Địa ốc Alibaba dùng "chiêu độc" nhận đặt cọc dự án đất nền "qua mặt" cơ quan chức năng
Tại buổi tọa đàm “Thị trường BĐS: Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội” diễn ra tại TP.HCM vào chiều 29/11, ông Huỳnh Công Nam - Phó Chánh Thanh Tra Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết Alibaba dự tính nhận cọc tiếp dự án đất nền Củ Chi nhưng khi thấy hiện diện của cơ quan công an thì ngay lập tức chuyển hướng sang nhận đặt cọc dự án khác ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Theo đó, qua kiểm tra của Thanh tra Sở Xây dựng cho thấy, khu đất tại huyện Củ Chi mà công ty địa ốc Alibaba đã rao bán một thời gian dài nằm trong một phần quy hoạch khu đô thị Tây Bắc. Khu đất này mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/2000 vào năm 2013. Hiện khu đất chưa được phê duyệt 1/500, chưa có chủ đầu tư, chưa thực hiện các công tác đền bù giải tỏa và chưa được đầu tư bất kỳ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nào. Khu đất này cũng vừa được UBND TP.HCM đưa ra chào mời các nhà đầu tư để phát triển thành khu dân cư hiện đại.
"Hiện nay, tại đây có rất nhiều hộ dân cư đang sinh sống và kinh doanh rất bình thường. Vì thế, việc công ty địa ốc Alibaba tự đứng ra thực hiện phân chia quy hoạch, vẽ sơ đồ và lập dự án khu dân cư để huy động vốn, quảng bá rầm rộ mình là chủ đầu tư, rồi ký nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ là hoàn toàn trái pháp luật", ông Nam khẳng định trước hàng trăm đại biểu tham dự sự kiện.
Cũng theo ông Nam, sau khi làm việc trực tiếp với đại diện công ty này, Thanh tra Sở đã có những báo cáo cụ thể trình lãnh đạo Sở Xây dựng. Ngày 28/11, Sở Xây dựng đã triệu tập cuộc họp gồm có đại diện UBND thành phố, các sở ngành liên quan, hiệp hội BĐS TP.HCM, cơ quan an ninh thuộc Bộ Công an để xem xét tình hình, lập báo cáo trình cấp có thẩm quyền.
"Trước mắt, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng sẽ thực hiện phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở. Sở cũng sẽ có báo cáo gửi UBND TP.HCM trong nay mai, trong đó sẽ có một số đề xuất, kiến nghị nhằm chặn đứng các hành vi lừa đảo của công ty này để không xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai, giúp thị trường địa ốc được trong sạch", ông Nam nói thêm.
Khi được hỏi về viêc các cơ quan chức năng TP.HCM được giao nhiệm vụ thanh kiểm tra doanh nghiệp này, nhưng vẫn để họ thực hiện lễ mở bán một số dự án đất nền trong sáng 26/11, ông Nam cho hay ngay hôm đấy được biết công ty Alibaba dự tính nhận đặt cọc tiếp tục dự án đất nền Củ Chi. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp này biết có sự hiện diện của cơ quan công an, thanh tra các sở ngành, thì lập tức họ chuyển hướng sang việc nhận tiền đặt cọc một dự án đất nền khác tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Do đây là dự án thuộc địa bàn ngoài TP.HCM, chúng tôi không thể can thiệp ngay lập tức. Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu cùng lãnh đạo TP.HCM có cơ chế phối hợp với các tỉnh, thành lân cận để có biện pháp xử lý hiệu quả và kịp thời hơn. Hiện nay, Sở Xây dựng chưa có thông tin cụ thể về số tiền phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm của công ty Alibaba. Các bộ phận chức năng hiện đang làm việc để lập báo cáo trình UBND TP.HCM và chuyển hồ sơ vụ việc sang Bộ Công An", ông Nam cho biết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, trong năm 2017, Hiệp hội đã cảnh báo đến cơ quan chức năng về các công ty bất động sản như Kim Phát, Việt Hưng Phát… với gần 20 văn bản để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Mới đây, Hiệp hội cũng đã cảnh báo đến người tiêu dùng hết sức cẩn trọng đối với công ty cổ phần địa ốc Alibaba, khi doanh nghiệp này tiến hành huy động vốn của khách hàng theo hình thức đặt chỗ cho một dự án nằm trong khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, trong khi dự án này chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận họ là chủ đầu tư dự án Theo đó, đến nay đã có gần 500 người đặt chỗ dự án này với tổng số thu hơn 17 tỷ đồng.
Cũng theo ông Châu, trên thị trường BĐS, đa số doanh nghiệp, công ty môi giới có trách nhiệm với khách hàng, có năng lực. Nhưng bên cạnh đó, một số chủ đầu tư có những việc làm, hành vi gây tổn hại với khách hàng, gây tác động xấu tới thị trường BĐS như hành vi “bán chênh”, thế chấp dự án và căn hộ dự án đã bán cho người tiêu dùng; một căn hộ bán cho nhiều người, giao nhà không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng như đã cam kết, đưa thông tin không đúng sự thật để lừa dối khách hàng…
"Như vậy, nếu chúng ta không kịp thời đưa ra những cảnh báo thì các công ty như Alibaba sẽ còn thực hiện những việc huy động vốn trái pháp luật, làm ảnh hưởng rất xấu đến thị trường BĐS. Hệ lụy lớn nhất là khách hàng sẽ bị nhiều thiệt thòi, mất lòng tin vào thị trường, gây ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp địa ốc khác", ông Châu phát biểu.