Điều đặc biệt của bức ảnh chụp các nhà lãnh đạo tại G20 Trung Quốc
Đôi khi ngôn ngữ cơ thể đã vô tình bộc lộ những căng thẳng và xung đột mà những vị lãnh đạo hàng đầu thế giới đang phải đối mặt.
Nằm trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc , lãnh đạo của những nền kinh tế hàng đầu thế giới đã cùng nhau chụp một "bức ảnh gia đình". Đây là khoảnh khắc hiếm hoi mà tất cả những vị lãnh đạo quyền lực nhất thế giới cùng đứng trên một sân khấu. Qua đó, thế giới có cơ hội nhìn nhận một cách tổng quát về mối quan hệ cũng như căng thẳng, vấn đề giữa những vị lãnh đạo hàng đầu thế giới thông qua bức ảnh tại sân khấu G20 Trung Quốc.
Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào "bức ảnh gia đình" năm nay chính là nụ cười của Tổng thống Nga Vladimir Putin và dáng đứng lúng túng của Tổng thống Mỹ. Là nước chủ nhà, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đứng ở vị trí trung tâm bên cạnh là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - quốc gia đăng cai tổ chức G20 năm ngoái và Thủ tướng Đức Angela Merkel - quốc gia sẽ đăng cai tổ chức G20 năm 2017.
1. Tập Cận Bình: Với tư cách là nước chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, Trung Quốc được đứng vào vị trí trung tâm nhưng lại “tỏa sáng” bằng "ánh hào quang" của tốc độ tăng trưởng chậm chạp, nợ ngày càng tăng và căng thẳng leo thang với các quốc gia láng giềng châu Á.
2. Barack Obama: Trong những ngày vừa qua, màn chào đón Tổng thống Mỹ “ồn ào” tại sân bay Hàng Châu của nước chủ nhà Trung Quốc đã tốn không ít giấy mực của báo giới. Căng thẳng giữa hai bên gia tăng đến mức tưởng chừng như có thể “động tay động chân”. Đây là hội nghị thượng đỉnh G20 cuối cùng mà ông Obama tham dự trước khi rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 1/2017. Với những câu từ khéo léo, ông Obama đã làm dịu đi căng thẳng giữa hai bên và miêu tả cuộc gặp gỡ với ông Tập là “cực kỳ hiệu quả”.
3. Recep Tayyip Erdogan: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tham dự hội nghị thượng đỉnh chỉ vài tuần sau khi cuộc đảo chính bất thành của phiến quân nổi dậy. Khuôn mặt ông trong bức ảnh phảng phất một nét suy tư.
4. Theresa May: Thủ tướng Anh tận dụng cơ hội gặp mặt tại G20 lần này để mở lời đàm phán thương mại với các quốc gia phát triển trong tiến trình rời EU sắp tới. Bà May vận một độ đầm màu cam đi kèm một nụ cười thân thiện. Tại G20, bà May cũng phải trả lời các câu hỏi về việc Anh trì hoãn xây dựng nhà máy điện hạt nhân được Trung Quốc hỗ trợ.
5. Vladimir Putin: Trong ảnh, Tổng thống Nga đang mỉm cười nhìn về phía ngược lại với Tập Cận Bình. Hiện nay, Putin đang là trung tâm điểm của những căng thẳng xung quanh vấn đề an ninh mạng, Ukraine và Syria.
6. Shinzo Abe: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự G20 trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang gia tăng. Mối quan hệ giữa Nhật Bản với nước chủ nhà Trung Quốc cũng đã trở nên tồi tệ hơn do xung đột liên quan đến vấn đề chủ quyền hòn đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Shenkaku. Hôm nay, Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập sẽ có buổi hội đàm về vấn đề này.
7. Justin Trudeau: Thủ tướng Canada tận dụng hội nghị G20 là cơ hội tiến đến một chuyến thăm đến Trung Quốc nơi ông hứa hẹn sẽ tái thiết mối quan hệ với quốc gia này sau những căng thẳng kể từ khi ông nhậm chức tháng 10/2015.
8. Narendra Modi: Vị lãnh đạo hiếm hoi nở nụ cười thoải mái trong số 36 vị lãnh đạo đứng trên sân khấu G20. Điều đó cũng dễ hiểu bởi Ấn Độ đang là nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đã hứa hẹn sẽ kích thích cải cách nền kinh tế mà G20 đang hướng đến