Bác sĩ nói không có tay giả cho trẻ em quá bé, ông bố này nghỉ việc để chế tạo một chiếc cho con mình
Sớm muộn, cậu bé cũng sẽ biết cánh tay trái của mình không phải là một món đồ chơi.
Ben Ryan, một giáo viên tâm lý học và vợ anh Kate Smith, chào đón đứa con trai đầu lòng vào một ngày nhật thực tháng 3 năm 2015. Đứa bé được đặt tên là Sol, theo tên một vị thần mặt trời thời La Mã cổ đại. Tin vui chẳng bao lâu, sau khi các bác sĩ phát hiện một cục máu đông trên khuỷu tay trái của Sol, và tình hình ngày một xấu đi.
Đến ngày thứ 10, Ryan và Kate đã phải đối mặt với một quyết định hết sức khó khăn: Các bác sĩ sẽ không thể giữ lại cánh tay trái cho Sol lâu hơn nữa. Ryan còn nhớ chính xác cái thời điểm đó: “Phải nhận tin con bị cưa tay, khi mới chỉ 10 ngày tuổi là một nỗi đau ghê gớm, một điều khó có thể chịu đựng nổi”.
Ryan và con trai mình, cậu bé Sol bị mất cánh tay trái khi mới 10 ngày tuổi
Ở trong “một nơi cực kỳ đen tối” là những từ mà Ryan dùng để mô tả cảm giác của anh 2 năm trở về trước. Nhưng lý trí của một người đàn ông đã giúp Ryan nhận ra sự thật rằng anh, Kate và Sol sẽ còn cả một tương lai phía trước để đối mặt.
Mất một cánh tay sẽ không thể khiến con trai anh gục ngã. Chỉ có một điều, đây vẫn là giai đoạn sớm trong sự phát triển của não. Không sớm có một cánh tay trái mới, dù chỉ là chi giả, cũng khiến Sol có thể gặp nhiều khó khăn trong tương lai.
“Các bác sĩ nói rằng sẽ phải mất một năm nữa, con tôi mới có thể lắp một cánh tay giả bất động. Sau đó, Sol phải đủ 3-4 tuổi mới có thể mang một cánh tay điện, thứ mà có thể được điều khiển”, Ryan nói. “Đối với tôi, vậy là chưa đủ. Tôi nghĩ mình có thể làm những điều tốt hơn cho con trai mình”.
Ở tuần tuổi thứ 5, Ryan quyết định sẽ quấn cánh tay của Sol với một miếng xốp và bông gòn. Điều này sẽ cho phép con trai anh tập sử dụng một dụng cụ kéo dài từ cánh tay đã mất. “Bằng cách khuyến khích Sol sử dụng cả hai tay trong giai đoạn phát triển não sớm, chúng tôi tin rằng Sol sẽ có khả năng điều khiển các cánh tay giả sau này”, Ryan nói.
Đó cũng chính là mục tiêu tiếp theo của anh. Ryan lao ngay vào một cuộc đua với thời gian, lục tung các tài liệu, tự học để tìm ra cách chế tạo ra một chi giả tốt nhất cho con mình.
“Làm sao để phát triển một cánh tay giả tốt hơn cho Sol đã trở thành một nỗi ám ảnh”, anh nói. “Công nghệ tay giả dành cho trẻ em hiện nay đã rất lỗi thời. Chúng nhìn xấu tệ và những đứa trẻ thường từ chối đeo ngay từ đầu. Tôi không muốn điều đó xảy ra với Sol”.
Ryan chia sẻ công việc ban đầu chỉ bắt nguồn từ chính gian bếp trong nhà, với một vài mẩu ống đồng và phụ kiện lắp ống nước. Tất cả kết thúc ở đây bằng một ý tưởng.
Anh đã quan sát và nghĩ rất nhiều về phần khuỷu tay mà Sol còn giữ lại được. Mục đích trước tiên là làm sao cho Sol có thể cầm nắm chắc chắn một cái gì đó. Bởi vậy, anh thiết kế một bàn tay hình gọng kìm với ngón cái có thể điều khiển được.
Lấy cảm hứng từ hệ thống thủy lực trong cử động của loài nhện, Ryan phát triển một hệ thống truyền động tương tự cho cánh tay giả.
Những quả bóng chứa chất lỏng được đặt gần khuỷu tay, sao cho khi Sol cử động, nó sẽ bơm áp lực lên một đòn bẩy. Từ đó, ngón cái sẽ được mở ra để kẹp lấy đồ vật. Bạn có thể thấy điều đặc biệt, hệ thống thủy lực không hề cần pin để hoạt động.
Sau khi đã thiết kế được cơ chế hoạt động, Ryan mang nguyên mẫu đầu tiên của cánh tay giả đến một phòng thí nghiệm tại Đại học Bangor. Ở đây, có một hệ thống in 3D tiên tiến bậc nhất và Ryan đề nghị một lời giúp đỡ.
Sau khi làm việc và phát triển thêm nguyên mẫu bằng máy in 3D, Ryan nhận ra rằng cánh tay giả anh phát minh có thể được sản xuất hàng loạt từ nhựa. Nó có thể mở ra cả một lĩnh vực từng bị bỏ quên bấy lâu, sản xuất chi giả cho trẻ em.
Ryan quyết định nghỉ việc giảng dạy và dành toàn thời gian để thành lập một công ty mang tên Ambionics. Anh phải thúc đẩy nghiên cứu của mình phát triển bởi Sol đang ngày một lớn lên. Sớm muộn cậu bé cũng sẽ biết cánh tay trái của mình không phải là một món đồ chơi, nó là cả một công cụ cần thiết cho cuộc đời.
Trong giai đoạn này, Ryan đang hợp tác với Paul Sohi đến từ công ty Autodesk. Paul là người đầu tiên trên thế giới thiết kế chi giả thể thao sản xuất bằng công nghệ in 3D. Vào thế vận hội Rio Paralympic năm ngoái, anh đã tạo ra một chiếc chân giả cho vận động viên xe đạp Denise Schindler.
Nói về những gì mà Ryan đang làm, Paul nói:
“Tôi tìm được rất nhiều cảm hứng để làm việc trên dự án sáng tạo và đầy tham vọng này. Thật ngạc nhiên, mặc dù Ryan không có nền tảng trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm, anh đã tự học đủ để tạo ra được một thiết bị quá hữu ích. Không chỉ đối với riêng Sol, con trai anh, nhiều khả năng [thiết bị] có thể dành cho rất nhiều người khác, những ai đang phải đối mặt với thách thức tương tự”.
Về phần mình, Ryan cũng tin rằng: “Những chi giả thế này có tiềm năng sẽ cách mạng hóa cuộc sống cho hàng triệu trẻ em và trẻ sơ sinh mất chân tay trong tương lai”. Nhưng điều hạnh phúc dành riêng cho Ryan có lẽ là việc con anh chính là người sẽ thụ hưởng một phần cuộc cách mạng ấy.
“Đối với tôi, động lực lúc nào cũng bắt nguồn từ Sol. Cháu đã được gần hai tuổi vào lúc này, và giờ rất thích đọc sách. Nhưng ngay cả việc đơn giản như lật một trang sách cũng rất khó khăn, [nếu không đeo cánh tay giả] cuốn sách lúc nào cũng trượt ra khỏi đầu gối”, Ryan chia sẻ.
Nhưng lúc này, với cánh tay mà chính cha mình phát triển, Sol đã có thể cầm một cuốn sách dễ dàng hơn. Cậu bé cũng thường chơi đùa và biết cụng cánh tay giả với Ryan và Kate. Tuy nhiên anh cũng chia sẻ rằng, mặc dù cánh tay giả lúc này đã khá hữu dụng nhưng anh chỉ cho phép Sol đeo nó trong một số thời gian nhất định.
“Tôi sẽ không cho phép cháu sử dụng nó liên tục, cho đến khi nguyên mẫu vượt qua tất cả các cuộc thử nghiệm và kiểm tra y tế”, Ryan nói. Nhưng vì thiếu kinh phí, hiện tại anh đang xây dựng một trang web với mục đích quyên góp 150.000 Bảng Anh từ cộng đồng.
Số tiền sẽ được trả cho các chuyên gia và cơ sở giám định, đồng thời, thực hiện thử nghiệm lâm sàng cánh tay trên nhiều bệnh nhân khác và phát triển thêm các công nghệ tiên tiến khác trong tương lai.