Đây là cách chính phủ Trung Quốc sử dụng hệ thống giám sát để giảm tình trạng bất ổn xã hội
Chính phủ Trung Quốc được cho là đang xây dựng một hệ thống gián điệp cực lớn làm nhiệm vụ phân tích dữ liệu kết hợp với giám sát quốc gia nhằm hạn chế tình trạng bất ổn xã hội.
Được tiến hành dưới sự giám sát nghiêm ngặt của nhà chức trách Bắc Kinh, dự án được triển khai từ 5 năm trước đã sắp đến thời gian hoàn thành - một báo cáo từ công ty Tình báo Stratfor cho hay.
Hệ thống này hoạt động như thế nào?
Trung Quốc vẫn luôn thu thập dữ liệu về người dân của mình trong nhiều năm qua, nhưng vì dữ liệu được đến từ quá nhiều nguồn khác nhau, nên ngay cả một đội ngũ nhân viên cấp cao cũng gặp rất nhiều khó khăn để phân loại ra những thông tin hữu ích – trừ khi có sự giúp đỡ của một chương trình quốc gia để có thể tiến hành việc phân tích dữ liệu trên một cơ sở dữ liệu thống nhất.
Trong 5 năm vừa qua, thứ Chính phủ Trung Quốc xây dựng chính là một hệ thống như thế.
Ý tưởng của việc giám sát quốc gia về lý thuyết khá đơn giản. Bắt đầu từ năm 2011, các quan chức chính phủ đã chia lãnh thổ Trung Quốc thành các “khối hành chính”. Mỗi khối hành chính được gán một mã gồm 14 chữ số và đưa vào cơ sở dữ liệu. Dữ liệu được nhập vào sau đó bao gồm tất cả những chi tiết nhỏ nhất của hệ thống cơ sở hạ tầng – mọi thứ từ một tòa nhà chọc trời đến một chiếc ghế đá ở công viên.
Để nhập được khối lượng dữ liệu khổng lồ như vậy, chính phủ Trung Quốc đã thuê hàng nghìn công nhân. Báo cáo của Stratfor khẳng định rằng, chỉ trong một vùng đã có đến 12.000 công nhân được thuê để giám sát từng 200 hộ gia đình. Tất cả những dữ liệu này sau đó được nhập vào một cơ sở dữ liệu trung tâm – nơi chúng được kết hợp với dữ liệu thu được từ camera an ninh và kiểm duyệt trang web.
”Các nhà chức trách có thể phân tích dữ liệu thu được để phát hiện các xu hướng sắp tới, từ đó hi vọng giảm thiểu được những bất ổn xã hội. Ví dụ, nếu có hơn 3 cuộc biểu tình xảy ra ở một thị trấn trong một thời gian nhất định, hệ thống sẽ thông báo cho các quản trị viên, để họ điều động thêm cảnh sát đến khu vực này hoặc điều chỉnh một số chính sách để duy trì sự ổn định.”
Thông tin này được hé lộ bởi một người trong cuộc, một người tự nhận đã được tham gia vào quá trình phát triển dự án. Người đó còn khẳng định Chính phủ Trung Quốc đã đưa một nhóm những người phát triển phần mềm tự do từ Mỹ về để làm việc cùng đội ngũ an nình quốc gia. Tuy nhiên thông tin này chưa bao giờ được xác nhận bởi một nguồn thứ 2.
Kỷ nguyên mới của Trung Quốc về “an ninh mạng tức thì”
Theo báo cáo của Bloomberg, Trung Quốc gần đây đã ban hành các đạo luật mới về an ninh mạng buộc tất cả các công ty hoạt động trong nước chia sẻ dữ liệu với Chính phủ và đội ngũ an ninh quốc gia để họ tiện “tra cứu”. Trong khi đó, mạng internet của Trung Quốc vẫn bị kiểm duyệt ngặt nghèo bởi bức tường lửa vĩ đại The Great Firewall.
Stratfor tuyên bố đã khám phá ra toàn bộ các hoạt động bên trong của hệ thống.
“Chính quyền Trung Quốc về mặt lí thuyết có đủ sức để đối phó với bất cứ mối hiểm họa nào ngay lập tức. Nếu nó được thực hiện một cách có hiệu quả, mạng lưới giám sát sẽ cung cấp cho chính quyền trung ương khả năng kiểm soát cao hơn nhiều so với khả năng kiểm soát của chính quyền địa phương. Điều này về cơ bản sẽ gây khó khăn cho các cán bộ trung cấp trong việc giấu giếm những hành vi mờ ám và cả khả năng quản lý yếu kém của mình.”
Họ nói thêm: “Khả năng đó rất quan trọng với lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn những thách thức kinh tế ngày càng lớn chắc chắn sẽ thúc đẩy sự bất ổn xã hội. Tốc độ phát triển chậm và quá trình công nghiệp hóa không hiệu quả sẽ đẩy một bộ phận dân cư Trung Quốc đến chỗ thất nghiệp mà lại không có sự giúp đỡ của các dịch vụ xã hội.
Đối mặt với những thách thức trên, Trung Quốc hi vọng rằng sự giám sát chặt chẽ và xử lí nhanh chóng, kết hợp với hành động phủ đầu sẽ giúp ngăn chặn các cuộc biểu tình và duy trì sự ổn định.
Động thái gần đây của các siêu cường quốc khác cũng cho thấy xu hướng tăng cường giám sát trong nước – đặc biệt là phát triển những chương trình gián điệp lấy lượng lớn dữ liệu từ các cuộc gọi, tin nhắn và hoạt động internet.
Ví dụ tại Anh, chính phủ đang cố gắng thông qua Investigatory Powers Bill – một đạo luật theo dõi mới của nước này - để cung cấp cho cảnh sát, chính phủ và các cơ quan tình báo quyền truy cập dễ dàng hơn vào dữ liệu thông tin liên lạc, thậm chí hợp pháp hóa quyền hack vào các thiết bị máy tính, thiết bị di động và mạng internet của người dân.