự an yên, nhiều người lại thích tạo ra vỏ bọc hoàng nhoáng, gắn một cái mác ''thông minh'' bên ngoài để sẵn sàng bước một chân vào vòng cuốn drama công sở.
Mua nhà là điều ao ước của bất cứ ai, nhất là với những người dân tỉnh lẻ đến Hà Nội sinh sống và làm việc. Ở độ tuổi 26, khi tôi vẫn đang chật vật trong cuồng quay cơm-áo-gạo-tiền, cố gắng dành dụm để có tiền gửi về quê thì H. cô bạn thân của tôi và cũng là đồng nghiệp ở cơ quan đã hạnh phúc chào đón căn nhà của riêng mình.
Theo lời kể của H., để có tiền mua được nhà thì cô đã phải cố gắng chi tiêu tiết kiệm và nhận thêm nhiều công việc khác để có thêm thu nhập ngoài tiền lương chính.
Cụ thể, tiền sinh hoạt phí của H. gói gọn từ 5-6 triệu hàng tháng. Trong đó tiền thuê nhà, điện nước 1 triệu đồng/tháng, tiền ăn 2.5 triệu đồng/tháng, tiền xăng xe, sinh nhật, cưới hỏi, quần áo, đi chơi và các chi phí khác khoảng 1.5-2.5 triệu đồng.
Cuộc sống sang chảnh, hay đi du lịch của cô bạn khiến mọi người ngưỡng mộ
Nghe đến đây, tôi hơi bất ngờ. Bởi H. tuy không có vẻ ngoài quá hào nhoáng nhưng cũng rất chăm mua sắm quần áo, giày dép và mỹ phẩm. Cô ấy cũng rất chụp ảnh check-in du lịch dù cô ấy nói đó chỉ là du lịch bụi, chi phí chẳng mất bao nhiêu.
Đặc biệt, mức tiền thuê nhà và điện nước là quá thấp so với thực tế. Không thể phủ nhận ở Hà Nội có rất nhiều phòng cho thuê giá rẻ nhưng với những tấm hình H. khoe trên mạng xã hội Facebook thì không gian mà cậu ấy ở rất khang trang.
Giải thích về điều này, H. cho biết đã bỏ tiền thuê cả một căn nhà gồm 4 phòng ngủ. Sau đó, cho các bạn sinh viên thuê lại để lấy tiền chênh lệch, bù trừ vào tiền phòng của mình.
Dù không biết tính xác thực trong lời nói của H. được bao phần. Song, tôi và mọi người trong cơ quan đều bày tỏ sự ngưỡng mộ rất lớn với cô bạn. Tôi thầm ao ước, giá mình có thể nhạy bén hơn, thông minh hơn và biết cách kinh doanh hơn thì có lẽ sẽ mua được nhà như H. chăng.
Tôi còn bày tỏ mong muốn được mang sách vở sang nhà cậu ấy học bí quyết, mong nhận được ‘’giáo huấn’’ để ngày một phát triển hơn. Giống như người xưa thường dạy, "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng’’.
Thế nhưng, ông bà ta cũng lại có câu "Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra", để ám chỉ những điều dối trá dù có được chuẩn bị kỹ càng đến đâu sẽ có lúc lộ ra ngoài.
1 tuần trước ngày hẹn sang nhà H. ăn tân gia, tôi chờ thang máy quá lâu nên quyết định đi bằng cầu thang bộ thoát hiểm. Khi lên gần đến nơi, tôi bất ngờ thấy H. đang nói chuyện điện thoại.
- Sao đến giờ bố còn chưa đưa hết tiền cho mẹ là sao? Tòa giải quyết xong rồi mà
- 1 tuần nữa con mời cơ quan đến rồi, mẹ muốn làm sao thì làm. Đừng để con mất mặt với mọi người.
Căn nhà đẹp đẽ cũng chỉ là vỏ bọc cho lời nói dối hoàn hảo
Sau đó, H. bực tức đi vào và không hề biết tôi đã nghe được một phần câu chuyện. Bán tín bán nghi, tôi bắt đầu rò la hỏi về gia cảnh nhà H. thì tá hỏa được biết, căn nhà mới mà H. khoe tự mua thực ra là được mua bằng tiền chia tài sản sau ly hôn của bố mẹ.
Nghe đâu bố H. ngoại tình và lấy vợ mới, căn nhà cũ ở quê được đem bán rồi chia cho mỗi người một nửa. Mẹ H. quyết định lấy tiền tạu một căn chung cư rồi chuyển về hẳn Hà Nội để sinh sống cùng con gái.
Vậy đấy, thế là hình tượng về một cô bạn đồng nghiệp giỏi giang bỗng chốc sụp đổ ngay trước mắt. Số tiền mà mẹ con cô ấy được nhận cũng chẳng vui vẻ gì, bởi nó được đánh đổi bằng cả hạnh phúc và những kỷ niệm ở nơi ''chôn rau cắt rốn''. Vậy mà đối với H., nó lại trở thành công cụ để khoe mẽ và đánh bóng tên tuổi. Liệu có đáng không?
Chốn công sở chuyện gì cũng có. Đây vừa là nơi để người ta cống hiến, phát triển sự nghiệp nhưng cũng là nơi tạo ra không ít drama, sự ganh đua khốc liệt. Vậy nên, với những người lựa chọn bước một chân vào vòng cuốn này, mấy ai còn giữ được cho mình sự an yên. Còn tôi, tôi lựa chọn cách im lặng để H. có thể vui vẻ với vỏ bọc mà cô ấy đã dày công tạo dựng.