Đấu bọ - Thú chơi kì lạ của người Nhật Bản
Tại Nhật Bản, bọ hung là loại côn trùng có ảnh hưởng lớn tới nhiều khía cạnh trong văn hoá, đặc biệt hơn còn có một môn thể thao gắn liền với loài côn trùng này, đó chính là đấu bọ.
Nhật Bản vẫn được biết tới là quốc gia có nhiều sở thích, hành động kì lạ. Nếu ai đó chưa từng tới Nhật Bản, bạn có thể hỏi và chắc chắn họ sẽ nói rằng đây là một nơi lạ lùng, họ thích những điều kì quặc và có phần khác biệt so với thế giới xung quanh.
Thế nhưng, thực tế là Nhật Bản có nền văn hoá cùng các trào lưu đa dạng, có nhiều trào lưu sinh ra tại đây vươn tầm ảnh hưởng của mình ra thế giới.
Bọ hung trong văn hoá Nhật Bản
Bọ hung với sừng có thể nói là một trong những loài côn trùng có cấu tạo đặc biệt trong thế giới côn trùng, đối với nhiều người nó quả thật gớm giếc khi vừa có hình dáng xù xì lại vừa có thói quen... lăn chất thải không mấy sạch sẽ. Mặc dù vậy, loài côn trùng này lại có ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh của văn hoá Nhật, từ truyện tranh, trò chơi cho tới phim ảnh.
Trông có vẻ ghê gớm thế nhưng bọ hung thực chất lại là loài côn trùng hiền lành.
Trong khi phương Tây chú trọng tới những động vật "hùng vĩ" như sư tử, đại bàng, gấu, nhiều quốc gia châu Á đề cao hổ, rồng, phượng, ở Nhật Bản có thể nhắc tới bọ hung.
Đấu "bọ"
Tại Nhật Bản, có một thú vui với tên gọi là "đấu bọ", nơi người ta mang những con bọ hung sừng lớn tranh đấu, vật lộn cùng nhau giống với những võ sĩ sumo ngoài đời thực. Trẻ em Nhật Bản trước đây cũng dành rất nhiều thời gian trong các bãi cỏ hoặc cánh rừng để tìm cho mình những chú bọ hung to, khoẻ nhất mà chúng gặp được.
Tính tới thời điểm hiện tại, môn "đấu bọ" vẫn là một khái niệm chỉ xuất hiện trong những quốc gia châu Á, tại Việt Nam, có một số người sử dụng châu chấu, dế cho sở thích khác biệt này.
Môn thể thao này phổ biến tới nỗi nhiều cửa hàng tiện lợi bán những chú bọ với kích thước tương đối với giá từ 500 tới 1.000 Yen (Khoảng 100 tới 200.000 vnđ). Ngày nay, trẻ em Nhật không còn mấy hứng thú dạo chơi trong rừng bắt bọ nữa, chúng lười hơn một chút, bị ảnh hưởng nhiều bởi Internet cùng các trò chơi điện tử.
Bọ hung được bán rộng rãi trong nhiều cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản.
Giống như nhiều loại vật nuôi khác, bọ hung cũng có rất nhiều phụ kiện để người dùng sử dụng trong quá trình nuôi.
Tiếp theo, để có thể chơi được trò chơi này, tất nhiên phải có ít nhất 2 người, 2 chú bọ. Họ sẽ chuẩn bị một khúc gỗ nhỏ rồi đặt 2 chú bọ của mình lên đó. Hai chú bọ sẽ lao vào nhau, dùng sừng của mình để quật ngã đối thủ. Hiệp chơi kết thúc khi một chú bay khỏi khúc gỗ hoặc bỏ chạy.
Một trận "đấu bọ" tại Nhật Bản.
Giống với rất nhiều môn thể thao khác, những người chủ của bọ hung sẽ luyện tập cùng chúng hàng ngày, sử dụng ngón tay của mình như đối thủ để tập luyện sức khoẻ, sự dẻo dai cho bọ. Một số thậm chí còn sử dụng các phương pháp kì quặc để bọ hung hăng hơn, sức bền cao hơn.
Thú vui vô hại
Thay vì dán mình vào màn hình máy tính, chơi những trò chơi vô bổ, đấu bọ thực chất lại là một môn thể thao mang lại khá nhiều lợi ích. Chú bọ tưởng chừng ngốc nghếch, ngờ nghệch kia lại là vật cưng lý tưởng, chúng không quá tốn công sức để nuôi dưỡng nhưng mang lại cho chủ nhân nhiều tiếng cười cũng những khoảng thời gian thư giãn.
Đấu bọ cũng không hề nguy hiểm cho cả người chơi lẫn những chú bọ tham gia. Không có sừng hay những gai nhọn như nhiều loại côn trùng khác, bọ hung có sừng cứng, hành động chính chúng làm chỉ là đưa đẩy nhau.
Một trận đấu bọ tại Nhật Bản
Tất nhiên, cũng có những trường hợp bọ bị thương trong quá trình thi đấu, thế nhưng nó đều tới từ những yếu tố khách quan còn bản chất của trận đấu chẳng hề khiến chú bọ sứt mẻ chút nào.