Dịch vụ giao đồ ăn đẩy Thái Lan chìm sâu vào khủng hoảng nhựa

22/06/2020 14:45 PM | Xã hội

Tại Thái Lan, đi cùng gia tăng nhu cầu giao đồ ăn tại nhà là sự phình to của số rác thải nhựa dùng một lần.

Tại Thái Lan, đi cùng gia tăng nhu cầu giao đồ ăn tại nhà là sự phình to của số rác thải nhựa dùng một lần. Các nhà hoạt động môi tường cho biết thực trạng trên đang đẩy lùi mọi nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường của quốc gia này.

Đại dịch Covid-19 đến và mang lại nhiều hệ quả, cả tích cực và tiêu cực, cho môi trường tự nhiên của Thái Lan. Nhiều cá thể cá dúi, rùa biển và và rái cá trở lại các bãi biển, vốn thường tràn ngập khách du lịch. Nhưng tại khu vực đô thị, khi đại dịch buộc mọi người ở nhà và gọi đồ ăn về, hộp nhựa đựng đồ ăn, thìa dĩa và túi nilon đang chất đống, đang làm tắc nghẽn kênh rạch và sông ngòi và bãi rác.

Ông Wijarn Simachaya, chủ tịch Viện Môi trường Thái Lan, cho biết chỉ từ tháng 1 đến tháng 3, chất thải đô thị tăng gần gấp đôi so với một năm trước, chủ yếu là do sự gia tăng của dịch vụ giao đồ ăn tại nhà. Chỉ riêng Bangkok, lượng rác thải tăng 62% vào tháng 4.

“Tình hình hiện rất đáng lo ngại”, Wijarn Simachaya nói.

Tại hệ thống kênh rạch của Thái Lan, công nhân thu gom rác trục vớt chai nhựa, túi bóng và hộp nhựa từ dòng nước hôi thối.

"Ở Thái Lan, ô nhiễm nhựa có thể giết chết nhiều người hơn virus corona", nhà bảo vệ môi trường 12 tuổi Ralyn "Lilly" Satidtanasarn nói với nhà hoạt động biến đổi khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg.

'Cai nghiện nhựa'

Theo số liệu của nhóm chiến dịch Tổ chức Bảo tồn Đại dương, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc và một số quốc gia khác thải ra nửa số rác thải nhựa trên đại dương. Năm ngoái, các quốc gia trên đã cam kết, hoặc đưa ra các quy tắc mới để cấm túi nhựa và các mặt hàng nhựa sử dụng một lần khác.

Vào tháng 1, Thái Lan ra lệnh cấm túi bóng tại siêu thị và cửa hàng bách hóa. Trước đó, trung bình một người Thái sử dụng 8 túi nilon mỗi ngày, nhiều hơn 12 lần so với tại Liên minh châu Âu.

Thái Lan đã vượt qua Covid-19 khá tốt, với chỉ hơn 3.100 ca nhiễm và dưới 60 ca tử vong. Nhưng nỗi sợ nhiễm bệnh lại mang đến lo ngại lâu dài khác là túi nhựa sử dụng một lần. Quá trình bình thường mới đi kèm với nhựa – dao dĩa trong túi nhựa tiệt trùng và gia vị đồ ăn trong túi khóa kéo.

"Phần lớn các loại nhựa nêu trên sẽ trôi ra các sông và đại dương", Tara Buakamsri, tổ chức Greenpeace Thái Lan, cảnh báo.

Ông cho biết rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh “nhấn mạnh một cách tàn nhẫn” rằng nhu cầu quản lý chất thải cần cải thiện hơn nữa tại Thái Lan, nơi chỉ có khoảng 19% trong 2 triệu tấn chất thải nhựa sản xuất năm ngoái được tái chế.

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu phổ biến sử dụng nhựa tái chế 100% vào năm 2027.

Các quốc gia khác có lượng chất thải nhựa lớn tại châu Á vẫn chưa đưa ra số liệu toàn diện về nhu cầu sử dụng nhựa trong thời gian Covid-19 bùng phát nhưng tại một số thành phố của Nhật Bản, nơi công dân thực hiện việc tái chế tốt hơn, cũng xuất hiện những báo cáo về sự gia tăng chất thải nhựa.

Quan ngại về thực trạng “nghiện” sử dụng nhựa tại Thái Lan, các tổ chức xã hội dân sự kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng “cai nghiện” nhựa cho cộng đồng.

Ở miền bắc Thái Lan, một học giả đang dẫn đầu nhóm bảo vệ môi trường với ý tưởng làm đường bằng túi nhựa trộn với cát.

Anh Wechsawan Lakas, Đại học Chiang Mai Rajabhat, cho biết các tấm vật liệu tái chế nhẹ hơn, dễ vận chuyển và có thể tồn tại đến 400 năm trước khi phân hủy.

Nhưng những tiến bộ như trên thật sự quá nhỏ bé so với quy mô ngành công nghiệp nhựa của Thái Lan. Lakas khẳng định rằng tác động chính trị là cần thiết để thay đổi thói quen người tiêu dùng và cả nguồn nguyên liệu thô. Anh cho rằng “chính phủ sẽ khó thực hiện các chính sách gay gắt do nguồn lực của ngành hóa dầu”.

"Thay đổi tâm lý sẽ mất nhiều năm", theo Lakas.

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM