Doanh nghiệp Việt Nam làm gì trước 'miếng bánh' 9 tỷ USD thị trường du lịch trực tuyến?
Công nghệ đang làm thay đổi cách thức vận hành của hàng loạt ngành nghề khác nhau và du lịch cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên hiện nay dù tăng trưởng trăm triệu USD mỗi năm nhưng 80% giá trị thị trường du lịch trực tuyến nằm trong tay các trang web hoặc doanh nghiệp nước ngoài.
Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam từng công bố dịch vụ du lịch là sản sản phẩm đứng hàng thứ ba trong top đầu các nhóm sản phẩm được người Việt chi tiêu nhiều nhất trên thương mại điện tử (sau thời trang, sách - nhạc - văn phòng phẩm). Trong 7 tháng đầu năm, chỉ riêng du lịch trong nước đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin từng chia sẻ thông tin có đến 45% người dùng Internet tại Việt Nam có đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay..., tốc độ tăng khoảng 11%/năm. Dự kiến trong vòng ba năm tới, thị trường du lịch trực tuyến Đông Nam Á sẽ đạt gần 90 tỉ đô la Mỹ và Việt Nam chiếm khoảng 10% doanh số của thị trường.
Sự gia tăng mạnh của nhóm khách lẻ (free and independent traveler – FIT) sử dụng dịch vụ của các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent – OTA) đã làm thay đổi đáng kể thị trường du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam chưa thực sự chủ động triển khai du lịch trực tuyến và mô hình này chưa đồng hành xứng tầm với tiềm năng phát triển của ngành.
"Đặt hàng du lịch trực tuyến sẽ tăng sẽ tăng 15-20% mỗi năm. Với tâm lý khách hàng ưa chuộng đặt trực tiếp từ nhà cung cấp dịch vụ, chúng ta vẫn còn cơ hội rất lớn. Vấn đề là chúng ta đầu tư bài bản hay không thôi", ông Nguyễn Hồng Đài, tổng giám đốc APT Travel chia sẻ với VTV.
Hiện bên cạnh hoạt động hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến, bản thân các khách sạn, công ty du lịch lữ hành, khu nghỉ dưỡng… cũng chủ động đầu tư phát triển hệ thống kinh doanh trực tuyến của chính mình. Các doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được rằng việc tham gia vào nền tảng thương mại điện tử sẽ cho họ thêm cơ hội để tiếp cận khách hàng, mở rộng kênh bán hàng và tăng doanh thu.
Sớm nhận ra xu hướng này, từ 11 năm trước, Công ty Du lịch Vietravel đã bắt đầu tính chuyện bán hàng trực tuyến và dành kinh phí đầu tư rất lớn cho website travel.com.vn. Theo tiết lộ với báo chí, chưa kể chi phí cho kỹ thuật, nhân lực, chỉ riêng số tiền quảng cáo trang web trong năm đầu tiên đã lên đến 100.000USD. Hiện nay, cùng với trang web này, Vietravel còn đầu tư cho những kênh trực tuyến khác, như Facebook, để hỗ trợ mảng bán hàng trực tuyến. Công ty hiện có khoảng 30 nhân viên tiếp thị trực tuyến.
Tuy nhiên cho tới 2 năm gần đây, lượng khách mua tour trực tuyến của Vietravel mới thay đổi đáng kể. Năm 2015, công ty có khoảng 4.000 khách mua tour trực tuyến. Năm 2016 tăng gấp 3 lên mức 12.000 khách và 6 tháng đầu năm nay tăng gấp đôi so với cả năm 2016.
Một ví dụ khác là công ty Vietrantour từ đầu năm nay đã thay đổi toàn bộ giao diện trực tuyến. Thay vì chỉ cung cấp thông tin các tour như trước đây, doanh nghiệp này hiện cung cấp cả đặt vé, đặt tour thậm chí thanh toán trực tuyến. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Huyền, giám đốc điều hành Vietrantour, công ty này cũng tập trung đầu tư cả các kênh chat online như Skype, Viber, Zalo,… tiện ích nhất cho khách hàng.
Không chỉ các công ty du lịch, các khách sạn lớn hiện cũng có bộ phận phụ trách riêng mảng online, nhận đặt phòng từ website, mạng xã hội với giá cả ưu đãi hơn. "Khách hàng được lợi hơn nhiều so với đặt hàng trực tiếp theo cách truyền thống, với ưu đãi có thể lên tới 40-50% so với giá truyền thống", phụ trách kinh doanh của một chuỗi khách sạn 4 sao tại Việt Nam cho biết.
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam chia sẻ, đầu tư du lịch trực tuyến còn chậm do kết nối chậm, doanh nghiệp chưa chú trọng, thông tin còn nghèo nàn, chưa theo kịp nhu cầu của khách hàng. Theo các chuyên gia du lịch, bên cạnh đầu tư vào marketing thì thanh toán trực tuyến cũng là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm bởi hiện xu hướng khách hàng tự đặt phòng, đặt tour, thanh toán ngày càng phổ biến.