Doanh nghiệp làm gì để giữ chân người tài: Tiền, phúc lợi hay môi trường làm việc?
Giữ nhân tài bằng tiền, bằng phúc lợi hay bằng môi trường làm việc? Đó là vấn đề mà Anphabe, công ty về giải pháp nhân sự, nêu ra trong lễ khởi động khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2016 ngày 6/10 tại TP HCM.
Sau khi khảo sát với 30 công ty hàng đầu, Anphabe đã đúc kết lại những mô hình quan trọng và bí quyết cơ bản liên quan tới vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm là gữ chân nhân tài – Đúng người, Đúng cách, Đúng thời điểm tại lễ khởi động khảo sát Nơi làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2016 ngày 6/10 tại TP HCM.
Theo Anphabe, đúng người nghĩa là các công ty có thể chọn nhiều phương pháp khác nhau nhưng tựu chung tập trung vào 3 yếu tố.
- Đầu tiên là vị trí (Position) - đây là phương thức quản lý đơn giản nhất.
- Thứ 2 là thành tích (Performance) – thường áp dụng tại những công ty lớn hơn, có thước đo thành tích rõ ràng.
- Cuối cùng là tiềm năng (Potential) – được kết hợp cùng các phương pháp khác ở các công ty phát triển bài bản và theo đuổi chiến lược tự đào tạo nhân tài.
Đại diện Anphabe cũng chia sẻ những cách thức và xu hướng chính để giữ chân nhân tài hiện nay.
Các hoạt động được chia thành 3 nhóm: Những chương trình giữ chân nhân tài bằng tiền (Monetary); Những chương trình giữ chân nhân tài bằng phúc lợi, không bằng tiền (Non-Monetary) và những hoạt động xây dựng văn hoá và môi trường, nhân viên dù không coi đó như một hình thức tưởng thưởng hay phúc lợi cụ thể nhưng công ty vẫn phải bỏ chi phí thực hiện (Hybrid).
Theo Anphabe, đúng thời điểm nghĩa là sau khi đã có danh sách nhân tài và chọn lựa những chương trình phù hợp thì đúng thời điểm chính là bước quyết định thành công. Hầu hết các giám đốc nhân sự đều cho rằng không nên chờ đến nhân viên xin nghỉ. Sự kiện cũng là dịp để họ chia sẻ cùng nhau nhiều bí quyết “phán đoán rủi ro” và cách xử lý các tình huống khó.
“Suy cho cùng, những chương trình giữ chân nhân tài cũng như giống như một tảng băng trôi. Nhân viên thường chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng là những chương trình Giữ Chân Nhân Tài bằng tiền. Trách nhiệm và cơ hội cho doanh nghiệp là làm sao để cho nhân viên thấy được nhiều nỗ lực thầm lặng trong những chương trình phúc lợi không nhận bằng tiền và xây dựng văn hóa vì về lâu dài, đây cũng chính là những chương trình hiệu quả nhất”, bà Thanh Nguyễn – CEO Anphabe nhận định.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là: Có nên công khai danh sách nhân tài không và nếu có thì làm thế nào để có thể khiến người không nằm trong danh sách khỏi bị ảnh hưởng?
Đại diện của Neilsen cho biết Neilsen thông tin công khai, truyền thông cho tất cả nhân viên rằng những ai nằm trong top nhân tài. Mục đích là truyền cảm hứng cho các nhân sự khác. Hàng năm công ty mở chương trình đạo tạo nhân viên để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo kết quả khảo sát, 10% các doanh nghiệp được hỏi trả lời công khai danh sách. Số còn lại không công khai.
Với sự tư vấn từ Nielsen, phương pháp đo lường xếp hạng năm nay cũng được cải tiến hơn. Xếp hạng Nơi làm vệc tốt nhất Việt Nam được tiến hành theo mô hình AIDA ghi nhận đánh giá khách quan từ người đi làm theo 4 mức độ : Awareness – Nhận biết, Interest – Quan tâm, Desire – Khát khao, và Action – Sẵn sàng ứng tuyển.
“Khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam sẽ đưa ra một bức tranh toàn diện về xu hướng và kỳ vọng của người đi làm trong bối cảnh mới và góp phần giúp các doanh nghiệp kịp thời có những cách thức thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả.”, Bà Thanh Nguyễn phát biểu.
Dự kiến tháng 2/2017, ban tổ chức khảo sát sẽ tổ chức Lễ vinh danh những Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2016.