Doanh thu bằng 0, Bamboo Airways trả lương nhân viên thế nào: CEO tiết lộ 2 cách đặc biệt

10/12/2021 14:19 PM | Kinh doanh

"19 đã đưa doanh thu của Bamboo Airways từ mức 2,5-3 triệu đô về 0, trong khi chi phí thuê mua tàu bay vẫn giữ nguyên ở mức cao khủng khiếp".

Phát biểu tại diễn đàn Kinh doanh với chủ đề "Con đường phía trước" - một sự kiện do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức - ông Đặng Tất Thắng cho biết, Bamboo Airways đã từng có thời gian đặc biệt khó khăn.

"Doanh thu của chúng tôi từ mức 2,5-3 triệu đô/ngày đã bị Covid-19 cán về mốc số 0. Trong khi đó, chi phí thuê mua tàu bay vẫn giữa nguyên ở mức cao khủng khiếp.

Bamboo vừa cất cánh được 3 năm thì có tới 2 năm phải đối mặt với Covid-19. Năm 2019, chúng tôi vừa chiếm được 13% thị phần thì đùng một phát phải dừng mọi hoạt động khai thác chuyến bay do tình hình dịch bệnh".

Trước tình thế khó khăn đó, hãng hàng không trẻ đã tìm ra rất nhiều biện pháp ứng phó. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là tìm cách trả lương cho tất cả nhân viên giữa bối cảnh dàn máy bay buộc phải nằm đắp chiếu.

Xác định nguồn lực con người là điều quan trọng nhất

Việc đầu tiên Bamboo làm là cơ cấu lại toàn bộ khoản thu - chi. Tất cả các khoản nợ có thể giãn hoãn được, hãng tìm mọi cách để đàm phán xin giãn, hoãn.

"Chúng tôi giao cho bộ phận thương mại chịu trách nhiệm tìm kiếm doanh thu chính đáng bằng mọi cách. Sau đó, hàng loạt máy bay chở khách đã biến thành máy bay chở hàng. Dù trong điều kiện dịch bệnh dữ dội nhất, chúng tôi vẫn bay mỗi ngày 1 chuyến khứ hồi đến Hàn Quốc để chở hàng cho Samsung".

Sau khi áp dụng các biện pháp này, Bamboo bước đầu đã có doanh thu để phần nào trang trải lương cho nhân viên.

 Doanh thu bằng 0, Bamboo Airways trả lương nhân viên thế nào: CEO tiết lộ 2 cách đặc biệt - Ảnh 1.

Ông Đặng Tất Thắng - Ceo Bamboo Airways.

Tuy nhiên, trong điều kiện dòng tiền eo hẹp, Bamboo vẫn không đủ sức trả tất cả lương hàng tháng cho phi công, tiếp viên. Hãng đã phải đàm phán với tất cả nhân viên ở bộ phận khai thác về việc chỉ có thể trả lương theo từng giờ bay.

Từ cấp lãnh đạo trở lên ở Bamboo Airways đều được kêu gọi lao động cống hiến, ủng hộ 100% lương cho hãng bay.

"Và rồi nhiều câu chuyện cảm động đã xảy ra. Toàn bộ phi công thậm chí từ chối nhận lương theo giờ bay. Họ đã tình nguyện lái máy bay không lương cho Bamboo Airways trong vòng 3 tháng. Khi nhận được những lá thư thể hiện sự đồng thuận này, chúng tôi thực sự rất cảm động".

CEO Bamboo Airways tiết lộ, ông cũng tìm cách xoay sở, quy hoạch lại đội ngũ nhân sự. "Trong lúc khó khăn, chúng tôi khoán trắng một khoản lương cho từng bộ phận để họ tự chia nhau. Tức là mỗi bộ phận sẽ sắp xếp lịch làm việc và mức thu nhập cho từng người, sao cho khi cộng tổng lại thì số tiền phải khớp với khoản đã được doanh nghiệp giao khoán".

"Chúng tôi xác định, nguồn lực là quan trọng nhất, không giữ được nguồn lực thì sau dịch chưa phục hồi ngay được. Vì thế, Bamboo xác định không để nhân sự nào phải nghỉ và cố gắng tìm cách xoay sở, đảm bảo phần nào thu nhập cho mọi người".

Hãng hàng không hiếm hoi vẫn tăng trưởng trong dịch bệnh

Nói đến các chiến lược giúp doanh nghiệp mình vượt khó, ông Thắng nhấn mạnh vào quyết định đóng hết mọi đường bay quốc tế để tập trung vào nội địa ngay khi dịch Covid-19 vẫn còn chưa bùng lên mạnh mẽ.

"Chúng tôi là hãng hàng không đầu tiên ở Việt Nam đi theo hướng này. Việc tập trung vào các đường bay ngách nội địa giúp chúng tôi có đủ đường bay để phủ kín thị trường trong nước. Chúng tôi tiên phong mở ra các đường bay mới như TP.HCM - Điện Biên, Hà Nội - Côn Đảo, Hà Nội - Cà Mau... Nhờ vậy, kết thúc năm 2020, Bamboo là hãng hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng về đội tàu bay, thị phần (từ 13% tăng lên xấp xỉ 30%)...".

Với các đường bay ngách, Bamboo dùng dòng máy bay mới Embraer động cơ phản lực. Đây là loại thích hợp để đi tới các sân bay nhỏ vì có số ghế vừa phải, đảm bảo lấp đầy chỗ nhưng giá vé rất cạnh tranh.

 Doanh thu bằng 0, Bamboo Airways trả lương nhân viên thế nào: CEO tiết lộ 2 cách đặc biệt - Ảnh 2.

Ông Thắng phát biểu tại sự kiện do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức.

Thứ hai, trước khi Việt Nam mở cửa hàng không quốc tế, Bamboo đã có bước chuẩn bị khá kỹ càng. Hãng đã vượt qua nhiều vòng đàm phán, xin cấp phép để được Bộ GTVT chỉ định là hãng hàng không bay thẳng Việt- Mỹ. Đồng thời, cuối năm 2021, Bamboo cũng chính thức khai trương các đường bay thẳng Việt - UK và chuẩn bị cho đường bay Việt - Đức.

"Tin mừng nhất với chúng tôi là người nước ngoài vào Việt Nam nếu đã tiêm đủ liều vắc xin sẽ không còn phải cách ly tập trung. Theo tôi, đây là bước mở cho việc phục hồi lại các đường bay quốc tế. Đối với hàng không, tôi rất tin tưởng chúng tôi sẽ phục hồi theo mô hình chữ V bởi nhu cầu đi lại là điều rất thiết yếu, có thể bùng nổ ngay sau khi các quy định chống dịch được nới lỏng", ông Thắng nói.

Thu Hường

Cùng chuyên mục
XEM