ĐBQH hiến kế cho xuất khẩu Việt Nam: Cần một 'tiếng nói ban đầu' của Trung ương, địa phương tự làm không đủ sức!
Đại biểu Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai – khi nói đến các giải pháp giúp tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế đã chỉ ra một thực trạng rằng các địa phương hiện mới chỉ đang làm xuất khẩu rất riêng rẽ, làm tự phát chứ hoàn toàn chưa có định hướng của Chính phủ hỗ trợ.
Ngày thứ 4 của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, các Đại biểu đã có những phiên thảo luận tại tổ về việc đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, cũng như tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2017.
Tại đoàn Đồng Nai, Đại biểu Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai – khi nói đến các giải pháp giúp tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế đã chỉ ra một thực trạng rằng các địa phương hiện mới chỉ đang làm xuất khẩu rất riêng rẽ, làm tự phát chứ hoàn toàn chưa có định hướng của Chính phủ hỗ trợ.
“Nếu như địa phương mà tự chủ động thì sức của địa phương cũng không bằng. Sáng nay, các đồng chí thấy rằng đồng chí Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nói đến vấn đề xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, xúc tiến thương mại như thế nào ? Phải có định hướng rõ ràng” – Bà Thanh nói.
Vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai hiến kế với xuất khẩu Việt Nam rằng không chỉ các thị trường truyền thống mà tới cả các thị trường dù chưa được tiếp cận nhưng chứa đầy tiềm năng với hàng Việt cũng cần được quan tâm.
Việc này là một điều rất cần thiết, bởi lẽ sức sản xuất tiềm ẩn của các doanh nghiệp Việt, của bà con nông dân Việt Nam là còn rất dồi dào. Ngoài các thị trường truyền thống, bà Thanh cho rằng cần phát triển cả những thị trường khác:
“Nếu chúng ta không quan tâm đến sự đồng đều, sự phù hợp cung cầu thì sẽ rất khó. Có những thị trường truyền thống trước đây Bộ Công thương chúng ta vẫn giữ, tuy nhiên, bên cạnh đó thì các đồng chí cũng thấy rõ là có thêm rất nhiều những thị trường bên cạnh thị trường truyền thống nhưng chúng ta chưa đạt tới”.
Một số thị trường mới mà Việt Nam nên khai phá ở đây được bà Thanh chỉ rõ là như Nam Phi hay UAE. Đây là những thị trường mà nếu hàng hóa Việt thâm nhập được vào thì sẽ “rất phù hợp với tính cách của doanh nghiệp Việt Nam mình”.
Và vì việc doanh nghiệp nên khai phá những thị trường mới để tìm đầu ra, tiếng nói của Trung ương với chính quyền nước bạn, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp khi ‘mang chuông đi đánh xứ người’ sẽ là rất cần thiết.
Nói riêng về địa phương mình, bà Thanh kể rằng trước đây Đồng Nai đã có sự tiếp cận với những thị trường mới, thế nhưng cho đến khi tiếp cận được rồi thì các tham tán thương mại ở bên nước sở tại không có sự kết nối chặt chẽ. Chính vì thế, Đồng Nai đành phải buông bỏ kế hoạch cho các doanh nghiệp của mình tiến sang một thị trường mới.
“Nếu như từng địa phương như nãy lẻ loi thì sức không có. Mà nói gì thì nói, nếu như mình đi xa ra nước ngoài mà có được tiếng nói của Trung ương thì địa phương đúng là rất là tự tin, rất là vững”, Bà Thanh tin tưởng.
Một cách tổng quát hóa, bà Thanh nhấn mạnh đây chính là chìa khóa cho bài toàn làm sao để tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng, "mà tăng trưởng ở đây là ổn định, thật sự, có nghĩa là chúng ta định hình rõ ràng sẽ sản xuất gì để đáp ứng cho thị trường, chứ không làm tự phát, mỗi địa phương đều ‘tự’ như trước đây"
Và, chìa khóa này nằm chính ở một tiếng nói ‘ban đầu’ của Trung ương, tạo những sự kết nối ban đầu giữa các doanh nghiệp Việt với các thị trường mà chúng ta còn rất lạ lẫm.
“Ở đây, tôi nghĩ là không chỉ riêng tỉnh Đồng Nai mà các địa phương cũng thấy rõ là chúng ta cần nhất là tiếng nói ban đầu, kết nối ban đầu của Bộ ngành Trung ương để từ đó giúp cho địa phương tự thực hiện.
Do đó, tôi đề nghị Bộ Công thương nên có những định hướng rõ ràng trong vai trò xúc tiến thương mại, tạo cầu nối vững chắc cho các địa phương” – Bà Thanh đề nghị cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.