Lý do thực sự cho quyết định cứng rắn của Tổng thống Trump

09/01/2020 09:11 AM | Xã hội

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường dầu mỏ, việc gián đoạn nguồn cung và làm rối loạn giá dầu ở Trung Đông chẳng ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Mỹ nữa.

Nước Mỹ hiện đã là quốc gia xuất khẩu ròng về dầu mỏ trong khi Iran phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong lịch sử. Điều này khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm giữ nhiều lợi thế hơn đối phương so với những người tiền nhiệm trước đây.

Trên thực tế, những người tiền nhiệm của Tổng thống Trump là ông Barack Obama, George W Bush cũng đã từng xem xét tiêu diệt tướng Qassem Suleimani nhưng đều đã dừng tay. Vậy tại sao Tổng thống Trump lại quyết định khai hỏa tên lửa sát hại vị tướng này? Điều gì khiến ông nghĩ rằng Mỹ đã ở vị thế có thể giết nhà lãnh đạo quyền lực thứ 2 của Iran?

Xét theo khía cạnh kinh tế, có lẽ mọi người sẽ nhận ra tại sao Mỹ lại đi đến quyết định cứng rắn trên.

Dầu mỏ tăng giá là tin vui cho Mỹ

"Những người đàn ông tự làm nên lịch sử của đời họ, nhưng chúng sẽ không diễn ra theo cách mà họ muốn. Họ không viết nên cuộc đời mình dựa theo bối cảnh mà bản thân được lựa chọn, thay vào đó là dựa trên những thứ vốn đang có", nhà tư tưởng Karl Marx từng viết.

Lý do thực sự cho quyết định cứng rắn của Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Donald Trump khác với ông Obama hay Bush. Bất kể quyết định của ông bị chỉ trích thế nào thì trước khi ra lệnh tiêu diệt Suleimani, Tổng thống Trump cũng đã suy xét trên phương diện là nhà lãnh đạo của Mỹ, của người dân nước này chứ không phải các nhà đầu tư chứng khoán hay nền kinh tế của nước khác. Ngoài ra, bối cảnh của Tổng thống Trump hiện có cũng khác so với thời của các tiền nhiệm.

Quay ngược lại trước khi vụ việc Suleimani diễn ra, cả Mỹ và Iran đã có quan hệ căng thẳng kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Dẫu vậy trong khi kinh tế Mỹ ngày một tốt hơn thì Iran với lệnh cấm vẫn lại đang lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.

Tính đến tháng 9/2019, Mỹ đã trở nước xuất khẩu ròng dầu mỏ lần đầu tiên trong lịch sử kể từ thập niên 1940. Giờ đây, giá dầu tăng lại trở thành tin tốt cho người Mỹ thay vì kỳ vọng giá giảm. Đây là một tín hiệu chẳng vui vẻ gì với Iran khi nước này khó gây hại đến nền kinh tế Mỹ hơn bằng thị trường dầu mỏ.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường dầu mỏ, việc gián đoạn nguồn cung và làm rối loạn giá dầu ở Trung Đông chẳng ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Mỹ nữa.

Vào thời Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (nhiệm kỳ 1977-1981), ông cho rằng một cuộc khủng hoảng năng lượng chả khác gì một cuộc chiến và đây là nguyên nhân chính khiến Mỹ rất chú trọng ổn định nguồn khai thác dầu tại Trung Đông. Thế nhưng giờ đây với công nghệ khai thác dầu đá phiến, Mỹ đã có thể tự chủ về năng lượng và thậm chí xuất khẩu chúng. Vai trò một Trung Đông ổn định ngày càng ít quan trọng hơn và giá dầu giờ không còn là vấn đề quá nguy hiểm với Mỹ.

Trái ngược lại, nền kinh tế Iran đang chịu thiệt hại nghiêm trọng sau nhiều năm cấm vận. Tỷ lệ lạm phát tại Iran đang tăng phi mã khi đồng nội tệ mất giá. Việc không giao thương nhiều được với nước ngoài cũng như tự chủ về mặt kinh tế, sản xuất khiến người dân Iran ngày càng sống trong nghèo khổ, đói ăn chứ chưa nói đến khả năng phát triển vũ khí hạt nhân hay chiến tranh tổng lực.

Lý do thực sự cho quyết định cứng rắn của Tổng thống Trump - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP của Iran

Năm 2015 khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, tăng trưởng nước này bật tăng trở lại 12,3% nhưng con số này giảm dần khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.

Số liệu chính thức của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy nền kinh tế Iran suy giảm 9,5% trong năm 2019 và đang đi xuống từ nhiều năm nay. Con số này là 4,8% năm 2018. Cũng theo IMF, tỷ lệ thất nghiệp của Iran đã tăng từ 14,5% năm 2018 lên 16,8% năm 2019.

Ngoài ra, số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy tổng GDP của Iran năm 2017 chỉ vào khoảng 439,5 tỷ USD, kém xa so với mức 19,39 nghìn tỷ USD cùng kỳ của Mỹ.

Một Venezuela thứ 2?

Kể từ năm 2018, việc chính quyền Washington duy trì cấm vận với Iran khiến nền kinh tế nước này chuyển biến xấu hơn. Hàng loạt những dự án năng lượng, khai thác dầu… vốn đã được lên kế hoạch từ hiệp định hạt nhân thời cựu Tổng thống Barack Obama giờ đây bị đổ bể.

Trên thực tế, kể từ khi Tổng thống Trump thắng cử vào năm 2016, kinh tế Iran đã có dấu hiệu bất ổn. Thời kỳ đó, tỷ giá tại chợ đen vào khoảng 34.000-37.000 Iranian Rial đổi 1 USD thì đến năm 2018 đã trở thành 110.000 Rial/USD, tương đương tỷ lệ mất giá 300% kể từ khi Tổng thống Trump đắc cử.

Sau khi Mỹ quyết định duy trì cấm vận vào năm 2018, tỷ giá tại Iran dao động quanh mốc 110.000-150.000 Rial/USD và mặc dù ngân hàng trung ương nước này cố định tỷ giá ở mức 42.000 Rial/USD nhưng chẳng có nơi nào tuân theo tỷ giá chính thức cả.

Lý do thực sự cho quyết định cứng rắn của Tổng thống Trump - Ảnh 3.

Tỷ giá đồng Rial với USD

Xin được nhắc lại Iran là một quốc gia nghèo, yếu kém về mọi mặt, họ phải nhập khẩu khá nhiều lương thực, thuốc men theo các đường phi chính thức cũng như dồn tiền tài trợ cho các hoạt động chống Mỹ ở Trung Đông. Tất nhiên, chúng được thanh toán bằng những ngoại tệ mạnh như USD.

Do tình hình quá mức tồi tệ nên Iran đã ngừng công bố số liệu lạm phát chính thức kể từ năm 2018, nhất là sau khi chỉ số gia tiêu dùng tăng hơn 100% chỉ trong 6 tháng trước quyết định ngừng công bố. Theo báo cáo của Trung tâm thống kê Iran (SCI), tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 12/2019 đạt tới hơn 50%. Đây là con số kỷ lục kể từ năm 1945 đến nay.

Theo World Bank, giá các mặt hàng thịt tại Iran có mức lạm phát 116%/năm, mặt hàng ăn uống có mức lạm phát 61%/năm, thuốc lá là 80%/năm… Hàng ngày, rất nhiều người dân Iran phải xếp hàng dài tại những cửa hàng trợ cấp thực phẩm.

Cũng chính bởi nguyên nhân này mà rất nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở Iran trong thời gian qua. Sự tăng giá phi mã của mọi thứ, nhất là giá xăng của một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khiến mọi người bất bình. Tháng 11/2019, chính phủ Iran tuyên bố từ bỏ quỹ bình ổn giá xăng, khiến mặt hàng này tăng giá 50%, và quy đinh mỗi chiếc xe chỉ được mua 60 lít xăng mỗi tháng bằng không sẽ phải trả thêm 30.000 Rial/lít.

Lý do thực sự cho quyết định cứng rắn của Tổng thống Trump - Ảnh 4.

Giá xăng tại Iran

Rất nhiều chi nhánh ngân hàng ở Iran đã bị thiêu cháy vì sự thất vọng của người dân. Tất nhiên, chính quyền Tehran không thể ngồi yên và khoảng 1.500 người biểu tình đã bị giết trong các cuộc đàn áp bạo động.

Như vậy trong tình hình hiện nay, nếu Iran quyết định đấu tay đôi với Mỹ, họ sẽ càng làm trầm trọng hơn tình hình trong nước vốn đã quá bết bát.

Iran hết tiền

Tệ hại hơn, nếu họ đi đến chiến tranh với Mỹ, các nguồn ngoại tệ nhờ hợp tác với những nước như Trung Quốc, Ấn Độ hay khu vực Châu Âu sẽ biến mất do chẳng quốc gia nào muốn lội vào vùng nước đục này. Mỹ chắc chắn sẽ cấm vận mạnh tay hơn cũng như kiểm soát chặt nguồn chảy dòng tiền. Hiện chính quyền Washington đã xử phạt rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức có giao dịch với Iran.

Đầu năm 2018, sản lượng dầu mỏ của Iran vào khoảng 3,8 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng 2,3 triệu thùng/ngày. Phần lớn dầu thô của Iran được mua bởi 8 nền kinh tế mà Mỹ tạm thời miễn lệnh trừng phạt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hy Lạp, Italy và Thỗ Nhĩ Kỳ.

Dẫu vậy khi Mỹ siết lệnh cấm và loại bỏ sự miễn trừ với 8 nền kinh tế vào tháng 6/2019, sản lượng của Iran đã bắt đầu giảm mạnh. Tính đến tháng 10/2019, sản lượng của Iran chỉ còn khoảng 2,1 triệu thùng và xuất khẩu bình quân chưa đến 260.000 thùng/ngày.

Lý do thực sự cho quyết định cứng rắn của Tổng thống Trump - Ảnh 5.

Sản lượng khai thác dầu mỏ tại Iran (triệu thùng/ngày)

Lý do thực sự cho quyết định cứng rắn của Tổng thống Trump - Ảnh 6.

Xuất khẩu dầu mot của Iran (triệu thùng/ngày)

Bên cạnh đó, việc thiếu tiền khiến Iran khó lòng duy trì các hoạt động chống Mỹ ở Trung Đông. Tháng 2/2019, Iran tuyên bố khoản thâm hụt ngân sách 10,7 tỷ USD, mức kỷ lục trong lịch sử. Thế nhưng tính đến tháng 10/2019 khi hàng loạt các vụ biểu tình bùng nổ, chính phủ lại tuyên bố một kỷ lục mới: thâm hụt ngân sách gần 30 tỷ USD.

Với lệnh cấm vận, Iran khó lòng phát hành trái phiếu để vay tiền tài chợ ngân sách công, do đó họ hầu như chỉ phụ thuộc vào những hoạt động giao thương ngầm cùng các dự án dầu mỏ với các đối tác không phải đồng minh của Mỹ.

Theo ước tính của IMF, dự trữ ngoại hối của Iran hiện chỉ còn khoảng 86 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2013 nhưng tệ hơn là họ chỉ có thể tiếp cận khoảng 10% con số này vì các lệnh cấm vận về tài chính.

Vậy theo bạn với tình hình như trên, liệu Iran có dám đối đầu tổng lực với Mỹ?

AB

Cùng chuyên mục
XEM