Đời lái “công” và “ác mộng chờ đợi” nơi biên giới

14/08/2019 11:18 AM | Xã hội

Dân lái “công” (container) bất lực hoàn toàn, chỉ biết trao nhau những ánh nhìn ngao ngán trong cơn ác mộng mang tên "tắc biên".

Thời gian qua, nhiều tuyến đường dẫn vào lối mở Lý Vạn (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) bị tê liệt hoàn toàn bởi tình trạng ùn tắc. Từng đoàn container và xe tải khổ lớn san sát nối đuôi nhau thành 2 hàng đằng đẵng, kéo dài cả chục km nằm im cả tuần lễ.

Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các chủ hàng phía Trung Quốc gặp khó trong việc nhận hàng. Ngoài ra do mùa mưa bão, tuyến đường thường xuyên bị sạt lở, chỉ cần một trận mưa lớn là hàng ngàn m3 đất đá trên núi đổ xuống gây ách tắc nghiêm trọng.

Đây cũng chính là lúc cánh tài xế, dễ đến cả ngàn người, sẽ lâm phải cảnh không còn quá xa lạ nhưng vẫn cứ là “ác mộng” đối với họ: cảnh chờ đợi.

Họ cứ chờ như vậy, nhẫn nại, ngày này qua ngày khác, đến khi nào chiếc xe của mình được phép sang bên kia biên giới để trả hàng mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ.

Do đồng cảnh ngộ, nên những chiếc xe thường xếp hàng rất ngay ngắn, thứ tự. Người thì chọn phương án giết thời gian là lướt web, chơi game trên điện thoại; người thì tụ tập chơi bài búng tai, tổ chức ăn uống…

Đời lái “công” và “ác mộng chờ đợi” nơi biên giới - Ảnh 1.

Đời lái “công” và “ác mộng chờ đợi” nơi biên giới - Ảnh 2.

Các tài xế lướt web và ăn uống để giết thời gian trong lúc chờ đợi. Ảnh: LN. 

Tài xế Trần Quốc Hải (SN 1987, quê ở Hải Phòng) cho biết: “Vùng biên vốn thiếu thốn trăm bề. Quán xá đìu hiu. Ăn uống tạm bợ. Phần lớn chúng tôi chọn cách nấu mì tôm để ăn cho qua bữa”.

Ở vị trí gần cuối đoàn xe, anh Lê Minh Tuấn (SN 1983, Bình Định) lái chiếc container BKS 86C - 075.xx chở trái cây từ quê nhà ra. Tuy nhiên, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, anh vẫn phải chờ đợi. “Đối với chúng tôi, cảnh này quen rồi. Nhưng thà được lái, đi xa cũng được, đường xấu cũng được, còn hơn ngồi không như này, rất mệt mỏi” – anh Tuấn cho biết.

Đời lái “công” và “ác mộng chờ đợi” nơi biên giới - Ảnh 3.
Mì tôm luôn là lựa chọn quen thuộc của cánh lái xe vùng biên. Ảnh: BĐCC.  

Cũng theo lời người đàn ông này, vì cảnh tắc đường triền miên và hàng hóa phập phù nên trung bình một tháng anh chỉ chạy được khoảng 3 chuyến hàng, thù lao một chuyến là 4,5 triệu đồng. Trong mỗi lần về quê, anh được phép tạt qua nhà 1 buổi.

Nói riêng về nỗi khổ phải chờ đợi, người tài xế có gần 20 năm kinh nghiệm kể, có những lần anh ở lì trên xe đến cả tuần lễ, bởi chở hàng tươi nên luôn phải có người trên xe để túc trực nổ máy bảo quản hàng hóa. Lúc cần tắm giặt, các tài xế cắt cử nhau, bắt xe ôm lên gần khu vực bãi đậu cửa khẩu tranh thủ ăn cơm bụi và tắm nhờ.

Tuy nhiên, cái khốn khổ nhất của tài xế người miền Nam là cảnh chờ đợi vào mùa đông. Do sinh ra và lớn lên trong tiết khí nóng, nếu tắc biên phải ăn nằm trên xe cả tuần lễ trong cái lạnh biên viễn miền Bắc thì nhiều tài xế phát ốm.

Theo tìm hiểu của PV, mỗi khi xảy ra tắc biên, hàng hoá đi theo kiểu nhỏ giọt thì những xe chở hàng “nóng” (hàng hoa quả, tươi sống) sẽ được ưu tiên đi trước theo tỉ lệ: 4 “nóng” – 1 “lạnh”. Việc bảo vệ tài sản là rất quan trọng, nên các tài xế dù rất mệt mỏi nhưng cũng không dám rời khỏi xe của mình.

Do đặc thù công việc nên các tài xế thường xếp hàng lên xe lúc tối muộn. Sau thời gian ít ỏi nghỉ ngơi ăn tối, cũng là lúc họ bắt đầu điều khiển cỗ máy khổng lồ di chuyển trong đêm để kịp giao hàng hôm sau. Cũng vì vậy, giấc ngủ ngắn ngủi của các bác tài chỉ tranh thủ chợp mắt lúc chờ xuống hàng.

Đời lái “công” và “ác mộng chờ đợi” nơi biên giới - Ảnh 4.
Đời lái “công” và “ác mộng chờ đợi” nơi biên giới - Ảnh 5.

Đời lái “công” và “ác mộng chờ đợi” nơi biên giới - Ảnh 6.

Muôn vàn kiểu chợp mắt của cánh lái xe vùng biên. Ảnh: BĐCC. 

Sau khi giao hàng, họ lại quay về bãi trả vỏ "công" rỗng, tiếp tục chờ chuyến hàng mới xếp lên xe tại các cảng biển, kho bãi. Tuy nhiên, quá trình hạ container rỗng tại bãi và lấy hàng tại cảng không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, việc phải chờ đợi “dài cổ” là chuyện bình thường.

Thậm chí, nhiều tài xế trong lúc đi tìm xe nâng gắp hàng tại cảng đã thiệt mạng do thiếu quan sát, một phần cũng bởi đầu óc đang trong trạng thái mệt mỏi, thiếu tỉnh táo.

Theo Long Nguyễn-Trần Khanh

Cùng chuyên mục
XEM