Phó Chủ tịch TP Cần Thơ chỉ ra điểm nghẽn du lịch ĐBSCL: Đi đâu cũng sông nước, cũng đờn ca tài tử

10/10/2017 15:41 PM | Kinh doanh

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định, ĐBSCL là vùng sông nước, điểm khác biệt hoàn toàn so với vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên. Phong cảnh rất đẹp và tiềm năng lớn nhưng hạn chế là các hoạt động du lịch cứ na ná nhau.

Trong cuộc họp để chuẩn bị cho Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2017 sắp tới, ông Trương Quang Hoài Nam đã có những quan điểm về du lịch ĐBSCL, nơi được cho là tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt.

Đến đâu ở ĐBSCL cũng là sông nước, đàn ca tài tử

“Ý tưởng để kết nối du lịch với nhau thì nhiều người đã đề cập. Nhiều hội nghị cũng đề cập đến vấn đề này. Khi đến ĐBSCL thì đa số đều nói tất cả các hoạt động giống giống nhau, đến đâu cũng là đàn ca tài tử, cũng ăn những đồ đó, cũng đi như vậy. Tuy nhiên qua những chuyến đi, tôi thấy nếu như kết hợp giữa các tỉnh làm với nhau mà có một đầu tư tốt hơn cũng như có những doanh nghiệp du lịch quan tâm đến việc này thì sẽ hình thành được cả một tuyến du lịch. Ở châu Âu có rất nhiều chuyến du lịch theo đường sông, như ở Đức tôi đã đi. Chúng thực sự rất đẹp”, ông Nam mở đầu bài phát biểu.


Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Ông Nam khẳng định, ĐBSCL là vùng sông nước, điểm khác biệt hoàn toàn so với vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên. Phong cảnh rất đẹp và tiềm năng trong du lịch rất lớn.

“Hiện nay, mỗi tỉnh có những đặc sản riêng của họ. Bến Tre thì bạt ngàn dừa. Ở đó du khách có thể ở cồn dừa cả ngày, chơi trong những cồn dừa đó, ăn, uống nước dừa và nhiều hoạt động thú vị khác, nhưng khai thác nó như thế nào thì đó là cả một câu chuyện.

Hoặc đến Đồng Tháp, thì cả những cánh đồng sen mông mông và rừng quốc gia đẹp tuyệt vời. Phong cảnh thiên nhiên của Tràm Chim thật đẹp.

Hay đến An Giang thì người ta nói đến núi và đặc sản cá.

Còn Cần Thơ thì là vùng gạo trắng nước trong”, ông Nam nhận định.

Theo ông, vấn đề là làm sao kết hợp lại được với nhau. Chẳng hạn như Bến Tre, khi tới đó cái giữ du khách ở lại không nhiều vì không có hoạt động, và không được thâm nhập vào những môi trường sôi động hay có hoạt động vui chơi.

Theo lãnh đạo TP Cần Thơ, nếu Bến Tre có những nơi nghỉ dưỡng với những sản phẩm dừa thì sẽ rất tốt. Vì du khách có thể đi lại, làm đẹp, làm bánh kẹo ngay trong vườn dừa đó, tức là họ được tham gia vào những hoạt động thì chắc chắn họ sẽ rất thích.

Hay đi Đồng Tháp thì du khách rất bị động khi đi sang Tràm Chim ở khu 1. Người lái thuyền sẽ đưa du khách vào một khu. Vào đó, du khách ăn cá rồi chụp ảnh và đi ra. Không có hoạt động gì cả.

“Tôi có nói với anh Châu Hồng Phúc, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp. Anh Phúc sau đó có mời giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đồng Tháp đến và đưa tôi sang khu hoàn toàn khác. Khi sang khu khác thì đầu tiên tôi thấy thú vị vì ở đó không có tiếng ồn. Tại đây, người ta không chở ca nô mà họ chèo bằng tay. Bây giờ người ta đang nói đến nhiều về du lịch sinh thái. Du khách thích điều đó vì họ làm việc căng thẳng đầu óc và muốn hòa nhập cùng thiên nhiên”, ông Nam kể và đưa ra nhận xét.

Không liên kết giữa các tỉnh với nhau

“Hiện nay ở Cần Thơ đã có những đơn vị làm tour du lịch trên sông, từ Cần Thơ – Sa Đéc, Cái Bè. Và họ đi 2 ngày 1 đếm và nghỉ luôn trên sông. Và hiện nay cũng đã có tour từ Châu Đốc đi Cần Thơ và ra cảng Trần Đề và từ đây họ đi luôn Côn Đảo. Nhưng dù các tour trên sông đã bắt đầu hình thành nhưng có điều thế này, đó là chúng ta không có mối liên kết giữa các tỉnh với nhau và cũng không phân chia cá đoạn đường với nhau”, ông Nam nói.

Lãnh đạo TP Cần Thơ cho rằng, do không phân chia các đoạn đường với nhau nên dù cảnh quan 2 bên bờ sông rất đẹp thì du khách cũng chỉ thấy đẹp trong nửa tiếng.

“Nhìn 3 tiếng thì cảnh vật bình thường. Nếu nhìn 6 tiếng vẫn là cảnh và cây cối như thế thì thấy không còn hấp dẫn nữa, tức là không có những điểm nhấn, để tạo nên sự khác biệt với du khách. Như từ Châu Đốc về Cần Thơ chúng ta dừng lại ở đâu? Đó là điều chúng ta phải bàn để tìm ra hướng đi phù hợp”, ông Nam phân tích.

“Trong mối liên kết ABCD Mekong thì Cần Thơ có sân bay, và nếu như Đồng Tháp có gì đó thật hấp dẫn thì du khách sẽ đến Đồng Tháp chơi, hay An Giang, Bến Tre có gì đó làm tốt thì Cần Thơ cũng phát triển tốt. Như thế chúng ta sẽ khai thác được sân bay và các tuyến đường tốt hơn, có thể đi đường bộ hoặc đường sông đến các tỉnh lân cận”, ông nói thêm.

Ông Nam cho rằng việc hợp tác không phải chỉ là chính quyền quyết định mà còn là những doanh nghiệp tâm huyết để lôi kéo khách du lịch tới.

“Ý tưởng về dừa, gạo, sen, cá rất hay và nó đặc trưng cho mỗi địa phương. Nhưng không phải là chỉ nguyên những cái đó, còn nhiều đặc trưng mà mình có thể khai thác nữa. Nếu việc làm du lịch này mình làm được trong 4 tỉnh đã, sau đó mới mở ra thì tôi nghĩ sự trải nghiệm. Và theo tôi những ai thích du lịch trải nghiệm thì họ sẵn sang chi tiền ra để đi”, lãnh đạo thành phố Cần Thơ kết luận.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM