Đọc những điều này, bệnh nhân có thấy thương y bác sĩ Việt Nam?
Y khoa sinh ra là để cứu người, chứ không phải hại người. Nhưng ngay cả thần y (nếu có) cũng không thể luôn hoàn toàn đúng hoặc lường hết được biến chứng trong mọi trường hợp.
Có một điều mà các nhân viên y tế đều biết, đều lo sợ, nhưng người bệnh và gia đình bệnh nhân thường lại không nhận biết, hoặc cố tình không thừa nhận.
Đó là "biến chứng y khoa ", nhiều khi xảy ra không vì lỗi của người thầy thuốc, mà vì lỗi của chính bệnh nhân, hoặc, nhiều khi vì lỗi của "ông trời"!
Một người mẹ khỏe mạnh bình thường, mang thai suôn sẻ suốt bao nhiều tuần lễ, lần siêu âm cuối khi gần dự sinh còn được báo tất cả bình thường, chỉ chờ đứa con khỏe mạnh ra đời.
Vậy mà chỉ một hai hôm sau, bỗng thấy thai nhi không cử động như mọi ngày, vào bệnh viện thì được chẩn đoán thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
Bạn sẽ trách ai cho tử vong đột ngột của thai nhi, và trách ai cho tang thương của gia đình? Cũng cùng trường hợp như trên, nhưng ở một người mẹ khác.
Cũng xảy ra đột ngột trong một ngày tưởng rất đẹp trời của 3 tháng cuối thai kỳ nhưng nặng nề hơn là đau bụng xuất huyết đột ngột. Nhập viện thì bác sĩ báo ba từ "nhau bong non".
Vậy là thai mất, mẹ xuất huyết nặng, cần phẫu thuật gấp, đôi khi phải cắt bỏ cả tử cung để ngăn chảy máu, để cứu tính mạng người mẹ.
Người mẹ có thể qua khỏi, có thể không! Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những ngang trái này? Một thanh niên bị viêm ruột thừa, được chẩn đoán đầy đủ, được mổ khi không quá muộn.
Nhưng sau khi mổ xong vài tháng, lại bị biến chứng dính ruột, tắc ruột sau phẫu thuật – là một phản ứng quá mức của các quai ruột khi bị đụng chạm vào trong quá trình mổ, lại phải mổ lần 2, có khi lần thứ 3, có khi phải cắt ruột.
Bạn sẽ đổ trách nhiệm cho ai?
Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, nơi xảy ra sự việc bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, trú huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sốc thuốc tử vong, người nhà vây đánh bác sĩ . Ảnh Đình Xuân chụp năm 2013.
Một bác gái đang nằm viện vì viêm phổi, đang được điều trị khá ngon lành, có vẻ tiến triển tốt. Đùng một cái bỗng dưng lên cơn đau ngực, khó thở dữ dội.
Sau đó mất vì thuyên tắc phổi – xảy ra do cơ thể người bệnh vì đang viêm nhiễm và vì đang không cử động nhiều nên mạch máu tạo cục máu đông, chạy thẳng lên phổi, gây thuyên tắc, không trao đổi khí được - một biến chứng ác mộng đối với các bác sĩ điều trị.
Bạn nghĩ cục máu đông là lỗi của ai?
Một anh trai hay uống rượu, say xỉn thì coi trời bằng vung. Đang nhậu bỗng lên cơn nhức đầu. Vô bệnh viện khám, đang đợi thì vật ra bất tỉnh, mặt mũi tái xanh không còn giọt máu, qua đời trong phút chốc, vì xuất huyết não nặng.
Bạn có trách người bác sĩ mà bệnh nhân đang đợi khám hay không? Nếu anh trai này qua đời ngay trong quán nhậu, bạn sẽ trách ai?
Một bé trai xinh xắn, chỉ sốt cao vài ngày, cảm ho sổ mũi sơ sơ, kèm theo vài nốt loét miệng nho nhỏ nhìn chẳng thấy cần quan tâm mấy, bác sĩ khám bảo chắc nhiễm siêu vi, về nhà theo dõi.
Nửa đêm hôm sau nữa bỗng lên cơn co giật, hôn mê, người nhà cuống cuồng mang con vào bệnh viện thì đã quá trễ. Bé hôn mê sâu, phải thở máy và phải làm bao nhiêu thứ đau đớn khác, nhưng mẹ vẫn phải vuốt mắt con, đau đớn mang về.
Nếu chuyện đó xảy ra bây giờ, thì có người còn hiểu được: "À, là biến chứng viêm não nặng nề của bệnh tay chân miệng, tội nghiệp bé con quá!
"Nhưng nếu ca bệnh đó xảy ra từ hơn 15 năm trước, thì bác sĩ và bệnh viện sẽ nhận được một cơn đại hồng thủy cuồng nộ, đòi trả nợ sinh mạng. Hơn 15 năm trước, chúng ta lúc đó hoàn toàn chưa biết được tay chân miệng là bệnh gì.
Chúng ta đây là gồm cả người bác sĩ, cả bệnh viện, và cả một hệ thống y khoa Đông Nam Á lúc này vẫn còn đang bị shock và mò mẫm tìm cách định danh bệnh và gọi tên một hội chứng bệnh quá khác lạ, quá bất thường!
Bệnh nhân Võ Thành Trung (34 tuổi) lên cơn kích động mạnh, lấy cây kéo trên xe đựng dụng cụ y tế rượt đâm các nhân viên y tế ở Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ. Ảnh trích xuất từ camera bệnh viện hồi tháng 8/2016.
Một em gái vị thành niên, sốt cao, chẩn đoán sốt xuất huyết, vào nhập viện vì cần truyền dịch. Người nhà thấy con mình lúc trước khi vào viện thì chỉ sốt đừ, không đến nỗi nào. Vô viện thì thấy từ lúc bác sĩ y tá đụng vào, con mình càng lúc càng nặng hơn.
Từ nằm phòng bán cấp cứu, rồi sang phòng cấp cứu. Từ phòng cấp cứu sang phòng hồi sức cấp cứu. Mỗi lần chuyển là lại thấy con nặng dần, khó thở hơn, nhiều dây nhợ hơn, nhiều máy móc hơn....
Nếu em gái này tai qua nạn khỏi thì không có chuyện để bàn. Nếu em gái này chẳng may tử vong, thì phải chăng đây là lỗi của bệnh diễn tiến quá nặng, hay là lỗi của bệnh viện đã không biết chữa, hay là lỗi của bệnh viện làm cho bệnh nặng hơn?
Một người bị viêm phổi, không điều trị được vì diễn tiến quá nhanh và nặng, không đáp ứng với thuốc kháng sinh.Có phải lỗi của người điều trị?
Một trường hợp cần phải can thiệp mạch máu phức tạp, để có thể cứu mạng sống lâu dài, bị biến chứng không mong muốn.Có thật sự là lỗi của người can thiệp?
Một cụ bà gần trăm tuổi, bị nhiều bệnh mãn tính, cuối cùng phải trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện.Cái chết của cụ, là lỗi của ai đây?
Biết bao nhiêu sự cố không mong muốn có thể xảy ra. Con người khi bị bệnh, có thể là do trời, có thể là do chính bản thân.
Diễn tiến bệnh như thế nào, phản ứng cơ thể ra sao, đáp ứng với điều trị thế nào... ở từng cá nhân, không chỉ được quyết định bởi người nhân viên y tế đang điều trị bệnh mà còn bị quyết định bởi bản thân cơ thể người bệnh, và yếu tố gây bệnh nữa!
Để đổ lỗi cho người "có liên quan", ở đây là nhân viên y tế điều trị - là một chuyện rất dễ làm. Nhưng thật sự có công tâm và công bằng, cho người nhân viên y tế mà chúng ta liên đới?
Nhân viên y tế và bệnh nhân thật sự đang đứng cùng nhau trên một chiếc thuyền, cố gắng cùng nhau vượt qua cơn bão bệnh tật, mà người lèo lái thuyền chính là nhân viên y tế nhưng phải có sự phụ giúp tích cực của bệnh nhân, và gia đình người bệnh.
Nếu không cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, thì rất tiếc, thuyền chẳng thể nào cập bến một cách an nhiên, dù thành công hay thất bại. Người lái thuyền có thể không còn ý chí để tiếp tục lèo lái những con thuyền số mệnh khác sau này.
Có một điều mà y khoa làm được, là trì hoãn cái chết! Có một điều mà y khoa chắc chắn không vượt qua được, đó là cái chết. Nó là điều bắt buộc phải xảy ra của một đời người!
Điều có thể bức tử y khoa, đó là sự tàn nhẫn và khắc nghiệt do thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông của người bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, dư luận xã hội khi y khoa bất lực!
Dư luận xã hội xuất phát từ sự ác cảm và tàn nhẫn của một bộ phận không nhỏ người ở Việt Nam, đang làm chùn tay, làm giảm nhiệt huyết của không ít y bác sĩ chân chính - những người đang thực sự cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, trong khả năng cho phép.
Trước khi đưa lời phán xét, hãy đặt câu hỏi: Nếu biến chứng y khoa xảy ra là do lỗi của chính bệnh nhân, hoặc lỗi của ông trời, bạn sẽ nói gì?
Chúng ta cần lên án những y bác sĩ thật sự thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm, nhưng xin đừng làm chùn tay hàng trăm ngàn thầy thuốc đang hàng ngày hàng giờ, căng sức chèo lái con thuyền sức khỏe, sinh mạng cho người bệnh của mình.
Vì một ngày nào đó, người bệnh có thể là chính bạn!