G20: Khi cuộc họp trở thành “cuộc thảo luận suông"

14/09/2015 08:22 AM |

Kết quả cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ từ 4 - 5/9 đã không làm nhiều người ngạc nhiên, khi các quốc gia tiếp tục cam kết trong lúc các tổ chức quốc tế tiếp tục cảnh báo.

Một số chuyên gia cho rằng việc thiếu vắng các biện pháp cũng như hành động cụ thể đã biến các cuộc họp của G20 trở thành những “cuộc thảo luận suông.”

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ hành động kiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cố gắng kiềm chế những động thái tiền tệ có tác động tiêu cực sau quyết định bất ngờ điều chỉnh hạ tỷ giá đồng nội tệ của Trung Quốc hồi tháng 8/2015.

Theo nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với một thử thách lớn mang tên tăng trưởng yếu và không đồng đều.

Trước cuộc họp, IMF đã cảnh báo tăng trưởng kinh tế chậm lại và biến động thị trường ở Trung Quốc đã làm tăng rủi ro đối với nền kinh tế thế giới.

Tuy vậy, G20 chưa đề ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào để ứng phó với những tác động tiêu cực "lan ra" từ cuộc khủng hoảng hiện nay ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hay kêu gọi Trung Quốc tìm hướng giải quyết những vấn đề mang tính cơ cấu như nợ xấu tiếp tục tăng.

Tại cuộc họp lần này, các nhà lãnh đạo G-20 đã không đề cập đến tình hình kinh tế Trung Quốc, thay vào đó là cam kết sẽ không áp dụng các biện pháp phá giá tiền tệ nhằm đem lại lợi thế không công bằng cho lĩnh vực xuất khẩu trong nước.

Các nền kinh tế G20 tuyên bố sẽ điều chỉnh thận trọng và giảm thiểu những tác động tiêu cực, giảm nhẹ những bất ổn và thúc đẩy sự minh bạch giữa lúc các nền kinh tế chủ chốt đang tìm kiếm tăng trưởng mạnh mẽ.

Trên thực tế, việc hạ giá đồng nội tệ và nâng giá USD là một con dao hai lưỡi. Ngoài việc thúc đẩy xuất khẩu, các nền kinh tế cũng phải đối mặt với những khoản nợ bằng USD lớn hơn trong lúc phải huy động thêm đồng nội tệ để thanh toán.

Bên cạnh những nguy cơ từ kinh tế Trung Quốc, giới thị trường cũng bắt đầu lo ngại trước những đồn đoán về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương).

Mỹ đã duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức thấp gần 0% kể từ năm 2008 nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Trong khi các chuyên gia kinh tế nhận định trạng thái "khỏe mạnh" hiện nay của kinh tế Mỹ có thể khiến FED tính đến việc tăng lãi suất.

Tuy vậy, G20 cũng không thể gây sức ép để Fed lùi thời điểm tăng lãi suất, bất chấp những lo ngại của một số nền kinh tế mới nổi cho rằng động này có thể gây ra tình trạng thoái vốnbiến động tỷ giá.

Thay vào đó, tuyên bố chung G20 kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương không lạm dụng tỷ lệ lãi suất như một công cụ để thúc đẩy hoạt động kinh tế, mà nên thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng và tạo việc làm.

Tuyên bố nêu rõ: "Việc quá phụ thuộc vào chính sách tiền tệ sẽ không dẫn đến tăng trưởng cân bằng."

Trái với cuộc họp trước, cuộc họp lần này của G20 không bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sau khi việc đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba dành cho Hy Lạp đã giúp xoa dịu những quan ngại của các nền kinh tế thành viên.

Cuộc họp G20 kỳ này lại diễn ra trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu vừa trải qua cú sốc lớn do tác động của một loạt yếu tố như: Triển vọng tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc; sự sụt giảm mạnh của các thị trường chứng khoán và việc Bắc Kinh đột ngột điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ trong những ngày đầu tháng 8/2015.

Sự trì trệ của nền kinh tế lớn nhất châu Á đang gây ra những tác động lớn hơn dự báo, thể hiện qua những biến động về giá các hàng hóa quan trọng và thị trường chứng khoán thế giới.

Lấy dẫn chứng hoạt động kinh tế của Trung Quốc không khởi sắc đã đẩy dầu mỏ và đồng - hai mặt hàng xuất khẩu chính của Brazil, Nga và một số nước khác - rớt giá thảm hại, IMF cho rằng sự biến động của tỷ giá đồng nhân dân tệ và xu hướng mạnh lên của đồng USD đã khiến các nền kinh tế mới nổi bị liên lụy.

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong khu vực Eurozone giai đoạn 2015-2017.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khối sẽ tăng 1,4% trong năm 2015 so với mức dự báo tăng 1,5% trước đó; năm 2016 là 1,7% so với 1,9% và năm 2017 chỉ tăng 1,7% thay vì 2%.

Tỷ lệ lạm phát trong khối của cả năm 2015 cũng giảm còn 0,1% so với dự báo 0,3% trước đó, năm 2016 là 1,1% so với mức 1,5%.

Chủ tịch ECB Mario Draghi còn cảnh báo lạm phát ở Eurozone có thể sẽ giảm xuống mức âm trong những tháng tới đây, song chỉ mang tính ngắn hạn.

Phát biểu tại hội nghị G20, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng kinh tế thế giới đang phải chịu tác động từ nhiều phía.

Theo bà Lagarde, phần lớn các chỉ số kinh tế như thương mại, đầu tư đều yếu và chỉ số duy nhất không quá thấp lại là tỷ lệ thất nghiệp.

Để hạn chế tác động xấu của những nguy cơ này, IMF hối thúc các nước phát triển cần duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, song song với các chính sách tài khóa hợp lý.

Đặc biệt, mỗi quốc gia cần có những lộ trình riêng, với những chính sách tài chính khôn ngoan để kiểm soát tăng trưởng tín dụng và duy trì dự trữ ngoại hối.

Rõ ràng, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều nguy cơ, song các chuyên gia nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các tổ chức quốc tế và các quốc gia không nên chỉ dừng ở việc kêu gọi và cam kết, thay vào đó cần đưa ra hành động và giải pháp cụ thể. Một nhà phân tích nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cải tạo thế giới chỉ bằng lời nói”.

 

 

Theo Trà My

Cùng chuyên mục
XEM