Đầu bếp nổi tiếng, mở rộng đến 43 cơ sở, chuỗi nhà hàng này vẫn phá sản dù nhà sáng lập bỏ hàng triệu USD để cứu vãn

29/10/2019 13:55 PM | Kinh doanh

Chuỗi nhà hàng Jamie's Italian phải đóng cửa khi đối mặt với hàng loạt khó khăn như lương nhân viên cao, chi phí thực phẩm tăng, ảnh hưởng từ Brexit và thói quen người tiêu dùng thay đổi.Trước đó, đầu bếp nổi tiếng người Anh từng chi 16,5 triệu USD để cứu công ty khỏi phá sản. Một trong những sai lầm của Oliver là “mở quá nhiều cửa hàng, quá nhanh và chọn sai địa điểm”.

Tháng 5 năm nay, “ngôi sao” đầu bếp Jamie Oliver – người nổi tiếng với một số cuốn sách và chương trình dạy nấu ăn - thông báo chuỗi nhà hàng phong cách Italia của ông tại Anh chính thức phá sản. Tính đến ngày 22/5, 22 trong số 25 quán của Oliver phải đóng cửa khiến hơn 1.000 nhân viên mất việc.

Từ một cửa hàng đầu tiên ra đời năm 2008, chuỗi Jamie's Italian của Oliver mở rộng ra 43 cửa hàng tính đến cuối năm 2016. Chuỗi này nhắm đến thị trường “casual dining”, cung cấp những bữa ăn có mức giá tầm trung (nằm giữa fast food – đồ ăn nhanh và fine dining – đồ ăn cao cấp).

Năm 2017, chuỗi nhà hàng của Oliver đứng bên bờ vực phá sản. Trước tình hình đó, Jamie Oliver đã chi 12,5 triệu bảng (tương đương 16,5 triệu USD) trong khối tài sản trị giá 150 triệu bảng của ông để cứu công ty khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

“Tôi có 2 giờ đồng hồ để chuyển tiền cứu công ty hoặc ngày hôm sau nó sẽ thành một đống rác”, Oliver chia sẻ với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018.

Tháng 8/2018, vị đầu bếp tiết lộ với The Guardian rằng ông phải đóng cửa 12 trong 37 nhà hàng thuộc chuỗi và cắt giảm 600 nhân viên.

Tuy nhiên, những nỗ lực của đầu bếp nổi tiếng người Anh vẫn không giúp ông cứu vãn được tình hình. Hàng loạt khó khăn cùng lúc diễn ra như giá thuê mặt bằng tăng, lương nhân viên cao, chi phí thực phẩm đắt hơn, ảnh hưởng từ Brexit và thói quen người tiêu dùng thay đổi buộc chuỗi nhà hàng của Oliver phải ngừng hoạt động.

Đầu bếp nổi tiếng, mở rộng đến 43 cơ sở, chuỗi nhà hàng này vẫn phá sản dù nhà sáng lập bỏ hàng triệu USD để cứu vãn - Ảnh 1.

Chi 16,5 triệu USD, Oliver vẫn không giúp chuỗi nhà hàng của mình thoát khỏi tình cảnh phá sản. Ảnh: Getty Images

Theo CNN, những những năm gần đây, ngày càng nhiều người tham gia kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống. Ngay các quán ăn nhanh cũng mời chào nguyên liệu tươi ngon, khiến áp lực chồng chất lên vai những chuỗi đã có vị thế.

Will Wright, đại diện của hãng kiểm toán KPMG đánh giá, "môi trường kinh doanh trên thị trường casual dining khốc liệt chưa từng thấy". Việc ổn định mô hình này hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới giữa làn sóng chi phí gia tăng, cộng thêm "niềm tin lung lay của người tiêu dùng" được chứng minh là bất khả thi, ông cho biết thêm.

Trước Jamie's Italian, Oliver cũng từng thất bại với chuỗi pizza Union Jacks và phải đóng cửa quán cuối cùng năm 2017.

Dưới đây là một số bài học từ thất bại của đầu bếp nổi tiếng này:

1. Người tiên phong có thể không phải người chiến thắng cuối cùng

Chuỗi nhà hàng Jamie's Italian của Oliver ra đời hơn 10 năm trước đã thổi một làn gió mới vào thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) của Anh thời điểm đó. Điều này giúp Oliver trở thành người tiên phong trên thị trường đang phát triển. Dù vậy, vị đầu bếp này cũng thừa nhận ông phải đối mặt với nhiều khó khăn và một trong những sai lầm của ông là “mở quá nhiều cửa hàng, quá nhanh và chọn sai địa điểm”.

2. Cần có chiến lược phát triển hợp lý

Tại thời kỳ đỉnh cao, Jamie's Italian từng vận hành 43 nhà hàng tại Anh. Tuy nhiên, việc mở rộng quá nhanh dẫn đến sai lầm trong lựa chọn địa điểm, Will Wright cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times năm 2017.

Giá thuê mặt bằng, giá thực phẩm, lương nhân viên tăng khiến nhiều địa điểm kinh doanh không có lãi, góp phần nâng khoản nợ của công ty lên đến 71,5 triệu bảng.

Đầu bếp nổi tiếng, mở rộng đến 43 cơ sở, chuỗi nhà hàng này vẫn phá sản dù nhà sáng lập bỏ hàng triệu USD để cứu vãn - Ảnh 2.

Jamie Oliver phụ thuộc vào những người khác để điều hành hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Ảnh: Getty Images

3. Nhân sự là yếu tố không thể bỏ qua

Olive – người nghỉ học năm 16 tuổi – thường chia sẻ rằng ông phụ thuộc rất nhiều vào những người khác để điều hành các hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Trường hợp này không phải hiếm gặp với các doanh nhân, đặc biệt với những người nổi tiếng. Tuy nhiên, truyền thông đặt câu hỏi về sự phù hợp của những người được Oliver tin tưởng và giao cho công việc điều hành Jamie's Italian.

4. Người nổi tiếng không chắc sẽ kinh doanh thành công

Vào thời điểm Jamie’s Italian ra đời, Oliver có một sự nghiệp rực rỡ với những chương trình truyền hình và sách dạy nấu ăn. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của đầu bếp sinh năm 1975 không đảm bảo công việc kinh doanh của ông sẽ thành công

“Khách hàng sẽ đến và mua cuốn sách mới nhất của Jamie, sẽ ngồi ở nhà và xem Jamie trên truyền hình, nhưng sau đó họ sẽ đi ăn ở Prezzo (một chuỗi nhà hàng của đối thủ cạnh tranh). Đó là vấn đề của chúng tôi”, Keith Jon Knight, người được bổ nhiệm làm CEO của Jamie Oliver Restaurant Group chia sẻ năm 2017.


Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM