Việt Nam học được gì từ thành công mở rộng hạn điền Nhật Bản đã đạt được?

20/04/2017 11:32 AM | Kinh tế vĩ mô

Vào tháng 11/2014, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Aeon gây tiếng vang trong dư luận Nhật Bản khi thuê lại 11ha đất nông nghiệp của thành phố Saitama để làm nông trang canh tác. Thông tin này sẽ không có gì đáng bàn nếu như mọi người không biết rằng Nhật Bản có truyền thống giới hạn dòng vốn đầu tư của các tập đoàn vào canh tác nông nghiệp truyền thống.

Mỗi thời kỳ cần có một chính sách thích hợp

Sau Thế chiến thứ II, chính phủ Nhật Bản đã có một cuộc cải cách rộng lớn trong ngành nông nghiệp khi thực hiện tái cơ cấu ruộng đất, qua đó buộc những địa chủ và nhà tư bản lớn chuyển giao và bán những mảnh ruộng rộng lớn lại cho chính phủ để chia nhỏ và bán rẻ cho người dân.

Mục đích chính của động thái này là nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong xã hội Nhật sau chiến tranh, qua đó giúp người dân có thể tự cung tự cấp. Hơn nữa, biến động chính trị sau Thế chiến II cũng khiến chính quyền Tokyo phải có những biện pháp nhằm trấn an người dân.

Nhờ chính sách này mà hàng triệu hộ gia đình Nhật Bản được sở hữu những khoảnh ruộng nhỏ hơn 1ha để canh tác và sinh nhai. Bộ luật đất nông nghiệp năm 1952 cũng giới hạn cực kỳ chặt chẽ việc sở hữu đất nông nghiệp bởi người nông dân và hạn chế sự tham gia của các tập đoàn.

Trong thời gian đầu, chính sách này đã thu được hiệu quả khi giải quyết được phần nào nạn đói và bất mãn trong dân chúng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Nhật phát triển mạnh tạo ra nhiều thu nhập, việc phân nhỏ các mảnh đất nông nghiệp cho người dân đã kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có.

Việc làm nông nghiệp hộ gia đình không còn đem lại nhiều lợi nhuận so với các ngành khác khiến nhiều nông dân bỏ hoang ruộng đất hoặc canh tác không hiệu quả. Tính đến năm 2015, chỉ có khoảng 10% số hộ gia đình nông dân Nhật là làm nông toàn thời gian trong khi phần lớn đất nông nghiệp lại nằm trong tay họ.

Hệ quả là khi dân số ngày một già đi, lớp trẻ bỏ lên thành phố làm việc, tỷ lệ đất nông nghiệp bỏ hoang tại Nhật đã tăng hơn 100% kể từ năm 1995 và hiện chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong khi đó, số liệu năm 2011 của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho thấy nước này chỉ tự cung tự cấp được 39% lương thực trong nước và phải dựa phần lớn vào nhập khẩu.

Phần lớn các hộ gia đình chấp nhận làm nông bán thời gian chứ không chịu bán mảnh đất của mình bởi họ vẫn có thể chuyển chúng thành đất thổ cư và bán cho các công ty bất động sản. Thêm vào đó, các chính sách bảo hộ nông nghiệp khiến người nông dân Nhật Bản tránh khỏi áp lực cạnh tranh từ hàng nông sản nước ngoài.

Với những nguyên nhân như vậy, chính quyền Tokyo đã bắt đầu đẩy mạnh quá trình mở rộng hạn điển, đưa đất nông nghiệp vào tay các doanh nghiệp. Tiến trình này đã được khởi động từ thập niên 1990 nhưng vấp phải sự phản đối từ tầng lớp nông dân bán thời gian cũng như nhiều chính trị gia có nhiều phiếu bầu từ các cử tri vùng nông thôn.

[A Tùng] Việt Nam học được gì từ thành công mở rộng hạn điền Nhật Bản đã đạt được? - Ảnh 2.

Quá trình này được đẩy mạnh trở lại từ giữa thập niên 2000 khi an ninh lương thực của Nhật Bản bị đe dọa liên tiếp sau các cuộc thiên tai và tình trạng suy giảm sản lượng nông nghiệp. Tuy nhiên, sự bảo hộ của chính phủ Nhật với ngành này đã khiến tiến trình này gặp vô vàn khó khăn.

Vào năm 2009, chính quyền Tokyo đã tái cơ cấu lại tổ chức ngân hàng đất (FORC) tồn tại từ năm 1970 thành tổ chức phân bổ phù hợp đất nông nghiệp (FHG) với mục đích tăng cường các thỏa thuận cho thuê, mua bán đất nông nghiệp giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp muốn kinh doanh trang trại. Dẫu vậy, mô hình này cũng không hoạt động hiệu quả do gặp rất nhiều xung đột về lợi ích cũng như rào cản trong luật pháp.

Quyết tâm của chính phủ Nhật Bản

Bất chấp những khó khăn trên, chính quyền Tokyo vẫn tiếp tục thực hiện mở rộng hạn điền nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp kém hiệu quả.

Trong vòng 10 năm qua, quá trình mở rộng hạn điền tại Nhật Bản đã có những bước tiến đáng kể khi những trang trại lớn được đầu tư bởi các doanh nghiệp (Ninaite) đã canh tác được 49% đất nông nghiệp tại đây vào năm 2014, cao gấp 2 lần so với năm 2000.

Một bước tiến nữa của Nhật Bản là cho phép những trang trại vừa và nhỏ tham gia thị trường thay vì giới hạn những trang trại lớn như trước đây, qua đó đẩy nhanh quá trình mở rộng hạn điền cũng như cải thiện năng suất nông nghiệp. Kể từ năm 2009, kể cả những công ty không chuyên về nông nghiệp như Aeon cũng có thể tham gia thuê mua lại đất nông nghiệp từ ngân hàng đất chứ không phải chịu rào cản từ những quy định năm 1962.

Từ năm 1995 đến năm 2013, tỷ lệ sở hữu đất nông nghiệp của các trang trại Ninaite đã tăng từ 1,3% lên 6,7% và số lượng các công ty tham gia nông nghiệp tại Nhật vẫn đang tăng trưởng đều. Hiện gần 25% số công ty nông nghiệp hiện nay có sử dụng hoặc hợp tác với các trang trại lớn để sản xuất sản phẩm.

[A Tùng] Việt Nam học được gì từ thành công mở rộng hạn điền Nhật Bản đã đạt được? - Ảnh 3.

Nhật Bản cũng đang hướng dần đến việc bảo trợ cho các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp nhiều hơn với những chính sách bảo hộ cho các công ty hơn là hộ nông dân. Vào năm 2000, các công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán đã được đầu tư vào các doanh nghiệp nông nghiệp nhưng chỉ được giới hạn 25% tổng giá trị vốn hóa, riêng những tập đoàn nhà nước thì không có giới hạn.

Những hộ nông dân cũng được phép thành lập các doanh nghiệp cổ phần để tự động hóa và mở rộng sản xuất từ năm 2000, một điều chưa từng có trước đây tại Nhật Bản. Bộ luật đất nông nghiệp cũng đã được chính quyền Tokyo xem xét lại vào năm 2009, qua đó loại bỏ những rào cản cho công ty đầu tư vào nông nghiệp, ví dụ như quy định doanh nghiệp phải có hơn 50% số nông dân canh tác hơn 150 ngày/năm nằm trong ban giám đốc mới được đầu tư vào đất nông nghiệp. Hiện nay, chỉ cần 1 nông dân toàn thời gian nằm trong ban giám đốc là doanh nghiệp đã có thể đầu tư.

Đặc biệt nhất, quy định chặt chẽ giới hạn đất nông nghiệp chỉ cho các hộ nông dân và doanh nghiệp ngành nông đã được dỡ bỏ vào năm 2009, qua đó tạo điều kiện cho gần 2.000 tập đoàn ngoài ngành tham gia thị trường. Dẫu vậy, những công ty ngoài ngành này mới chỉ sử dụng hơn 0,1% tổng diện tích đất nông nghiệp.

Một biện pháp nữa cũng được Nhật Bản thực hiện là gia tăng quyền lực cho Hội đồng nông nghiệp địa phương. Hệ thống này được thành lập sau Thế chiến II để quản lý đất đai nông nghiệp nhưng quyền lực quá ít kèm với nhân sự phức tạp đã kiềm chế hiệu suất của nó, khiến rất nhiều đất nông nghiệp bị bỏ hoang, bị bán khi kinh tế Nhật bùng nổ đầu thập niên 1990.

Với cải cách năm 2009, Hội đồng nông nghiệp sẽ có nhiều quyền lực hơn để quản lý tập trung những mảnh đất nông nghiệp bị canh tác manh mún, không hiệu quả. Dẫu vậy, nhiều chính trị gia cho rằng cơ chế này sẽ làm gia tăng tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, qua đó làm phức tạp thêm tình hình.

[A Tùng] Việt Nam học được gì từ thành công mở rộng hạn điền Nhật Bản đã đạt được? - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, việc thành lập ngân hàng đất mới (FIAO) cũng đang khiến thị trường cho thuê đất nông nghiệp ở Nhật sôi động hơn bao giờ hết. Hệ thống mới được cải cách từ FORC này công khai những dự án mà doanh nghiệp muốn thuê đất, qua đó hạn chế tình trạng mua bán lén lút hoặc những rắc rối không cần có. Các hộ nông dân muốn cho thuê đất cũng sẽ được niêm yết công khai, minh bạch cho doanh nghiệp tham khảo.

Tổ chức FIAO cũng dễ dàng được nông dân chấp nhận hơn khi đồng ý thanh toán tiền thuê đất cho hộ nông dân dù chưa tìm được doanh nghiệp muốn thuê lại khu vực đó để làm trang trại. Tuy nhiên, chính sách này sẽ tạo áp lực lớn cho nguồn vốn của FIAO.

Mặc dù vậy, thử thách vẫn còn rất nhiều cho chính sách mở rộng hạn điền tại Nhật. Tình trạng sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích khác vẫn diễn ra tràn lan tại Nhật Bản, ví dụ như dùng đất nông nghiệp để xây dựng các tấm pin năng lượng mặt trời. Một báo cáo năm 2015 cho biết khoảng 11% các công ty thuê trang trại ở Nhật là những doanh nghiệp xây dựng và điều này dấy lên nghi vấn liệu họ có dùng đất nông nghiệp để canh tác hay không.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM