Sau khi nhận đầu tư 100 triệu USD từ xe khách Phương Trang, startup 'made in Vietnam' VATO 'khoe' các vũ khí đấu lại Grab
VATO của Phương Trang với lợi thế trải dài khắp miền Nam, với chính sách khách mặc cả với tài xế, liệu có thể làm thay đổi thị trường xe công nghệ?
Trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi mới đây, anh Trần Thành Nam, chia sẻ rằng đáng lẽ ra thông tin Phương Trang đầu tư 100 triệu đô vào ứng dụng VIVU do anh sáng lập sẽ công bố vào tháng 5. Tuy nhiên, sau thương vụ Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, cả Phương Trang và VIVU cho rằng thời điểm này là “điểm rơi” đúng nên quyết định ra mắt đã được đưa ra ngay thời điểm này.
Anh Nam khẳng định rằng, 100 triệu USD mà Phương Trang đầu tư vào VIVU không phải chỉ để phát triển mảng gọi xe mà tiến tới những mục tiêu xa hơn như thương mại điện tử, ví điện tử, gọi đồ ăn...
Người sáng lập VIVU nhận định rằng, một lợi thế tuyệt vời đó là hiện khách hàng đã xây dựng được thói quen mới, tài xế rất nhiều, họ đã mua xe trong đó có nhiều người mua trả góp. Vậy nên, đây là thời điểm tốt để “chiêu mộ” lái xe. Riêng chuyện “tạo ra” những tài xế hay kéo tài xế về mình, Uber và Grab thời gian đầu đã "đốt" rất nhiều tiền để làm chuyện này. Những ngày mới vào, Uber và Grab đã phải trả tiền cho tài xế, dù không có khách, thưởng tài xế liên tục... để trở thành đối tác lái xe.
Tự tin với chiến lược cạnh tranh của mình trên sân chơi đầy thách thức với các đại gia tầm cỡ khu vực và thế giới, anh Nam chỉ ra 6 điểm là lợi thế của VATO so với các ứng dụng khác.
Thứ nhất là việc khách hàng có thể mặc cả với tài xế. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của VATO mà các app gọi xe khác không có.
Anh Nam giải thích: trong giờ cao điểm, giá cước taxi công nghệ tăng cao (giá surge) nhưng VATO và các hãng truyền thống vẫn giữ giá như bình thường. Lúc này, khách hàng có thể chat hoặc thương lượng với tài xế, "bo" thêm tiền cho tài xế để họ vượt qua trở ngại tắc đường, mưa gió đến đón nhanh nhất nhưng tổng chi phí đi lại vẫn thấp hơn 'giá surge' của các ứng dụng khác.
Theo anh Nam, với cách này, khách vẫn bắt được xe giờ cao điểm với giá tốt, thấp hơn so với hãng khác.
Thứ hai, tận dụng những địa bàn sẵn có, trải dài khắp miền Nam và đang tiến ra Bắc của Phương Trang để có những bến bãi cho xe của VATO. Tại đây, những người mời được khách đến với VATO sẽ được chia phần trăm.
Chiêu thức này giống như cách các hãng taxi truyền thống đã làm, nhưng điểm khác biệt của VATO là quản lý bằng công nghệ. Nghĩa là mỗi người dẫn khách sẽ có code, chỉ cần quẹt thẻ để có code là người dẫn khách được tính cuốc đó. Như vậy, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn.
Thứ ba, tận dụng hệ thống sẵn có của Phương Trang để làm vé điện tử, thay vì vé offline như hiện có đối với xe khách đường dài.
Thứ tư, chính sách chia tiền cho các khách sạn để họ hỗ trợ kết nối với nhóm khách từ khách sạn...
Thứ năm, Phương Trang có cả hệ sinh thái từ xe khách đường dài, xe trung chuyển, bến bãi, rồi sau này sẽ mở cửa hàng tiện lợi tại các điểm đỗ của mình...
Thứ sáu, sau này, vé xe khách đường dài sẽ chuyển từ online sang vé điện tử, để tạo điều kiện tốt hơn cho hệ sinh thái.
Grab đi trước, với lượng tài xế và khách hiện giờ, liệu VATO của Phương Trang có làm thay đổi tình hình thị trường hay không, sẽ cần rất nhiều thời gian để kiểm chứng.