Đóng cửa Uber, tài xế chuyển sang Vato - ứng dụng đặt xe cho phép khách mặc cả: “Chúng tôi không muốn Grab độc quyền”
Nhiều đối tác tài xế của dịch vụ "Vận tải thông suốt" – Vato tỏ ra rất thích thú vì đây là ứng dụng gọi xe "made in" Việt Nam. Hơn nữa, lần đầu trải nghiệm Vato cả khách hàng lẫn tài xế đều khá hài lòng vì giá hợp lý và chiết khấu % cuốc xe thấp hơn Grab.
Tài xế kháo nhau "chạy Vato" dù thời điểm đầu còn nhiều lỗi
Mới đây, công ty vận tải xe khách Phương Trang đầu tư 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỉ đồng) vào dịch vụ gọi xe Vivu, tên gọi dịch vụ này cũng thay đổi thành Vato.
Ứng dụng gọi xe này ban đầu có tên là FaceCar, đã có mặt từ 2 năm trước trên thị trường Việt Nam. Sau đó đổi tên thành Vivu, tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của Grab và Uber nên ứng dụng gọi xe công nghệ này dần mất hút.
Sau đó, khi hay tin Uber chính thức sẽ bị Grab "thâu tóm" mảng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á thì ứng dụng gọi xe Vato mới được người dùng và tài xế biết đến rộng rãi.
Hành khách được khuyến mãi cước phí cho 2 chuyến đi khi sử dụng Vato trong những ngày đầu. Khuyến mãi được cập nhật tự động.
Vato được viết tắt của cụm từ "Vận tải thông suốt", thể hiện mong muốn được phục vụ mọi lúc mọi nơi của nhà đầu tư đến với khách hàng.
Theo nhà sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu, điểm khác biệt của Vato so với các ứng dụng gọi xe khác là cho phép khách hàng mặc cả với tài xế (mức giá tối thiểu Vato đưa ra). Ngoài ra, giá cước của Vato là 8.500 đồng/km (tương đương GrabCar) nhưng lại có mức chiết khấu chỉ 20%, thấp hơn mức 25% - 28,3% của Grab hiện nay.
Lãnh đạo Vato giải thích về việc "mặc cả" giá như sau: Trong giờ cao điểm, giá cước taxi công nghệ tăng cao (giá surge) nhưng Vato và các hãng truyền thống vẫn giữ giá như bình thường. Lúc này, khách hàng có thể chat hoặc thương lượng với tài xế, "bo" thêm tiền cho tài xế để họ vượt qua trở ngại tắc đường, mưa gió đến đón nhanh nhất nhưng tổng chi phí đi lại vẫn thấp hơn "giá surge" của các ứng dụng khác.
Với cách này, khách vẫn bắt được xe giờ cao điểm với giá tốt, thấp hơn so với hãng khác.
Do đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, ứng dụng Vato đã gặp một số sự cố về app khiến tài xế và khách hàng không thể sử dụng.
Cụ thể, ngày 3 và 4/4, Vato bị lỗi "không thể chọn điểm đến" hoặc thường xuyên bị tự động thoát ra ngoài khiến người dùng khó chịu. Về sự cố này, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Vato cho biết, lỗi điểm đến xảy ra hôm qua là do lượng request (yêu cầu) lên map (bản đồ) quá lớn, nên Google yêu cầu đăng ký pháp nhân.
Mặc dù còn thiếu tính năng khác và chỉ có tài xế VatoCar và VatoBike nhưng nhiều khách hàng rất hào hứng tham gia trải nghiệm ứng dụng gọi xe công nghệ này. Trong vai một khách hàng Vato, chúng tôi đã có những trải nghiệm khá thú vị và hài lòng về dịch vụ này.
Grab và Vato: Ai hơn ai?
Mở cả hai app Grab và app Vato với điểm đón là đường Trần Nhân Tôn (quận 10, TP. HCM), điểm đến là chợ Bến Thành (quận 1) để xem giá tiền hợp lý rồi đặt xe, chúng tôi nhận thấy với cùng một địa chỉ nhưng VatoBike có mức giá rẻ hơn 1.000 đồng so với GrabBike, còn VatoCar rẻ hơn 7.000 đồng so với GrabCar.
Theo nhiều khách hàng, sự chênh lệch về giá cả giữa 2 ứng dụng gọi xe công nghệ còn tăng thêm khi Grab sẽ nâng giá vào giờ cao điểm, mặc dù quãng đường từ Trần Nhân Tôn đến chợ Bến Thành chỉ khoảng 4km.
Sau đó chúng tôi chọn dịch vụ xe công nghệ VatoCar để trải nghiệm với mức giá 48.000 đồng (được khuyến mãi 50%, giảm còn 24.000 đồng). Với nhiều tài xế, chúng tôi là những vị khách đầu tiên của tài xế VatoCar, loại xe ô tô 4 bánh của cá nhân.
Chia sẻ về lần đầu tiên nhận khách từ dịch vụ gọi xe công nghệ mới, tài xế VatoCar T.Q.T (quê Bình Định) cho biết, sau khi xem trên phương tiện truyền thông mới biết đến Vato rồi tải app về đăng ký làm đối tác tài xế.
Theo T, việc đăng ký làm đối tác Vato khá dễ dàng, chỉ chụp bảo hiểm xe, giấy tờ xe, bằng lái, CMND, ảnh chân dung,...tại nhà rồi gửi qua app, không cần đến trụ sở đăng ký như Grab. Bên cạnh đó, thời gian xác nhận là chính thức thành đối tác tài xế Vato cũng tốn chưa tới 1 phút. Trong lần đăng ký này, tài xế phải nạp thấp nhất 50.000 đồng (vốn nạp cho Vato để tính chiết khấu) mới được nhận cuốc xe chở khách.
Anh T. sẽ ủng hộ Vato hơn vì không muốn Grab độc quyền.
"Thấy ứng dụng này khá hay và lại là sản phẩm của người Việt tạo ra nên tôi ủng hộ, tải về dùng ngay khi Vato có mặt trên thị trường. Thêm lý do để ủng hộ nữa là phần chiếc khấu thu nhập từ cuốc xe cũng thấp hơn Grab đến 5%. Mức chiếc khấu này giúp tài xế đỡ vất vả, chạy được nhiều hơn, thu nhập khá ổn. Đây là lần đầu tôi nhận khách từ Vato nên cũng hơi ngỡ ngàng nhưng rất vui vì khách chọn ứng dụng này để ủng hộ thương hiệu Việt Nam", anh T chia sẻ.
Tài xế T. cho biết thêm, trước đó anh cũng chạy Uber và còn ít ngày nữa, dịch vụ xe công nghệ này chính thức bị "khai tử" nên khá lo lắng vì Grab sẽ độc quyền, như vậy nhiều đối tác tài xế như anh sẽ khó khăn hơn nữa khi phần chiết khấu có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên mới đây Vato bất ngờ xuất hiện khiến anh T. an tâm hơn.
App Vato của tài xế chạy VatoCar.
Lượng tài xế và khách còn khá ít
Tài xế VatoBike T.Q.B chia sẻ: "Do mới đưa vào thử nghiệm nên lượng khách rất ít, còn tài xế thì bên VatoCar thì có vẻ nhiều hơn VatoBike. Tôi thử tải app đăng ký là tài xế VatoBike nhưng nhưng những ngày qua không có khách. Đến hôm nay thì anh (PV) là vị khách đầu tiên đi VatoBike mà tôi đón đó".
Tài xế B. cũng thừa nhận khi Grab độc quyền thì tài xế sẽ gặp khó khăn và hành khách thì thiếu sự lựa chọn. Anh hy vọng Vato sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, dịch vụ với tài xế và khách hàng tốt sẽ có nhiều người lựa chọn.
Hiện tại trong bộ quy tắc ứng xử của Vato, về phần chế tài dành cho đối tác tài xế thì đơn vị này sẽ trừ 1.000 đồng nếu tài xế để trôi cuốc hoặc bấm bỏ qua. Trong đó trừ 3.000 đồng cho hành vi hủy cuốc đối với tài xế VatoBike và trừ 2.000 đồng với tài xế VatoCar để trôi cuốc hoặc bấm bỏ qua, còn huỷ cuốc sẽ bị trừ 5.000 đồng.
Dự kiến Vato sẽ chính thức ra mắt trong tháng 4 này tại TP. HCM và Hà Nội. Sự rút lui của Uber đã tạo ra cơ hội cho thương hiệu gọi xe công nghệ của Việt Nam phát triển, một "startup" tiềm năng.