Điện thoại có nghe lén bạn để đề xuất quảng cáo không? Hóa ra, nó chẳng cần làm điều đó
Nếu bạn không muốn bị bắt thóp, thì đừng để lộ bản thân mình.
Đã bao giờ trong một buổi tán gẫu ngoài đời thật, bạn nói với một người bạn rằng mình đang muốn mua một món đồ gì đó. Rồi đúng ngày hôm sau, bạn thấy một quảng cáo về chính món đồ này trên điện thoại di động của mình.
Sự trùng hợp có thể sẽ khiến bạn tự hỏi: Liệu chiếc điện thoại trong túi ngày hôm qua có đang nghe lén cuộc trò chuyện của mình hay không?
Dana Rezazadegan, một giảng viên tại Đại học Công nghệ Swinburne, Australia nghĩ rằng không, chiếc điện thoại thực sự chẳng cần nghe lén bạn để làm được điều đó. Nó đã có đủ thông tin theo vô số cách khác để đề xuất cho bạn đúng mặt hàng mà bạn đang nhắm tới.
Dưới đây là lời giải thích của Rezazadegan cho hiệu ứng "nghe lén" của điện thoại.
Điện thoại có nghe lén được không?
Hầu hết chúng ta thường xuyên tiết lộ thông tin của mình cho một loạt các trang web và ứng dụng. Điều này xảy ra khi bạn đồng ý cấp quyền cho các trang web và ứng dụng đó, hoặc cho phép "cookie" theo dõi các hoạt động trên môi trường trực tuyến của chúng ta.
Cái gọi là "cookie của bên thứ nhất" cho phép các trang web "ghi nhớ" một số chi tiết nhất định khi chúng ta tương tác trên đó. Ví dụ: cookie đăng nhập cho phép bạn lưu lại tài khoản và mật khẩu của mình để không phải nhập lại chúng một lần nào nữa.
Tuy nhiên, "cookie của bên thứ ba" là một thứ được tạo bởi các domain bên ngoài trang web bạn đang truy cập. Bên thứ ba thường sẽ là một công ty marketing hợp tác với trang web hoặc ứng dụng của bên thứ nhất.
Bên thứ nhất thì lại thường phân phối quảng cáo cho bên thứ ba và cho phép họ truy cập vào dữ liệu mà bên thứ nhất thu thập được từ bạn (điều mà bạn đã vô tình cho phép họ thực hiện từ lúc tích vào một ô vuông tưởng chừng như vô hại).
Như vậy, đó là cách mà nhà quảng cáo có thể vẽ lại bức tranh về cuộc sống của bạn: từ thói quen cho đến mong muốn và nhu cầu của bạn. Các công ty này liên tục tìm cách đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của họ, dựa trên các yếu tố như độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng, công việc và sở thích của khách hàng.
Bằng cách phân loại và nhóm những thông tin này, các nhà quảng cáo có thể cải thiện thuật toán đề xuất của họ, sử dụng một thứ gọi là "hệ thống đề xuất nhắm mục tiêu" để tiếp cận tới đúng khách hàng với đúng một quảng cáo phù hợp.
Đằng sau đó là hoạt động của những cỗ máy tính
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), có một số kỹ thuật học máy có thể giúp hệ thống của các nhà quảng cáo lọc và phân tích tất cả dữ liệu mà bạn để lộ, chẳng hạn như kỹ thuật phân nhóm, phân loại, liên kết và học củng cố (Reinforcemant learning - RL).
Một hệ thống có khả năng học củng cố RL có thể tự đào tạo nó dựa trên phản hồi thu được sau các tương tác từ phía người dùng. RL hoạt động giống như cách một đứa trẻ học được rằng chúng nên lặp lại một hành động nếu hành động đó dẫn đến phần thưởng.
Bằng cách xem hoặc nhấn "thích" cho một bài đăng trên mạng xã hội, bạn sẽ gửi tín hiệu phần thưởng đến hệ thống RL. Tín hiệu này xác nhận rằng bạn bị thu hút bởi bài đăng - hoặc có thể quan tâm đến người đã đăng bài viết đó. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, một thông báo cũng sẽ được gửi đến hệ thống RL để phân tích sở thích và những ưu tiên cá nhân của bạn.
Ví dụ nếu bạn bắt đầu tích cực "thích" các bài đăng về "chánh niệm" trên một nền tảng mạng xã hội, hệ thống của nó sẽ học cách gửi cho bạn những quảng cáo của các công ty cung cấp sản phẩm hoặc nội dung liên quan đến chánh niệm.
Các đề xuất quảng cáo cũng có thể dựa trên nhiều dữ liệu khác, có thể kể một cách không đầy đủ như sau:
- Những quảng cáo khác mà bạn đã nhấp vào trước đó
- Thông tin cá nhân mà bạn đã cung cấp cho nền tảng (chẳng hạn như tuổi, địa chỉ email, giới tính, vị trí của bạn và những thiết bị nào bạn dùng để truy cập vào nền tảng)
- Thông tin được chia sẻ với nền tảng bởi các nhà quảng cáo hoặc đối tác tiếp thị khác mà bạn đã là khách hàng của họ
- Các trang hoặc nhóm cụ thể mà bạn đã tham gia hoặc "thích" trên nền tảng.
Trên thực tế, các thuật toán AI có thể giúp các nhà marketing thu được một nguồn dữ liệu khổng lồ và sử dụng chúng để xây dựng toàn bộ mạng lưới xã hội của bạn, xếp hạng những người xung quanh bạn dựa trên mức độ bạn "quan tâm" (tương tác với) họ.
Sau đó, nhà marketing có thể bắt đầu nhắm mục tiêu tới bạn bằng quảng cáo – bây giờ không chỉ dựa trên dữ liệu của riêng bạn mà còn dựa trên dữ liệu được thu thập từ bạn bè và các thành viên khác trong gia đình bạn.
Ví dụ: Facebook có thể giới thiệu cho bạn thứ gì đó mà bạn của bạn đã mua gần đây. Nó không cần phải "nghe lén" cuộc trò chuyện giữa bạn và bạn của bạn để làm được điều này.
Bảo vệ quyền riêng tư là một lựa chọn
Các nhà cung cấp ứng dụng ngày nay mặc định phải gửi cho người dùng các điều khoản và điều kiện rõ ràng về cách họ thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu. Nhưng bản thân người dùng cũng phải cẩn thận về những quyền mà họ cấp cho các ứng dụng và trang web mình sử dụng.
Khi có sự nghi ngờ, bạn chỉ nên cấp những quyền tối thiểu nhất. Ví dụ, sẽ thật hợp lý nếu bạn cấp cho WhatsApp quyền truy cập vào máy ảnh và micro của bạn, vì ứng dụng này không thể cung cấp một số dịch vụ nếu không có những quyền truy cập này. Nhưng rõ ràng không phải tất cả các ứng dụng và dịch vụ đều cần đến quyền truy cập vào micro và máy ảnh trên điện thoại của bạn.
Có lẽ bạn không ngại khi nhận quảng cáo được nhắm mục tiêu dựa trên dữ liệu của mình, và thậm chí còn có thể thấy thích chúng. Nghiên cứu đã chỉ ra những người có thế giới quan "thực dụng" (hoặc thực tế) hơn sẽ thích các đề xuất từ AI hơn các đề xuất từ con người.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu bạn cứ để AI đề xuất cho bạn các lựa chọn, cuối cùng, nó có thể thu hẹp thế giới quan và nhu cầu của bạn bằng cách đề xuất đi đề xuất lại những nội dung và mặt hàng gần giống nhau.
Bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng các lựa chọn được sắp xếp theo thuật toán như vậy, các công ty có thể ngầm điều khiển sở thích và lối sống của bạn trong một khuôn khổ ngày càng bó hẹp lại.
Nếu bạn không muốn bị bắt thóp, thì đừng để lộ bản thân mình
Có một số mẹo đơn giản mà bạn có thể làm theo để hạn chế lượng dữ liệu mà bạn chia sẻ trên internet. Trước tiên, bạn nên thường xuyên xem xét quyền truy cập của các ứng dụng trên điện thoại.
Ngoài ra, hãy suy nghĩ kỹ trước khi cấp quyền cho một ứng dụng hoặc trang web hoặc cho phép chúng thu thập cookie từ bạn.
Nếu có thể, hãy tránh sử dụng các tài khoản mạng xã hội để kết nối hoặc đăng nhập vào các trang web và dịch vụ khác. Trong hầu hết các trường hợp, sẽ có một tùy chọn để đăng ký qua email, thậm chí có thể là một "burner email" chỉ dùng một lần.
Sau khi bạn bắt đầu quá trình đăng nhập, hãy nhớ rằng bạn chỉ nên chia sẻ càng ít thông tin cần thiết càng tốt. Và nếu bạn có sự nhạy cảm về quyền riêng tư, hãy cân nhắc cài đặt mạng ảo (VPN) trên thiết bị của mình. Điều này sẽ giúp che đi địa chỉ IP và mã hóa các hoạt động trực tuyến của bạn.
Hãy thử làm một thí nghiệm
Nếu bạn vẫn nghĩ rằng chiếc điện thoại trong túi đang nghe lén mình, có một thử nghiệm đơn giản mà bạn có thể thực hiện.
Hãy mở phần cài đặt trên điện thoại và hạn chế quyền truy cập vào micro đối với tất cả các ứng dụng. Sau đó, hãy chọn trong đầu một sản phẩm mà bạn chắc chắn mình chưa tìm kiếm nó bao giờ, trên bất kỳ thiết bị nào của mình.
Bước tiếp theo là nói to tên gọi sản phẩm đó khi bạn nói chuyện với một người khác. Đảm bảo rằng bạn lặp lại quá trình này một vài lần.
Nếu trong một vài ngày sau đó, bạn không nhận được bất kỳ quảng cáo được nhắm mục tiêu nào, điều này cho thấy điện thoại của bạn thực sự không "nghe lén" bạn. Nó hoàn toàn có những cách khác để đọc hiểu suy nghĩ của bạn.