Đạo diễn "Em là bà nội của anh": Không muốn nghe chuyện chồng con, vậy bạn muốn họ hàng hỏi điều gì? Hay gặp nhau ngày Tết và im lặng...

30/01/2019 15:15 PM | Sống

Dường như chúng ta đang làm mọi chuyện quá lên để mọi người thấy rõ điểm yếu của chúng ta ở đâu. Dăm ba câu hỏi cũng không thể khiến chúng ta khó chịu vào dịp Tết như thế được. Hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc của chính mình!

Có một bộ phận giới trẻ ngày nay rất sợ Tết, không chỉ bởi họ đi làm, kiếm được tiền rồi phải lo đến tài chính những ngày lễ, mua sắm, biếu xén nội ngoại mà còn bởi những câu hỏi không-nên-hỏi dồn dập khiến cho họ cảm thấy áp lực. Đơn cử như: "Bao giờ lấy chồng?, "Có người yêu chưa?'', "Lương thưởng cao không?"...

Với nhiều người, đó là nỗi sợ khi về quê ăn Tết, lâu ngày gặp mặt họ hàng lối xóm, bạn bè của bố mẹ. Nhiều người thậm chí đã tính đến ''kế chuồn là thượng sách'', xin phép bố mẹ xách vali lên đường đi du lịch vào ngày Tết hay ở nhà trốn tránh gặp gỡ nhiều người. 

Thực ra, trong suy nghĩ của những người hỏi những câu hỏi mà bạn cho là không-nên-hỏi, họ chỉ muốn quan tâm, hỏi han bạn sau một khoảng thời gian quá dài không gặp. Bởi, ngày Tết mà, hỏi bỗ bã như ngày thường chắc chắn không được nên họ đành hỏi những câu hỏi xã giao như thế để bắt đầu câu chuyện của họ. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - vị đạo diễn được biết tới sau thành công của 2 bộ phim điện ảnh ăn khách "Em là bà nội của anh" và "Cô gái đến từ hôm qua" đã chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này trên trang cá nhân:

"Vậy thật ra, bạn muốn người ta hỏi gì?

Tết năm nào cũng có những người viết status về chuyện đi chúc Tết bị hỏi: Bao giờ lấy chồng/vợ? Bao giờ có con?...

Mặc dù năm nào mình cũng bị hỏi, nhưng thật tình mình cũng chẳng thấy có gì đáng phàn nàn cả.

Mình cũng hiểu rằng, các cô ế chồng, các cặp hiếm muộn thì hẳn dễ bị tổn thương nếu cứ bị hỏi mãi, nhưng thật ra, nếu để lời nói của người khác - đây còn không phải là lời công kích cá nhân hay xúc phạm miệt thị gì - khiến mình bị tổn thương, bị kích động cảm xúc như thế, thì cuộc đời này chắc toàn nỗi bi ai với bạn mà thôi.

Đạo diễn Em là bà nội của anh: Không muốn nghe chuyện chồng con, vậy bạn muốn họ hàng hỏi điều gì? Hay gặp nhau ngày Tết và im lặng... - Ảnh 1.

Có những người mà có khi mỗi năm chỉ có Tết mình mới gặp - không chỉ người bạn xã giao mà cả người thân họ hàng bà con. Giữa mình và họ có bao nhiêu kết nối, hay câu chuyện để có thể trò chuyện? Bạn có thể thấy rằng, không phải ai cũng có cùng sở thích, cùng mối quan tâm để bắt đầu cho một câu chuyện.

Những câu hỏi kiểu: Bao giờ lấy chồng/lấy vợ? Có người yêu chưa? Bao giờ có con? Làm ăn tốt không? chỉ là những câu hỏi xã giao, và thật tình, đôi khi người ta chỉ hỏi cho có và bạn có trả lời thật tình hay vô tâm gì cũng chả quan trọng với họ cả.

Phản ứng tiêu cực với những câu hỏi đó chỉ cho thấy sự dễ bị tổn thương, sự thất bại, sự tự ti của chính bạn, bởi những người hạnh phúc với cuộc đời, họ hầu như đón nhận những câu hỏi ấy như một mối quan tâm mà người khác dành cho mình.

Bạn có thể trả lời qua loa cho xong chuyện, bạn có thể tếu táo trả lời vui vẻ, thái độ của bạn đem đến không khí của buổi trò chuyện đầu năm

Nếu không muốn nghe những hỏi những câu ấy, bạn muốn họ hỏi bạn điều gì? Hay gặp nhau ngày Tết và im lặng, bởi thật ra, với một người thất bại, tự ti, dễ bị tổn thương thì bất kỳ câu hỏi nào cũng có thể tác động tiêu cực đến họ cả.

Mà đã thế, tốt nhất, Tết bạn đừng gặp ai lâu ngày không gặp, hãy cứ ở gần những người mà quanh năm họ đã ở gần bạn, vì họ không có nhu cầu biết thêm gì về cuộc đời bạn nữa. Những người lâu ngày mới gặp, họ sẽ hỏi thăm về cuộc sống của bạn, và bất kỳ câu hỏi nào, cũng sẽ trở thành vô duyên nếu bạn mang tâm thế dễ bị tổn thương.

Câu hỏi vô duyên hay không, đôi khi, do sự phản ứng của người được hỏi mà ra. Biến nó thành vô duyên - và người hỏi lẫn người được hỏi đều trở nên vô duyên, hay biến nó thành có duyên, đều do người trả lời cả.

Vậy nên, hãy thử thay đổi thái độ, đón nhận mọi câu hỏi một cách vui vẻ, có khi Tết này, bạn sẽ thấy vui hơn".

Phan Gia Nhật Linh

Cùng chuyên mục
XEM